Một ngày xuân cách đây 3 năm, tôi rụt rè bước vào ngôi nhà tĩnh lặng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đã đi khá nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người nhưng khi gặp chủ nhân ngôi nhà này, tôi lại có cảm giác mình như cô học trò nhỏ đứng trước vị giáo sư tôn kính. Chẳng phải vì ông nổi tiếng, từng giữ những cương vị cao mà chính vì ông là một trí thức luôn hết lòng với dân với nước. Ông đã dành cả đời mình cho các công trình thủy điện kỳ vĩ: Thác Bà, Hòa Bình, YaLy, Sơn La…
Tiến sĩ Thái Phụng Nê nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh - Ảnh: TTXVN
Không như nhiều người vẫn hình dung về một bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, tiến sĩ Thái Phụng Nê vô cùng gần gũi, giản dị! Là trí thức được đào tạo tại Liên Xô (cũ), chuyên gia đầu ngành về thủy điện ở Việt Nam và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới song ông hết sức khiêm nhường. Điều đó càng làm cho trí tuệ, nhân cách của ông thêm tỏa sáng.
1 Những ai gần gũi và hâm mộ tiến sĩ Thái Phụng Nê đều biết ông thông minh, chăm học từ nhỏ và học rất giỏi. Được sinh ra và lớn lên trên vùng quê trù phú Hòa Thắng (Phú Hòa), ông là niềm tự hào của những người thầy Trường Lương Văn Chánh - ngôi trường trung học đầu tiên ở Phú Yên. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông là một trong những học sinh miền Nam được chọn để đưa ra Bắc học tập. Trau dồi kiến thức tại 2 ngôi trường phổ thông danh tiếng ở phía Bắc là Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) và Trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), ông tốt nghiệp phổ thông rồi được chọn du học ở Liên Xô cùng một số học sinh xuất sắc khác.
Lần đầu tiên gặp tiến sĩ Thái Phụng Nê, tôi háo hức hỏi về con đường đưa ông đến với ngành thủy điện. Hóa ra Khoa Thủy công (xây dựng các công trình trên nước như cảng, đập, thủy điện…) không phải là lựa chọn của ông, mà là do Trường đại học Xây dựng ở Mátxcơva phân công. Sau 5 năm học ở nước bạn, năm 1961, ông tốt nghiệp đại học và mong mỏi đến ngày trở về, phục vụ đất nước. Việc ông tiếp tục ở lại Liên Xô để nghiên cứu và học cao hơn là do cấp trên yêu cầu. Tất nhiên, thành tích học tập phải nổi bật thì mới được lựa chọn để học tiếp. Nhưng tiến sĩ Thái Phụng Nê chưa bao giờ nhận mình giỏi. Ông luôn tìm cách hòa lẫn vào những người khác và ngợi khen năng lực của người khác. Ông làm tôi nhớ đến câu: Trí tuệ càng cao thì càng khiêm cung.
Về nước, tiến sĩ Thái Phụng Nê được phân công về Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi. Ông có 3 địa chỉ để đi thực tế: Viện Thiết kế thủy lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi và Thủy điện Thác Bà. Tiến sĩ Thái Phụng Nê chọn Thác Bà và gắn bó với công trình này từ năm 1964 đến năm 1971. Khi thủy điện Thác Bà cơ bản hoàn thành, ông được rút về để nghiên cứu, tham gia quy hoạch hệ sông Hồng, xác định công trình nối tiếp thủy điện Thác Bà.
Đó chính là thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ. “Tôi đã gắn bó với hệ sông Hồng, với dự án thủy điện Hòa Bình suốt 17 năm, từ những ngày đầu chuẩn bị thi công cho đến năm 1989” - tiến sĩ Thái Phụng Nê nói một cách giản dị.
Thủy điện Hòa Bình - Ảnh: ĐẠT LÊ
Là công trình trọng điểm của Việt Nam trong thế kỷ XX và từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình trên dòng sông Đà hùng vĩ, được khởi công vào tháng 11/1979, khánh thành vào tháng 12/1994. 3,5 vạn người, lúc cao điểm có 750 chuyên gia và kỹ sư Liên Xô, đã tham gia xây dựng công trình này. Nhà máy nằm trong lòng núi, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000KW, sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỉ KWh, là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Tiến sĩ Thái Phụng Nê khi ấy là Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện Hòa Bình. Ông đã cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho thủy điện Hòa Bình. Sau khi công trình hoàn thành, tiến sĩ Thái Phụng Nê được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông chia sẻ: “Tôi đã làm rất nhiều thủy điện: Thác Bà, Hòa Bình rồi khởi xướng YaLy và nhiều thủy điện khác, nhưng công trình gắn bó lâu nhất, học hỏi nhiều nhất là Hòa Bình. Và trong giai đoạn hết sức khó khăn, ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhưng chúng ta đã làm một công trình như thế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên Xô. Chúng ta vừa làm vừa học tập, vừa đào tạo nên đội ngũ bây giờ. Sau khi làm công trình xong, đội ngũ cán bộ, công nhân đều trưởng thành”.
Tôi nhớ, tiến sĩ Thái Phụng Nê có lần nói vui rằng đời ông gắn với con số 10. Tháng 10/1964: làm công trình thủy điện Thác Bà. Tháng 10/1992: làm bộ trưởng Bộ Năng lượng, tháng 10/1998: làm thứ trưởng Bộ Công nghiệp, tháng 10/1999: làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Từng giữ những cương vị cao song ở ông vẹn nguyên cốt cách của một trí thức, một nhà khoa học chứ không phải là một nhà chính trị. Năm 2001, sau khi nghỉ hưu, ông làm phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án Thủy điện Sơn La. Cả đời ông gắn bó với các công trình thủy điện và sau khi về hưu, ông vẫn tâm huyết, vẫn dốc hết sức mình cho các công trình thủy điện của đất nước.
2 Thầy tôi - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước ở Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương đã làm một bộ phim tài liệu ấn tượng mang tên Từ Thác Bà đến Sơn La. Tác phẩm này được thực hiện để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Thời điểm đó, thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á chuẩn bị chạy tổ máy số 1, sớm 2 năm so với kế hoạch.
Lên Sơn La, trò chuyện với những người trực tiếp làm nên công trình kỳ vĩ này, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước nhận ra cả một quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ những người làm thủy điện Việt Nam. Bắt đầu từ Thác Bà - nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam cho đến thủy điện Sơn La là quá trình phát triển vượt bậc. Và thầy Nguyễn Thước đã làm phim đó trong tràn đầy cảm xúc. Ông đặc biệt ấn tượng với tiến sĩ Thái Phụng Nê. “Bác ấy là người đi từ những ngày đầu tiên của ngành thủy điện Việt Nam, đã bám trụ ở rất nhiều thủy điện lớn của đất nước. Tất nhiên giữa chừng bác ấy có những giai đoạn làm quản lý nhưng cuối đời thì trở lại với ngành thủy điện. Tôi nghĩ bác ấy là người hạnh phúc, được tham gia từ thủy điện đầu tiên đến những thủy điện lớn và là phái viên của Thủ tướng bám sát nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á” - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước chia sẻ.
Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực điện lực và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt - Pháp, tháng 11/2013, tiến sĩ Thái Phụng Nê - người con xuất sắc của mảnh đất Phú Yên đã nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ - huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp. Trước đó, vào năm 2012, ông được Văn phòng Chính phủ trao tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng.
Đồng nghiệp bên truyền hình định làm phim tài liệu về tiến sĩ Thái Phụng Nê - một bộ phim hoàn toàn khác Từ Thác Bà đến Sơn La, khai thác cuộc sống đời thường của một trí thức hết lòng vì đất nước, một người con luôn tha thiết với quê hương Phú Yên. Nhưng ông nhẹ nhàng từ chối, rằng hãy làm phim về những người khác. Tiến sĩ Thái Phụng Nê là như thế, lúc nào cũng giản dị, khiêm nhường.
Điều đó càng làm cho ông được nhiều người yêu quý, kính trọng.
PHƯƠNG TRÀ