Năm nay, Trung ương Ðảng và Phú Yên sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Ðảng. Về với Thành An Thổ, Tuy An, Phú Yên nơi Trần Phú chào đời để càng thêm tự hào về một lãnh tụ xuất sắc của Ðảng mà sự nghiệp cách mạng vẻ vang gắn với sự ra đời của bản Luận cương chính trị nổi tiếng và lời căn dặn bất tử trước lúc đi xa: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Thành An Thổ (tháng 5/2013) - Ảnh: MINH KÝ
THEO DẤU XƯA…
Khi phủ Phú Yên được thành lập năm 1611 với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, dinh Trấn Biên đặt tại làng Hội An (nay là thôn Phú Hội, xã An Ninh Tây) nằm ở hạ lưu sông Cái. Năm 1832, vua Minh Mạng nâng cấp Phú Yên thành đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1836, triều đình nhà Nguyễn chuyển tỉnh lỵ về thôn Long Uyên (về sau thôn An Thổ tách ra từ thôn Long Uyên và dinh phủ thuộc địa phận thôn An Thổ), cách thành cũ chừng 3km. Thành An Thổ nằm cạnh bờ sông Cái.
Thành An Thổ có bình đồ hình vuông được xây dựng theo kiến trúc Vauban (Pháp) với chu vi khoảng 1.360m; Năm 1838, vua Minh Mạng cho đào con sông Nhân Mỹ (sông Vét) dài hơn 4.300m để chia nước sông Cái, phòng tránh lũ lụt và thuận lợi cho giao thông đường thủy.
Từ khi giữ vai trò trung tâm chính trị của Phú Yên (1836-1899), An Thổ hình thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trong thành, bên cạnh việc đặt bộ máy chính quyền phong kiến cấp tỉnh… còn có trường tỉnh, trường phủ. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, An Thổ là nơi đặt Trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh.
Năm 1901, thân sinh đồng chí Trần Phú, ông Trần Văn Phổ (quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đã đưa cả gia đình vào sinh sống ở thành An Thổ. Chính tại nơi đây, ngày 1/5/1904, đồng chí Trần Phú cất tiếng khóc chào đời, trải qua thời thơ ấu tại đây cho đến năm 1907.
Khi tỉnh lỵ Phú Yên chuyển ra Sông Cầu (1899), thành An Thổ trở thành phủ lỵ Tuy An đến năm 1939.
Tháng 8/2005, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định xếp hạng di tích lịch sử khảo cổ Thành An Thổ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nhằm phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ khách thăm viếng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, Khu di tích Thành An Thổ đã được tôn tạo, đưa vào đón khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011.
… ÐẾN TÁI HIỆN LỊCH SỬ
Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Thành An Thổ gắn với nơi sinh Tổng bí thư đầu tiên của Đảng nằm giữa khu dân cư đông đúc.
Trong khuôn viên nội thành hướng mặt về phía đông, trên tòa công đường ngày trước, nay là tòa nhà 2 tầng bề thế rộng 750m2 làm nơi trưng bày hiện vật, tư liệu khu di tích lịch sử - văn hóa này. Bước vào nhà trưng bày, khách tham quan gặp ngay phần nền móng cũ của dinh Tuần vũ. Tại đây, một phần lịch sử được tái hiện qua những hiện vật gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển của thành An Thổ. Tầng 2 là khu vực trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời chiến đấu kiên cường, bất khuất và tượng bán thân bằng đồng của Ông cùng với lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”.
Phần trưng bày tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng phong phú của Danh nhân lịch sử Trần Phú, mà đóng góp to lớn, tiêu biểu của Ông là sự ra đời của bản Luận cương chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930). Chính tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư. Những quan điểm đúng đắn được hoạch định trong Luận cương chính trị cùng với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Bác Hồ soạn thảo khi thành lập Đảng vào mùa xuân 1930 đã hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Tại khu di tích lịch sử - văn hóa này, học sinh thường đến sinh hoạt ngoại khóa. Anh Nguyễn Hoàng Ân, bảo vệ khu di tích cho biết, từ khi đưa vào hoạt động, nơi đây luôn sôi động bởi các buổi sinh hoạt của học sinh, thanh niên trong huyện. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu về khí tiết người cộng sản của Tổng bí thư đầu tiên của Đảng đấu tranh bất khuất trong nhà tù thực dân tàn bạo và trái tim người cộng sản giàu nhiệt huyết đó đã ngừng đập vào ngày 6/9/1931 với lời căn dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Anh Ân cho biết thêm, trong năm qua, có hơn 180 đoàn khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú, trong đó có những đoàn khách nước ngoài.
Trong sổ lưu niệm, chúng tôi bắt gặp những ý kiến bày tỏ niềm tự hào về người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng của nhiều đoàn khách khắp mọi miền đất nước, trong đó có những đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. “Được thăm Khu di tích Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, chúng tôi vô cùng xúc động nhớ lại những sự kiện lịch sử chung của đất nước Việt Nam, nhớ lại quãng đời hoạt động, những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước”. Đó là ý kiến của đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương ghi vào sổ lưu niệm ngày 19/8/2013.
“Sức mạnh của lý tưởng cách mạng và đạo đức cao cả của người chiến sĩ cộng sản, của người lãnh đạo Ðảng đã đưa Trần Phú trở thành con người vinh quang. Ðồng chí Tổng bí thư đầu tiên của Ðảng hy sinh oanh liệt ở tuổi đời 27, đã gây xúc động mạnh trong Ðảng và nhân dân Việt Nam cùng đồng chí và bạn bè quốc tế. Thật là một tổn thất lớn của Ðảng và nhân dân ta”. (NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ ÐỖ MƯỜI) Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Thị Kim Hoa: Gần Khu di tích lịch sử - văn hóa Thành An Thổ còn có các di tích cấp quốc gia như: Di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật Chùa Từ Quang tại xã An Dân; Di tích thắng cảnh Vịnh Xuân Ðài (Tuy An - Sông Cầu) và đặc biệt là Di tích danh thắng Gành Ðá Ðĩa (An Ninh Ðông, Tuy An). Các di tích văn hóa lịch sử quốc gia này sẽ kết nối thành tour du lịch hấp dẫn và giá trị của Khu di tích Thành An Thổ càng được phát huy. |
NGUYÊN TRƯỜNG