Chủ Nhật, 19/05/2024 03:42 SA
Ngựa xứ nẫu
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH

Một thời, ngựa “bất ly thân” với người xứ Nẫu Phú Yên - Bình Định. Sau bao bể dâu, nhiều vùng miền núi, đồng quê xứ Nẫu, ngựa vẫn còn lam lũ cùng người cưỡi, thồ hàng, kéo xe, dự các hội đua…

NGUA140129.jpg

Lang thang từ Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân… (Phú Yên) đến vùng Vân Canh, An Lão, An Nhơn, Phù Cát… (Bình Định), vó ngựa vẫn lóc cóc trong nắng sớm mưa chiều. Về An Nhơn, ngồi trên chiếc xe ngựa “cà rộc, cà rộc” đi thăm những di tích dày đặc quanh Thành Hoàng đế để cảm khái khí thiêng một thời trên đất kinh xưa. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân luôn gắn với việc sử dụng ngựa chiến, điển hình là khởi nghĩa Tây Sơn, hình ảnh Quang Trung Nguyễn Huệ luôn không tách rời với vó ngựa một trời nam chinh bắc chiến. Khi có giặc đến, cũng như người nông dân thay áo nâu bằng áo trận, ngựa thồ bỗng chốc được huấn luyện thành ngựa chiến…

Ngang vùng Tuy An, vẫn vang lời mẹ ru “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/  Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/ Cô về chẳng lẽ về không/ Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/ Ngựa ô đi tới Quán Cau/ Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều”. Bãng lãng không khí vừa kiêu sang, vừa quen thuộc một thuở ngựa xe qua núi, qua đèo một thời trấn biên Nam Trung Bộ. Nghe tựa từa “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” của Bà Huyện Thanh Quan chốn kinh kỳ. Địa danh Quán Cau bây giờ đặt cho con đèo trên đường thiên lý bắc nam, nhìn xuống thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan; Gò Điều giờ thuộc xã An Hòa (Tuy An). Dọc dài vùng bán sơn địa này, người dân vẫn còn nuôi, kinh doanh và sử dụng ngựa thồ thường ngày. Không tấp nập giữa thời cơ khí nhưng hàng trăm ngựa thồ vẫn lặng lẽ cùng dân quê “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Dẫu có đường sá được xây dựng nhưng ngựa thồ vẫn tỏ ra đắc dụng trên những quãng đèo núi xa xôi cách trở…

Theo ông Nguyễn Hữu Chi (Năm Cai, 63 tuổi, ở xã An Hiệp, Tuy An), với khoảng 500 con, vùng An Hiệp hiện có mật độ ngựa nuôi thuộc loại nhiều nhất miền Trung. Năm Cai nói: “Buổi sáng lên rẫy là phân bón, giống má, đồ ăn thức uống, rồi cả trẻ con theo trên lưng ngựa. Đoạn nào dễ đi thì người lớn cũng trên lưng ngựa, mấy đoạn dốc khó thì xuống dắt ngựa. Từ vùng này tắt lên phía tây Tuy An, Sơn Hòa đều phải dùng ngựa thồ nông sản. Tiện lợi, nhanh gọn, chi phí rẻ hơn vận tải xe theo đường vòng. Bởi dẫy, làng ngựa thồ mới tồn tại sung túc trước phong trào sắm xe tải khắp nơi bi giờ!”.

Ngựa thồ bình thường đều có thể tải 100kg, sung sức thì trên 120kg; giá cả khoảng 50.000 đồng/km. Phẩm chất bẩm sinh của ngựa là đi lại rất khéo trên những con đường gồ ghề, kể cả độ dốc “trật ót”, qua vùng suối nước hiểm nguy hay trong đêm tối; hàng hóa (nhất là trái cây) thường không bị dằng xóc, bầm dập. Có những công trình xây dựng trên núi cao, ngoài máy ra thì chỉ có ngựa thồ mới có thể tiếp cận chở vật liệu, thiết bị máy móc… Thế nên ngựa thồ ở đây không bao giờ hết việc. Thường xuyên là chở đường trầm, lúa rẫy, chuối, sắn, bắp, đậu phộng… từ núi xuống; chở cá mắm, vật tư nông nghiệp, hàng nhu yếu phẩm từ xuôi lên. Từng nhóm, từng đoàn ngựa thồ phì phò, lặc lè, vô cùng hiệu quả, ít khi có sơ suất, tai nạn xảy ra. Tấp nập nhất là mùa mít chín và mùa cung cấp chuối, thơm (dứa), đu đủ… cho chợ tết nơi nơi.   

Đương chuyện ngựa làm, Năm Cai cứ “cố tình” lái sang chuyện ngựa chơi. Chỉ con ngựa lai cao to đang đứng hiên nhà, ông hứng khởi: “Tui “sồn sồn” vầy rồi, chớ mà nói chuyện đua ngựa, tụi trẻ dè chừng lắm! Tui cùng mấy đệ tử ruột, cứ vài tháng lại đi Long An, Lâm Đồng để coi ngó có con nào chiến là “tó” về. Thấy ngựa ngoan là tui ngứa ngáy, chịu không được. Cách đây 20 năm, bà vợ đã từng “tá hỏa” khi tui bỏ ra 2 cây vàng để dắt về một chú ngựa đua nhứt hạng…!”.

Nghề chơi ngựa cứ như trong huyết thống, truyền từ đời ông cha. Bây giờ, thằng con ông là Nguyễn Hữu Sơn mới 16 tuổi nhưng đã 2 năm lên lưng ngựa ở hội đua trên gò Thì Thùng. Thể lệ hội Thì Thùng ít chấp nhận trẻ nhỏ đua, nên Sơn phải được “đôn” tuổi để dự thi. “Hồi đầu tập đua, em run lắm, mấy chỗ cua ngặt, cứ rớt ngựa hoài. Thế nhưng ba chỉ sơ mấy “đường nét” là em phi thuần liền. Vui nhất đời là đi đua ngựa! Năm nay, cha con em lại… ra trận”, Sơn nói.

Theo Năm Cai, hội đua ngựa bây giờ quá ít. Ở Tuy An chỉ có hội Thì Thùng và đại hội TDTT huyện là có đua ngựa; thế nhưng giải nhất chỉ vài trăm ngàn đồng, “chẳng đủ mua đồ ăn cho ngựa đua”. Ông nhắc đến trường đua Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh): “Cá độ quá hay sao đó mà dừng đua nhiều năm trời. Mới đây, khi phục hồi lại thì dân chơi tấp nập ra Phú Yên tìm mua ngựa”. Ông hy vọng sẽ có thể “đọ nài” với nhiều tay đua hơn, khi nghe Quảng Ngãi đang tính lập một trường ngựa. Ông khoe năm rồi cũng được Bình Định đưa xe vào An Hiệp đón nhóm nài và 20 con ngựa đi dự diễu hành tại Festival võ Tây Sơn, bởi Bình Định lúc này không còn nuôi ngựa nhiều như Phú Yên…

“Ngay chính cao nguyên An Xuân - nơi diễn ra hội Thì Thùng, lượng ngựa vẫn ít hơn hẳn An Hiệp. Thế nên người ta mới gọi An Hiệp là “thủ đô” ngựa! Mừng là hội Thì Thùng ngày càng được chính quyền quan tâm hơn, lượng người trẩy hội xuân cũng đông hơn trong mấy năm gần đây. Thế nhưng lượng ngựa đua được phân đều cho các xã. Trong lúc, ngựa An Hiệp rất mạnh, đa phần các năm qua đều chiếm giải cao. Kể cũng chán! Mong là các xã bạn có thêm người đầu tư chơi ngựa đua, để cọ bưa thì mới đã! Tỉnh cũng đang đầu tư ngựa giống lai cho An Xuân. Hy vọng mấy năm nữa, sẽ có thêm nhiều ngựa “ngon lành” ở hội đua Thì Thùng…”, Năm Cai nói.

Nhắc đến tốc độ ngựa đua, ông khà khà: “Có bữa tui đi rẫy trên đường liên xã, mấy đứa thanh niên mới mua xe máy phân khối lớn, thách đua. Thế là “chơi luôn”, tui đã cho xe đời mới của tụi nó chào thua, “ngửi khói”!”.  

Theo ông, nguyên tắc chung để chọn ngựa là “đùi nai, tai thỏ, đầu nhỏ, cổ thắt”, thế nhưng còn nhiều yếu tố khác như “lý lịch dòng họ”, quá trình tập tành “tu nghiệp” và sở trường tinh ý của người mua. Muốn thuần ngựa nhanh thì phải tay nghề, có mạng “cầm” ngựa và nhất là phải gần gũi, chăm sóc thì mới “mã đáo thành công”.

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi Tổng bí thư Trần Phú chào đời
Thứ Hai, 03/02/2014 11:00 SA
Có một nữ tướng người Phú Yên
Thứ Bảy, 01/02/2014 07:00 SA
Cả cuộc đời dành cho thủy điện
Thứ Sáu, 31/01/2014 19:00 CH
Người của buôn làng
Thứ Năm, 30/01/2014 11:00 SA
Cùng người nghèo vui xuân
Thứ Ba, 28/01/2014 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek