Trong chiến dịch Át - lăng, Tiểu đoàn 375 đã cùng sát cánh với các đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực đập tan chiến dịch này của giặc Pháp, góp phần chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Sau 7 năm tiến hành xâm lược Việt Nam lần thứ 2, thực dân Pháp liên tiếp thất bại, phải cầu viện Mỹ và Mỹ đồng ý cử tướng Nava, Tổng Tham mưu trưởng khối NATO sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Trong đó, nhiệm vụ chính được Nava đặc biệt quan tâm là đánh chiếm bằng được vùng tự do Liên khu 5 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau khi khảo sát chiến trường, Nava quyết tâm xoay chuyển thế trận từ bại thành thắng.
Trong chiến dịch Át-lăng, Nava huy động toàn lực 40 tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ ở các binh đoàn 10, 11, 21 đang ở Bình - Trị - Thiên và 2 binh đoàn 41, 42 ở Nam Bộ, trong đó có Binh đoàn 100 gọi tắt là GM 100 từ Triều Tiên về làm lực lượng nòng cốt. Ngoài ra, Nava còn rút thêm một số tiểu đoàn độc lập Âu Phi ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng một số tiểu đoàn dù cũng như tàu chiến, tàu đổ bộ Hải Quân tham gia chiến dịch. Riêng Phú Yên, Nava sử dụng 22 tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ, phối hợp với các binh chủng khác tấn công chiếm đóng Phú Yên vào sáng 20/1/1954.
Để các binh đoàn chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ tây tiến, đánh chiếm các cứ điểm trọng yếu của địch ở nam bắc Tây Nguyên, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy chiến dịch Đông - Xuân - Hè 1953-1954 ra quyết định rút Đại đội 4, Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 108; Đại đội 10 Tiểu đoàn 49 Tỉnh đội Quảng Nam; Đại đội 389 của Tỉnh đội Phú Yên, đổi thành phiên hiệu mới: Đại đội 1, 2, 3 thành lập Tiểu đoàn chủ lực 375 Tỉnh đội Phú Yên. Đồng thời quyết định chức danh cán bộ chỉ huy tiểu đoàn do đồng chí Phạm Dưng làm Tiểu đoàn trưởng; Nguyễn Hoanh, Chính trị viên trưởng; đồng chí Đôn Thanh, Tiểu đoàn phó; đồng chí Nguyễn Lầu, Chính trị viên phó.
Cùng với việc thành lập Tiểu đoàn chủ lực 375, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 còn bổ sung cho Tỉnh đội Phú Yên 1 đại đội đặc công 60 người do đồng chí Đoàn làm đại đội trưởng.
Trong chiến dịch Át - lăng, Tiểu đoàn 375 ngày đêm trên chiến tuyến quần nhau với giặc, bám giặc mà đánh, tìm giặc mà diệt. Suốt 146 ngày đêm (từ 25/2 đến 20/7/1954), Tiểu đoàn 375 đã tổ chức đánh 22 trận (cứ 6 ngày có một trận đánh), xóa sổ trung đoàn bộ binh tinh nhuệ do Trung đoàn trưởng Nguyễn Khánh chỉ huy thuộc Binh đoàn 41; xóa sổ các tiểu đoàn ngự lâm quân số 1, 2 và số 6; xóa sổ đại đội Âu Phi; tiêu diệt và bắt làm tù binh khoảng 2.000 quân địch; phá hủy hàng trăm xe quân sự, hàng chục kho tàng quân dụng, vũ khí và nhiên liệu. Chiến công nối tiếp chiến công, trên đường 19 (Gia Lai), bộ đội chủ lực ta tấn công tiêu diệt và san phẳng 3 cứ điểm Kà Tung, Balakatu và Búp lê; san phẳng 3 đồn lớn: Mang Đen, Mang Bút và Kon Rải.
Cánh cửa đông bắc Tây Nguyên mở rộng. Lợi dụng thời cơ, Trung đoàn 108 thần tốc tấn công địch từ Đắc Tô đến Đắc Lây. Trung đoàn 803 tập kích TX Kon Tum cắt đường 14, tiêu diệt cụm cứ điểm khu vực ngã ba đường 19 và 19 Bis.
Sau 20 ngày, bộ đội chủ lực ta tấn công Tây Nguyên. Ngày 17/2/1954, toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng 14.000km2 cùng 200.000 đồng bào được hoàn toàn giải phóng.
Ở chiến trường chính Bắc Bộ, ngày 13/3/1954, các đơn vị quân chủ lực của ta mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, căn cứ kiên cố nhất, mạnh nhất của giặc Pháp ở chiến trường Đông Dương đã bị quân ta tiêu diệt.
Tiểu đoàn 375 được khai sinh và trưởng thành trên tuyến lửa vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt và gay go nhất. Những cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 375 luôn tự hào với những chiến công đã góp phần làm nên lịch sử - đập tan chiến dịch Át - lăng, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
NGUYỄN TRUNG THÀNH
(Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 375)