Trong một cuộc hội ngộ của những cựu chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, tôi đã được nghe kể về truyền thống của những người lính Cụ Hồ. Với họ - những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa - ký ức về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn vang vọng mãi.
Trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 142 BĐTS nhớ lại: Ðể chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng đã quyết định mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, đồng thời thành lập Đoàn 559.
“Quân số ban đầu tham gia làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men vào chiến trường miền Nam theo đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp lấy từ cán bộ quân đội miền Nam tập kết ra Bắc của 2 Sư đoàn 324 và 305 và một số anh em trẻ, khỏe ở các nông trường quân đội. Trong đó, một số là cán bộ Nam tiến trong chống Pháp và tôi là một trong số đó”, ông Chính nhớ lại. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bác Hồ gọi Chỉ huy đoàn là đồng chí Võ Bẩm lên động viên và dặn, đại ý: Lúc này ta ở trong thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên phải vận dụng thời cơ đó mà tiến hành nhiệm vụ. Bác bảo phải khẩn trương làm ngay; phải chăm lo an toàn về sức khỏe để giữ quân. Đặc biệt phải chăm lo cho có muối ăn cả ta và dân bạn (Lào) ở dọc tuyến đường; phải quan hệ tốt với nhân dân 2 nước bạn Lào và Campuchia; phải khẩn trương vì ta đang chuẩn bị đánh lớn nên rất cần vũ khí, lương thực…
Đoàn công tác chia làm 20 đội, trong đó có 9 đội chuyên vận chuyển, gùi thồ hàng hóa. Trước mắt là gùi thồ 7.000 súng bộ binh các loại cho Khu V. Do gùi thồ năng suất không cao, nên từ năm 1960, ta quyết định chuyển sang vận chuyển bằng xe đạp. Đến năm 1964, Đoàn 559 tổ chức ngang tầm với quân khu. Lúc này đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh được mở rộng kéo dài từ đường 9 đến Bắc Tà Ngâu (Campuchia), qua các tỉnh bạn Lào, như: Atopo, Sava Nakhet và Sa Ma Vanh và qua nhiều trọng điểm như: Pha Nốp, Tà Khống, Ban Đông, Ta Ben… Nhiều đoạn bị Mỹ rải chất độc da cam nên cây cối chết sạch, chỉ còn lại những gốc cây trơ trụi và nền đất đỏ, xe qua rất dễ bị địch phát hiện.
Các CCB Trường Sơn (Phú Yên) họp mặt truyền thống - Ảnh: X.H |
Đến cuối năm 1965, đầu năm 1966, chiến trường miền Nam cần nhiều vũ khí và lương thực hơn nên Bộ Quốc phòng quyết định thành lập 2 đoàn xe vận tải: Đoàn 90 và Đoàn 100 (mỗi đoàn có 3 đại đội, mỗi đại đội 50 xe) đi thẳng từ Hà Nội vào, lấy tên là Mũi Tên Xanh. “Anh em chúng tôi khi đó hầu hết đã đứng tuổi, nguyên là học viên Trường Sĩ quan Hậu cần học lái xe ở trường Tiến Bộ, rồi lái chính. Phụ xe là số anh em ở Quân khu 3, Quân khu 1 còn rất trẻ, mới ra trường” ông Chính kể tiếp. Cả 2 đoàn xe sau khi nhận hàng ở Thái Nguyên về nghỉ tại Láng (Hà Nội) làm công tác chuẩn bị, đúng ngày 10/5/1965 cùng xuất phát vào chiến trường. Trên đường đi, nhiều lần bị địch ném bom, đánh phá ác liệt nhưng với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” đoàn xe “gan vàng, dạ ngọc” vẫn bon bon thẳng tiến. Cả đoàn chỉ dừng lại nghỉ khi đến vị trí quy định. “Chuyến đi đó, khi đến địa điểm giao hàng, cả 6 đoàn xe (tính theo đại đội) 300 chiếc chỉ còn lại chưa đầy 50 chiếc. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trên đường đi. Có đồng chí mặc dù đã bị thương, đầu quấn băng y tế nhưng còn có thể lái là vẫn ôm vô lăng, hành tiến đến đích”, ông Chính bùi ngùi nhớ lại.
Mặc dù địch tăng cường đánh mạnh, ta bị nhiều tổn thất nhưng lực lượng ta vẫn ngày càng lớn mạnh. Đầu năm 1967, ta thành lập các đoàn xe 56, 52, 100 và 101 bằng xe Zin 157 của Liên Xô; chia thành 3 tuyến, luôn hợp đồng chặt chẽ, vận chuyển với số lượng hàng hóa lớn, phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Trong 16 năm hoạt động (1959-1975), biết bao người lính trẻ, thanh niên xung phong và công nhân giao thông đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, phục vụ cho các chiến dịch Mậu Thân 1968, Mùa hè 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Hơn 1 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, khí tài, lương thực, thuốc men, đạn dược… chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công chung lẫy lừng đó có sự đóng góp của nhiều đồng chí là con dân của Phú Yên, tiêu biểu như liệt sĩ Lê Phụng Kỳ (xã Hòa Đồng, Tây Hòa), nguyên thiếu tá, Chính ủy Binh trạm 36, Đoàn 559.
55 năm kể từ ngày mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã trôi qua, những người lính Trường Sơn năm xưa nay không còn nhiều. Trở về với đời thường, họ vẫn luôn phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, tham gia các mặt công tác ở địa phương, cơ sở, nơi cư trú từ những việc nhỏ nhất. Có người làm bí thư chi bộ, có người làm chủ tịch Hội CCB, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hay đơn thuần chỉ là một CCB… Tất cả giờ đều đã lên chức… cụ, cố và đều là những tấm gương sáng để con cháu noi theo.
LẠC VIỆT