Thứ Sáu, 20/09/2024 21:43 CH
Một chuyện tình đi cùng năm tháng
Thứ Sáu, 03/01/2014 15:00 CH

Ở Phú Yên, nhiều người biết câu chuyện tình thời chiến của ông Lê Quyết Chiến (Lê Xuân Việt) và bà Nguyễn Thị Lệ, một mối tình đi suốt chặng đường dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyện tình của họ khiến nhiều người nể phục và cảm động, vượt qua cả đòn roi tra tấn của kẻ thù! Trong ngôi nhà đơn sơ nằm bên con hẻm nhỏ tại phường 4 (TP Tuy Hòa) với đôi mắt rớm lệ, bà Lệ nhớ ông, nhớ chuyện của hai người…

baleongchien140103.jpg
Vợ chồng ông Lê Quyết Chiến và bà Nguyễn Thị Lệ sau ngày cưới - Ảnh do gia đình cung cấp

CÙNG HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

“Chúng tôi cùng học với nhau tại Trường Lương Văn Chánh, anh học trên tôi 2 lớp”, bà Lệ mở đầu câu chuyện. Không những học chung trường mà cả 2 người đều ở xã Hòa Tân, chỉ khác thôn. Ông Chiến ở thôn Hội Cư còn bà thôn Cảnh Phước. Do ở cùng xã nên 2 gia đình có quen biết và ngầm hứa hẹn về hạnh phúc tương lai của 2 người. Tuy nhiên, điều đó cả ông và bà không ai được biết.

Được sự giác ngộ của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 như Bùi Tân (Bảy Tính), Tám Sơn, Hai Hùng (Nguyễn Kiết) và Bùi Thị Thanh Vân, bà Lệ tham gia hoạt động cách mạng và được phân công làm cơ sở liên lạc. Ông Chiến được Huyện ủy Tuy Hòa 1 cài vào hoạt động trong lòng địch làm công tác binh vận nên được biên chế về một đại đội Bảo an địch đóng quân tại TX Tuy Hòa. Tuy cùng hoạt động cách mạng nhưng bà không biết ông là người của mình. “Hàng ngày thấy “hắn” đi về trong bộ quân phục của lính bảo an ngụy lại to cao, trắng trẻo, béo tốt, tôi ghét lắm”, bà Lệ cười nói. Đầu năm 1955, đồng chí Bùi Tân đưa bản đồ Điện Biên Phủ đến nhà bà Lệ và tập hợp các cơ sở cách mạng để tuyên truyền thì “hắn” cũng đến. Bà Lệ lo lắng ra hiệu cho đồng chí Bùi Tân nhưng ông cười bảo: “Cô Lệ cứ yên tâm, nó tuy là xanh vỏ nhưng đỏ lòng”. Lúc này bà mới hiểu và nhìn ông đầy thiện cảm. Chính đồng chí Bùi Tân thay mặt tổ chức xe duyên cho ông và bà. Một mặt để 2 người dễ bề hoạt động cách mạng, mặt khác hợp với ý nguyện của gia đình 2 bên. Từ đó, ông Chiến thường xuyên ghé nhà bà Lệ nhiều hơn. Tuy “quen” nhau được một thời gian nhưng cả hai đều xác định chưa cưới vội vì phải dành thời gian để hoạt động cách mạng. Một hôm, ông Chiến hỏi bà: Nếu sau này do hoạt động cách mạng, ông có bề gì thì bà có chờ và nuôi ông không? Bà Lệ nghĩ hai người không những cùng hoạt động cách mạng mà còn yêu nhau, chuyện chờ đợi hay phải nuôi ông là đương nhiên nên bà gật đầu. “Tưởng là anh ấy nói cho vui vậy thôi nhưng không ngờ điều đó lại đến nhanh như vậy”, bà Lệ nói.

CÙNG BỊ ĐỊCH BẮT

Cùng với thời gian, sức khỏe có phần giảm sút, tuổi tác đã cao, bà Lệ đã quên nhiều điều trong quá khứ nhưng lần gặp cuối cùng để rồi ông bị đày đi biền biệt thì bà không thể nào quên…

Tháng 8/1955 có một cơ sở cách mạng bị địch bắt, không chịu nổi sự tra tấn dã man của kẻ thù nên đã lần lượt khai ra nhiều cơ sở hoạt động cách mạng, trong đó có ông Chiến và bà Lệ. Ông Chiến bị bắt và đưa về giam ở nhà lao Ngọc Lãng. Khoảng đầu năm 1956 thì bà Lệ cũng bị bắt và bị giam ở nhà lao Khu chiến (TX Tuy Hòa). Địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng không khai thác được gì, chúng liền cho xe jeep chở bà và 2 người nữa sang trại giam Ngọc Lãng để nhận mặt bà Bùi Thị Thanh Vân và ông Hai Hùng cùng với ông Chiến để đối chứng. Chỉ trong thời gian ngắn ông và bà không gặp nhau, nay gặp lại trong hoàn cảnh oái oăm này, bà Lệ không tưởng tượng được kẻ thù tàn ác đến vậy. Nhìn ông mặt mày bầm tím, cơ thể tiều tụy trong bộ đồ tù rách bươm…, bà cố dằn lòng nuốt nước mắt vào trong. Cả ông và bà đều giả vờ như không hề quen biết. Bọn địch hỏi bà: Đây là ông Chiến chuẩn bị kết hôn với bà phải không? Bà Lệ trả lời không phải. Chúng cũng hỏi ông như vậy, ông Chiến lắc đầu và trả lời: Tôi còn nhỏ tuổi, đâu đã có ý định kết hôn với ai. Không khai thác được gì, đến cuối năm 1956, địch buộc phải thả bà Lệ. Riêng ông Chiến, địch liệt ông vào phần tử “ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản” nên đã đày ông vào các nhà tù từ Huế đến Sài Gòn và cuối cùng là Côn Đảo. Bị giam ở bất cứ nhà tù nào, ông Chiến vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng, nhất quyết không khai, không chào cờ địch. Có lần địch đã cho người nhà ông Chiến đến thăm và khuyên ông nên đầu hàng để được chúng trả tự do nhưng ông thẳng thắn trả lời: Tôi nhất quyết không đầu hàng, không chào cờ địch, vì như vậy là có tội với Đảng, phản bội Tổ quốc và nhân dân.

HẠNH PHÚC NGÀY GẶP LẠI

Trong khoảng thời gian dài (từ năm 1956 đến 1970), ông Chiến bị đày đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, bà Lệ cũng như gia đình ông không hề nhận được bất cứ lá thư nào của ông. Sau này gặp lại, ông Chiến cho biết, ở trong tù, giấy viết thư cũng do địch cấp. Địch in sẵn các dòng chữ vào đầu trang giấy viết thư với những nội dung phản cách mạng. Nếu ai muốn viết thư thì phải chấp nhận như vậy, còn ông thì không. 14 năm ròng rã không nhận được lá thư nào của ông nhưng bà Lệ vẫn tin ông còn sống, bà tiếp tục hoạt động cách mạng và chờ ông trở về! Năm 1972, lúc ông Chiến đang bị giam ở Côn Đảo, ông đã vượt ngục 3 lần nhưng đều không thành. Mỗi lần bị địch bắt lại là ông và bạn tù phải chịu bao đòn roi tra tấn, chết đi sống lại rồi bị biệt giam. Có một lần vượt ngục không thành, ông bị sóng đánh dạt vào rừng Xép (mũi Cà Mau). Người dân gặp ông, biết ông là tù Côn Đảo, thương tình nên cho ông ăn uống quá nhiều. Do nhiều ngày nhịn đói nhịn khát trên biển, ông đã bị bội thực không thể đi tiếp nên lại bị bọn địch đuổi theo và bắt lại. Chính lần này, tổ chức cũng như gia đình ông Chiến và bà Lệ nhận được hung tin là ông đã chết trên biển vì gia đình gửi quà cho ông nhiều lần nhưng không có người nhận. Lúc này bà Lệ tuổi cũng đã lớn, gia đình ông Chiến và nhiều người khuyên bà nên lấy chồng, không nên chờ ông nữa. Tổ chức cũng đồng ý nếu bà có ý định lập gia đình với người khác… Đúng lúc đó, bà Lệ nhận được quyết định tổ chức cho bà đi học tại Trường Đảng Khu 5 tại huyện Trà My (Quảng Ngãi). Đang học ở đây, bà Lệ nhận được tin trong đoàn tù chính trị được trao trả ở Lộc Ninh (Sài Gòn) có tên Lê Quyết Chiến. Bà vui mừng không thể tả và mong sao đó là sự thật. Một hôm, đồng chí Công Tâm, Trưởng ban Tổ chức Khu ủy Khu 5 và đồng chí Bùi Thị Thanh Vân đến Trường Đảng Khu 5 thăm bà và đã dành cho bà điều bất ngờ lớn lao nhất: Đi thăm ông Chiến đang từ Sài Gòn theo đường mòn Hồ Chí Minh ra Quảng Nam! Ngày hôm đó, bà Lệ được Ban Giám hiệu nhà trường cho nghỉ học và cùng với bà Bùi Thị Thanh Vân đi thăm ông Chiến. Đến nơi, bà và bà Vân nhìn mãi nhưng không thể nào nhận ra ông Chiến. Khoảng 30 người tù chính trị trước mắt bà đều giống nhau bởi thân hình tiều tụy, ốm nhom, đen nhẻm! Mãi lúc sau, bà Vân lên tiếng: Ai là Lê Quyết Chiến thì lên tiếng, có người yêu đợi chờ 20 năm đến thăm đây! Lúc này nhiều người tù cười ồ lên nhưng trên khóe mắt của họ từng giọt nước mắt đã chảy từ lúc nào! Lúc này, bà Lệ nhận ra ông Chiến vì ông cười để lộ chiếc răng bị sứt từ hồi còn trai trẻ. Bà chạy đến ôm lấy ông và khóc...! Từ một chàng trai trắng trẻo, oai phong ngày nào, sau gần 20 năm bị giam cầm tra tấn, ngày gặp lại, ông Chiến chỉ nặng 35kg, đen đúa, khi đi phải chống gậy, nếu không có gậy thì phải có người đỡ hai bên…

Do sức khỏe yếu, ông Chiến được tổ chức đưa ra miền Bắc an dưỡng 1 năm. Cuối năm 1975, hai người tổ chức đám cưới. 2 năm sau ngày cưới, bà Lệ sinh người con trai đầu và được ông đặt tên là Lê Quyết Thắng. Ông nói với bà đó là cái tên ông đã suy nghĩ từ rất lâu, từ những ngày ông còn ở trong ngục tù Côn Đảo. Năm 1979, bà sinh thêm 1 người con gái được đặt tên là Lê Thị Minh Tiến. Hai người con của ông bà đều nối tiếp truyền thống của gia đình. Người con trai hiện đang công tác trong quân đội còn người con gái đang công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên.

HÀ ANH 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek