Thứ Sáu, 29/11/2024 03:51 SA
Đội Tự vệ đỏ Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám
Thứ Năm, 26/12/2013 11:00 SA

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) như ánh mặt trời cách mạng xua tan đám mây mù, tỏa sáng luận cương chính trị, gieo niềm tin lớn vào người dân đất Việt. Ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng. Do yêu cầu phát triển của cách mạng, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể cứu quốc đỏ ra đời, nhất là các đội tự vệ đỏ được thành lập ở khắp các địa phương trong tỉnh, làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên hiện nay.

ongtuve131226.jpg

Đồng chí Nguyễn Thái Vĩnh, Trung đội trưởng Trung đội Tự vệ đỏ Nhà máy đường Đồng Bò - Ảnh: H.THU

Tháng 5/1931, Hội nghị Tỉnh ủy lần 2 bầu Ban chấp hành Tỉnh ủy do đồng chí Trần Toại làm Bí thư Tỉnh ủy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đội Tự vệ đỏ ra đời trên mảnh đất Đồng Xuân (5/1931) do đồng chí Mạnh Cổn phụ trách, tiếp tục phát triển lực lượng tự vệ ở hầu khắp trên các địa bàn của tỉnh. Phần lớn lực lượng này là quần chúng trung kiên có tinh thần yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở, những đội tự vệ đỏ có nhiệm vụ tuyên truyền vận động đồng bào thấu hiểu đường lối chủ trương chính sách của Đảng, thấy rõ dã tâm đàn áp bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, đứng lên lật đổ giành độc lập tự do đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, ra sức bảo vệ cán bộ đảng, bảo vệ các tổ chức cơ sở Đảng, sẵn sàng diệt trừ những tên tay sai có nợ máu.

Được sự giác ngộ của Chủ nghĩa Cộng sản, 2 thanh niên ở huyện Đồng Xuân là Phan Văn Lan (cháu ruột đồng chí Thanh), Bùi Xuân Cảnh cùng với đồng chí Phan Lưu Thanh rải truyền đơn và cảnh giới bảo vệ đồng chí Thanh treo cờ búa liềm khắp tỉnh đường Sông Cầu vào ngày 1/5/1930 để hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động là hành động tiêu biểu của Đội Tự vệ đỏ.

Phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh ngày càng dâng cao, lực lượng tự vệ ngày càng phát triển làm nòng cốt và chỗ dựa cho nhân dân. Là lực lượng đi đầu và bảo vệ cho các cuộc đấu tranh biểu tình kỷ niệm hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5). Được sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, Đội Tự vệ đỏ Nhà máy đường Đồng Bò tổ chức tuyên truyền giác ngộ công nhân. Ngày 6/7/1937 có đến 300 công nhân biểu tình bãi công đòi tăng lương. Tên chủ đồn điền I-rơ-nôn phải thực hiện những yêu cầu của công nhân. Tháng 4/1942, các đội tự vệ đỏ cùng với 500 nông dân ở các làng Tân Mỹ, Phước Thạnh, Mỹ Thạnh dùng dao, rựa, cuốc xẻng vây đánh bọn cai ngục, lính lệ ngang nhiên đóng cọc làm đường, chở mía, lấn chiếm ruộng đất của dân, buộc chúng phải trả lại ruộng đất. Phong trào đấu tranh của nông dân ở Tuy An đòi giảm tô, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hòa đòi trả công, không đi làm xâu (đi lính). Đặc biệt năm 1944 dưới sự chỉ đạo của Chi bộ đảng Đồng Bò, Đội Tự vệ đỏ vũ trang làm hậu thuẫn có hơn 1.500 công nhân nhà máy nhất loạt đình công đòi chủ nhà máy thực hiện ngày làm 8 giờ, tăng lương 25%.

Cuối năm 1944, không khí cách mạng sôi nổi khắp nơi trong tỉnh, lực lượng tự vệ ngày càng lớn mạnh cùng với nhân dân sẵn sàng đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ.

Đầu tháng 4/1945, đồng chí Trương Kiểm cùng 3 đồng chí Đoàn Sơ, Lê Cấp, Hoàng Văn Phú được Đảng bộ nhà lao Buôn Ma Thuột phân công về Phú Yên khôi phục hoạt động của Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa. Cùng thời gian này, sinh viên yêu nước Trần Suyền từ Hà Nội tiếp nhận chương trình hành động của Tổng bộ Việt Nam về Phú Yên bắt liên lạc với các đồng chí lãnh đạo trong tỉnh bàn kế hoạch, thành lập Mặt trận Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và Mặt trận Việt Minh, các lực lượng hội viên, các đoàn thể cứu quốc gấp rút củng cố xây dựng lực lượng vũ trang khắp trong toàn tỉnh.

Tháng 5/1945, tại TX Tuy Hòa, trung đội tự vệ đầu tiên của thị xã thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Thọ chỉ huy. Chỉ được trang bị vài khẩu súng trường, để có vũ khí, anh em trong đội tổ chức bắt lính Nhật để lấy súng, lên tàu hỏa đoạt súng của lính gác, đêm đến lại lo tập luyện quân sự.

Tại Nhà máy đường Đồng Bò, một trung đội tự vệ khoảng 21 người do đồng chí Nguyễn Thái Vĩnh chỉ huy ra quân trận đầu thắng lợi. Trong trận đó, có 5 đội viên do đồng chí Nguyễn Trọng chỉ huy đã cải trang thành lính Nhật đến đồn Khố xanh Hà Roi tước được 10 khẩu súng, 1 khẩu trung liên và bắt được 1 tên sĩ quan Nhật say rượu lấy được 1 khẩu súng ngắn.

Từ năm 1931 đến trước Cách mạng Tháng 8/1945, từ những đội tự vệ đỏ với trang bị vũ khí thô sơ là tiền thân của lực lượng vũ trang sau này. Ngày 12/6/1945, Tỉnh ủy chính thức thành lập lực lượng vũ trang là tiền thân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hôm nay. Được tôi luyện trong thử thách đấu tranh cách mạng, Đội tự vệ đỏ ngày càng trưởng thành lớn mạnh cùng với nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày thống nhất đất nước. Ngày nay, lực lượng vũ trang Phú Yên có đầy đủ các binh chủng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới…

TRẦN DOÃN PHU

(Cựu chiến binh trong kháng chiến chống Pháp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek