Đầu tháng 2/1954, Bộ Tư lệnh Xuân - Hè 1953-1954 có quyết định thành lập Tiểu đoàn 375 trên cơ sở hợp nhất từ các đơn vị: Đại đội 4, Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 108; Đại đội 10, Tiểu đoàn 49 Tỉnh đội Quảng Nam; Đại đội 389 Tỉnh đội Phú Yên. Sau khi thành lập các đơn vị đều có phiên hiệu mới là Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn chủ lực 375 Tỉnh đội Phú Yên do đồng chí Phạm Dưng làm Tiểu đoàn trưởng.
Đoạn giao nhau giữa đường sắt và ĐT641 (xã An Định, Tuy An) - Ảnh: H.THU
Nhận được quyết định thành lập Tiểu đoàn 375, đồng chí Phạm Dưng quyết định đưa 2 đại đội 1 và 2 từ Ba Tơ, miền Tây Quảng Ngãi hành quân cấp tốc về Phú Yên bằng đường tắt xuyên Bình Định - Vân Canh - Cây Vừng - Xuân Quang về Xuân Sơn để bắt liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên. Sau nhiều ngày hành quân vô cùng gian khổ, chiều tối 6/3/1954, 2 đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn đã có mặt tại xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân). Vừa đến nơi, tiểu đoàn nhận được tin báo: sáng 7/3 sẽ có đoàn xe địch chở 1 đại đội Âu - Phi và quân dụng từ TX Tuy Hòa ra La Hai.
Mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cho phép gặp địch lúc nào, bất cứ ở đâu đều sẵn sàng chiến đấu; cùng với tinh thần chớp thời cơ tiến công tiêu diệt địch quyết thắng trận đầu để báo công lên Tỉnh ủy, Tỉnh đội Phú Yên, đồng chí Phạm Dưng đã quyết định bố trí trận địa để tiêu diệt đoàn xe của địch. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 375 triệu tập cuộc họp mở rộng từ cán bộ trung đội trưởng trở lên bàn kế hoạch tác chiến. Cuộc họp đã thống nhất chọn đoạn đường 6 thuộc xóm Bàu Vườn đầm Súng, phía tây ga Phong Niên, xã An Định gần giáp với xã Xuân Sơn làm trận địa phục kích địch. Ban chỉ huy tiểu đoàn tiếp tục cho 2 đại đội hành quân về Bàu Súng. Nhân dân An Định rất phấn khởi khi thấy bộ đội về làng. Trong lúc các mẹ, các chị rộn ràng lo cơm nước, ban chỉ huy tổ chức cho cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên bí mật đi khảo sát bố trí trận địa. Đại đội 1 và Đại đội 2 bí mật ém quân sau mỏm đồi, từng vị trí chiến đấu đã sẵn sàng đón đánh địch.
Đến khoảng 11 giờ ngày 7/3/1954, một đại đội ngụy quân đi tuần tra từ Chí Thạnh lên La Hai, có cả máy bay Moral quan sát. Địch lùng sục 2 bên đường 6 (nay là ĐT 641) để tìm dấu vết của quân ta nhưng bọn chúng đã bị nhân dân đánh lạc hướng. Trong khi đó, quân ta vẫn bí mật chiếm lĩnh trận địa chờ giặc đến. Sau khi đội tuần tra ngụy quân vừa đi khỏi xóm Bàu Súng, 2 chiếc xe Jeep đi cảnh giới xuất hiện từ xa, trận địa mai phục vẫn im lặng chờ lệnh. 2 chiếc xe Jeep đi qua khỏi trận địa chừng 200m thì đoàn xe cơ giới cũng vừa xuất hiện, chúng luôn giữ khoảng cách giữa các xe chừng 15m. Bọn lính Âu - Phi đầu đội mũ sắt ngồi sát nhau thành 2 hàng dọc. Chiếc đi đầu có gắn khẩu đại liên, gần cuối đoàn xe có 4 chiếc phủ bạt kín chở quân dụng. 3 chiếc xe chở lính đi sau cùng, riêng chiếc cuối cùng có gắn đại liên hộ tống.
Chờ đoàn xe của địch lọt vào trận địa, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công. Tiếng bộc phá nổ làm rung chuyển cả núi đồi An Định, 2 khẩu Bazoka đồng loạt nã đạn làm 2 chiếc đi đầu bốc cháy. Cả đoàn xe bị ùn lại. Bọn giặc trên xe vô cùng hốt hoảng, náo loạn luống cuống ôm vũ khí nhưng không xác định được tiếng nổ từ đâu. Ngay lúc đó hàng loạt lựu đạn từ trên đường sắt tới tấp bay tới. Nhiều quả nổ ngay trên mặt đường, thùng xe, tiếng tiểu liên, tôm xông nhả đạn, đặc biệt là khẩu Rămlơ 2 nòng phục sẵn trên đồi cao gầm lên tạo thành lưới lửa bao trùm cả trận địa. Tiếng súng, tiếng lựu đạn vừa dứt thì vang lên tiếng hô xung phong của bộ đội. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân ta, những tên còn sống sót giơ tay xin hàng.
Trận đánh diễn ra trong khoảng thời gian ngắn; bọn địch hầu như bị tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn. 26 chiếc xe của địch bị cháy rụi. Quân ta bảo toàn được lực lượng rút về vùng 1 (Đồng Me, An Định) để liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên. Đêm 7/3/1954, sau khi bổ sung Đại đội 389 với phiên hiệu mới là Đại đội 3, toàn Tiểu đoàn 375 hành quân về xã An Nghiệp nghỉ chân để bảo đảm an toàn bí mật, tiếp tục sẵn sàng chiến đấu.
Vừa mới thành lập, Tiểu đoàn 375 đã lập công vang dội, một món quà mừng ngày thành lập tiểu đoàn đồng thời cũng là tiền đề để tiểu đoàn tiếp tục ghi tên mình với nhiều trận đánh như những dấu son chói lọi trên quê hương Phú Yên anh hùng.
(Trong bài có sử dụng một số tư liệu lịch sử trong tập Lịch sử Tiểu đoàn 375)
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của các cựu chiến binh nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 375)