Thứ Sáu, 29/11/2024 01:53 SA
Người của buôn làng
Thứ Năm, 30/01/2014 11:00 SA

Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhiều người con ưu tú của đất nước được cách mạng phân công làm công tác “Thượng du vận” đều cà răng, căng tai, đóng khố, ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc thiểu số. Trong trường ca “Bài ca chim Chơrao”, nhà thơ Thu Bồn khắc họa sinh động hình ảnh người cách mạng “ba cùng” với đồng bào ở chiến khu xanh:

 

nguoi-cua-buon-lang.jpg

Đồng chí Đào Tấn Ngoạn đóng khố “ba cùng” với bà con các dân tộc miền Tây Thừa Thiên (1956-1960) và đồng chí Cao Xuân Thiêm đóng khố “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc ở chiến khu Thồ Lồ (9/1954-1960)

“Mẹ thường khen hàm răng con đẹp

Hé môi cười ánh sáng cười theo

Con đã cà rồi hàm răng ngà ngọc

Khố trần một chiếc bương đèo

Tóc bới, tai căng, tay vòng lấp lánh

Con đi theo hướng mặt trời...”

 

Lịch sử kháng chiến Nam Trung Bộ ghi nhận hai nhà cách mạng ưu tú đã gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn. Ðó là cụ Ðào tấn Ngoạn (bí danh Kôn Meo, Quỳnh Meo, Ama Lộc) và Cao Xuân Thiêm (bí danh Ma Pốp, Ma Xong, Ma Xí). Ðầu xuân mới, nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) hồi ức về bậc đàn anh của ông - Ðào Tấn Ngoạn.

 

Qua đồng đội cũ từng chiến đấu ở chiến trường Khu V, tôi nhận được thông tin vui: Ngày 11/12/2013, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VI nhiệm kỳ 2011-2016 quyết định thông qua đặt tên đường tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông và đã chọn Kôn Meo, Quỳnh Meo (Đào Tấn Ngoạn) nguyên Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên 1956-1960 đặt tên cho một con đường ở thị trấn này.

 

Ai đã từng ngược xuôi đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ ắt hẳn đều nghe đến địa danh Khe Tre ở miền Tây Thừa Thiên. Thị trấn Khe Tre được thành lập năm 1997, là huyện lỵ của huyện Nam Đông cách thành phố Huế 50km về hướng Tây Nam, cách quốc lộ 1A 25km về hướng đông bắc. Thị trấn Khe Tre có tỉnh lộ 14B, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua, cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô 50km về hướng đông nam, cách cửa khẩu Tà Vằng A Đớt 30km về phía tây bắc.

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh danh anh Đào Tấn Ngoạn bằng cách đặt tên Anh cho một con đường là niềm vui chung cho tỉnh Phú Yên chúng ta.

 

Đào Tấn Ngoạn thuộc lớp đàn anh. Tôi và anh có nhiều điểm tương đồng trong suốt cuộc đời hoạt động, đó là gắn bó mật thiết lâu dài với bà con các dân tộc trong hai cuộc chiến tranh và xây dựng buôn làng trong những năm đầu giải phóng.

 

Tham gia chiến sĩ vệ quốc sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi có mặt ở Phú Yên tháng 3/1946 trong đoàn quân Nam tiến, sau đó được điều động lên Tây Nguyên. Tháng 10/1946, tôi được cấp trên phân công về lại Phú Yên và gắn bó trọn đời với vùng đất này như quê mẹ thứ hai.

 

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tôi công tác ở Tỉnh đội Phú Yên, được biết anh Ngoạn là Thường trực Chiến khu ủy Chiến khu 2 (các xã đồng bằng Tuy Hòa phía bắc sông Đà Rằng), sau đó là Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa tháng 6/1947.

 

Anh Ngoạn từ quê lúa Tuy Hòa cùng nhiều đồng chí khác ngược dòng sông Ba chi viện cho chiến trường Đắk Lắk, gắn bó với đại ngàn Trường Sơn, với Tây Nguyên hùng vĩ, tạo cảm hứng cho câu ca dao nổi tiếng trong hai cuộc chiến tranh: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng, Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”. Tôi từ quê hương Diễn Châu (Nghệ An), vào chiến trường Phú Yên được cử làm Đội trưởng Đội vũ trang 250 chuyên trách vận động quần chúng ở vùng Thồ Lồ - Ma Dú và cả miền Tây Phú Yên.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954, tôi và anh Ngoạn thuộc diện tập kết nhưng cùng được Đảng phân công ở lại miền Nam. Tôi phụ trách xoi đường bảo đảm giao thông liên lạc giữa Tỉnh ủy Phú Yên với Khu ủy V ở vùng tập kết 300 ngày ở Lộc Lễ, Diêu Trì, Bình Định. Sau đó, được phân công làm công tác vận động quần chúng ở các buôn làng dân tộc vùng Thồ Lồ, Ma Dú (Đồng Xuân), xây dựng chiến khu Phú Yên suốt 7 năm trường. Anh Ngoạn do sức khỏe yếu, tháng 2/1955 được Đảng đưa ra miền Bắc chữa bệnh, công tác ở Trường Đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam (thuộc Ban Dân tộc Trung ương) và là một trong số ít những cán bộ được Đảng cử vào Nam sớm nhất.

 

Tháng 6/1956, anh Ngoạn được Khu ủy V tăng cường về Tỉnh ủy Thừa Thiên làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, gắn bó chặt chẽ với bà con các dân tộc Tà Ôi, Kà Tu... xây dựng chiến khu Miền Tây Thừa Thiên.

 

Trong những ngày gian khổ nhất của cách mạng miền Nam những năm 1956-1960, Mỹ Diệm đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, tôi và anh cùng những đồng chí trung kiên đã cà răng, căng tai, đóng khố, học tiếng nói, tìm hiểu phong tục tập quán, gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc để thắp lên ngọn lửa ý chí, niềm tin về thế tất thắng của cách mạng; xây dựng chiến khu xanh vững chắc để lực lượng ta hiên ngang trụ bám trong hoàn cảnh địch ruồng bố truy lùng khốc liệt. Phải là người trong cuộc mới thấm thía nỗi cơ cực gian nan trong những tháng năm này.

 

Tôi gắn bó với Miền Tây Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh, nhớ từng cái suối, cái khe, thuộc tên nhớ mặt từng buôn làng từ Thồ Lồ, Ma Dú giáp ranh Bình Định - Gia Lai đến buôn E Ngao dưới núi Mẹ Bồng Con giáp ranh với Khánh Hòa, Đắk Lắk.

 

Địa bàn hoạt động của anh Ngoạn rộng hơn, từ A Sầu, A Lưới Miền Tây Trị Thiên, được Đảng phân công làm Bí thư B5 (tỉnh Đắk Nông ngày nay và một phần của Lâm Đồng, Đồng Nai Thượng), lúc thuộc Khu VI, lúc thuộc Khu V, địa bàn trọng yếu nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và Trung ương Cục ở Chiến khu Đ. Tôi và anh cùng được thưởng Huân chương Thành Đồng - Huân chương cao quý nhất của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

 

Đầu những năm 1970, tôi và anh cùng được Đảng đưa ra miền Bắc chữa bệnh và cùng trở lại chiến trường, cùng nhận công tác ở Khu ủy V. Anh được Khu ủy phân công làm Phó ban sản xuất rồi Phó ban Miền núi Khu V; năm 1974 phụ trách Trường T74 đào tạo 1.000 cán bộ cốt cán cơ sở của Khu V. Còn tôi được Khu ủy phân công làm Phó ban Vật tư, Quyền trưởng ban Chi viện tiền phương trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.

 

Trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tôi và anh đều được phân công đến chiến trường nóng bỏng, hòa vào khí thế long trời lở đất của bản hùng ca chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Sau ngày giải phóng, anh được Đảng phân công làm Bí thư Huyện ủy Krông Pách (các huyện phía đông tỉnh Đắk Lắk ngày nay), còn tôi được Đảng phân công làm Bí thư Huyện ủy Tây Sơn ( 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay). Đó là hai huyện láng giềng gắn bó rất mật thiết trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, có vô vàn khó khăn trong những năm đầu xây dựng hòa bình.

 

Năm 1980, đang làm Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột, anh xin nghỉ hưu ở tuổi 57, về lại quê nhà sống thanh thản những năm cuối đời. Còn tôi cũng nghỉ công tác năm 1986 ở tuổi 58, tạo thế tre tàn măng mọc, sống thanh thản giữa quê hương Phú Yên - quê hương thứ hai nghĩa nặng tình sâu.

 

Về hưu, tôi và anh có nhiều dịp gặp nhau, cùng ôn lại quãng đời đã qua, nhắc lại từng kỷ niệm vui buồn trên dòng sông lớn của cách mạng đã xuôi về biển cả, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Tôi và anh cùng một thế hệ thấm thía nỗi nhục mất nước, sớm đi theo tiếng gọi của Đảng, trải tuổi xuân với núi rừng, gắn bó với các buôn làng, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho đất nước.

 

Anh đã đi xa hơn 10 năm, tình đồng chí anh em vẫn dạt dào như sóng bể. Trải bao biển dâu cuộc đời, tuổi xế chiều biết bao ngậm ngùi về nghĩa Đảng tình Dân về một thời đã qua.

 

CAO XUÂN THIÊM (VĂN CÔNG)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi Tổng bí thư Trần Phú chào đời
Thứ Hai, 03/02/2014 11:00 SA
Có một nữ tướng người Phú Yên
Thứ Bảy, 01/02/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek