Thứ Sáu, 20/09/2024 23:44 CH
Xây dựng tổ chức và phát triển cán bộ ngành Tài mậu trong chống Mỹ
Thứ Sáu, 25/10/2013 07:00 SA

Trong cuộc đấu tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ, sự tổn thất và hy sinh của cán bộ ngành Tài mậu khá lớn. Để bù đắp sự mất mát đó, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn mạnh của công cuộc kháng chiến lâu dài, ngành Tài mậu đã ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.

 

Bên cạnh sự chi viện vô cùng quý báu từ hậu phương lớn miền Bắc, ngành Tài mậu của tỉnh xác định phải ra sức xây dựng nguồn lực tại chỗ. Từ đó, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyển chọn nam, nữ thanh niên tốt ở ấp chiến lược của địch ra vùng căn cứ đào tạo bồi dưỡng để có được mạng lưới ở khắp các xã, huyện và thị xã nhằm bất cứ tình huống nào cũng có cán bộ ngay tại chỗ đảm bảo hoạt động đều và liên tục theo chỉ thị của Tỉnh ủy.

Đường Trường Sơn được mở, các đoàn cán bộ Tài chính, Thương nghiệp từ hậu phương lần lượt leo núi, vượt đèo về tỉnh nhà, nhiều nhất là con em cán bộ tập kết về “Cô Hội”, tên gọi tỉnh Phú Yên.

Đoàn thứ nhất có 3 cán bộ Tài chính, Thương nghiệp về tỉnh vào cuối tháng 10/1959; đoàn thứ hai có 5 cán bộ Tài chính, Thương nghiệp, Lương thực về đến tỉnh cuối năm 1961; đoàn thứ ba có 4 cán bộ đầu năm 1964 về đến “Cô Hội”; đoàn thứ tư gồm cán bộ Nông nghiệp, Thủy lợi, Chăn nuôi thú y, Lâm nghiệp về tỉnh năm 1965.

Năm 1966, Ngân hàng Trung ương cử 2 cán bộ ngân hàng về Phú Yên chuẩn bị khung thành lập Tiểu ban Ngân tín.

Cuối tháng 10/1968, đoàn thứ 6 gồm 10 cán bộ, trong đó có 7 cán bộ ngân hàng về đến tỉnh. Từ năm 1970 đến năm 1975, cán bộ thuộc khối Kinh tế Tài chính từ hậu phương về đến tỉnh ngày càng đông, được phân công về các tiểu ban Tài chính, Thương nghiệp, Lương thực, Sản xuất, Ngân tín và bổ sung các ban tài mậu, các huyện, thị xã.

Lực lượng tăng cường từ hậu phương lớn về khá đông, trong số đó có những cán bộ lãnh đạo cùng với anh chị em tại chỗ được tổ chức lại thành bộ máy hữu hiệu từ tỉnh đến các huyện, thị xã và các xã đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến. Bộ máy này ngày càng trưởng thành từ Ban Tài mậu đổi thành Ban Kinh tài. Từ tiểu ban đổi thành ban như: Ban Tài chính, Ban Lương thực, Ban Thương nghiệp, Ban Sản xuất, Ban Ngân tín; mỗi ban đều có trưởng, phó ban và các ủy viên ban, các ban này là tiền thân của sở, ty sau này.

Từ năm 1961 đến năm 1975, số cán bộ thuộc khối Kinh tế Tài chính từ miền Bắc chi viện ngày càng nhiều, nhưng phải nói rằng ngành Tài mậu cũng tổn thất khá lớn, phần đông là cán bộ kế toán, lương thực, thương nghiệp và ngân tín.

Kháng chiến khốc liệt, cán bộ kinh tài như cái gai đối với địch nên chúng tìm mọi cách khủng bố, ám hại. Vì vậy, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ trở thành một yêu cầu cần thiết trong quá trình lâu dài của thời kỳ chiến tranh và được các cấp coi trọng.

Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ được triển khai ở cấp tỉnh trong năm 1963. Trong tình hình khó khăn tại buôn Ma Giá, Tài chính tỉnh mở lớp đào tạo 30 cán bộ kế toán hành chính về nghiệp vụ chuyên môn nhằm cung cấp cho các ban, ngành, giới để theo dõi ghi chép tình hình thu chi của các đơn vị đi vào nề nếp. Lớp này do đồng chí Nguyễn Xuân Thu phụ trách hướng dẫn.

Đầu năm 1965, Ban Tài chính tỉnh mở 2 lớp bồi dưỡng để cán bộ tài chính nắm vững chủ trương, nội dung về chính sách “đảm phụ nuôi quân” cho 3 huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An. Mỗi lớp 20 người, thời gian 15 ngày tại thôn Trung Trinh, xã Sơn Long do đồng chí Bùi Đấu hướng dẫn.

Đến năm 1967, tại Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, Ban Tài chính tỉnh mở lớp đào tạo 20 cán bộ kế toán để bổ sung thay thế những đồng chí đã hy sinh. Lớp này do đồng chí Mai Hương phụ trách hướng dẫn.

Năm 1971 và năm 1973, Ban Sản xuất tỉnh mở 2 lớp đào tạo cán bộ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp thí nghiệm các loại giống lúa, trong đó có lúa Trung Quốc tại vùng 6, xã An Xuân, thời gian mỗi lớp 2 tháng do đồng chí Lê Hòa hướng dẫn. Trước đó vào năm 1968, tỉnh cử 5 cán bộ nông nghiệp ra Ban Sản xuất Khu 5 đào tạo cán bộ nông nghiệp trình độ sơ cấp 6 tháng về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, lâm nghiệp. Năm 1969, tỉnh cử 2 cán bộ nông hội ra khu học tập để về chỉ đạo sản xuất ở địa phương.

Có lớp đang đào tạo thì bị địch ném bom, càn quét đánh phá, tạm thời giải tán về đơn vị công tác. Mỗi lớp học 15 ngày về chính trị, chủ trương chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng và nghiệp vụ chuyên môn; học viên tự túc lương thực, số nam nữ thanh niên ở ấp chiến lược được cử đi đào tạo thì tỉnh đài thọ lương thực.

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện từng chuyên đề như về công tác nghiệp vụ đối với cán bộ tài chính thì dựa vào quần chúng để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng với tinh thần tự nguyện tự giác đóng góp ủng hộ cách mạng; đồng thời xây dựng cơ sở hợp pháp vùng sâu thị xã, thị trấn. Cán bộ thương nghiệp, ngoài công tác quần chúng còn rút kinh nghiệm xoi luồng mở khẩu, xây dựng cơ sở nắm giá, cơ sở buôn bán giao lưu, cơ sở thương nghiệp trong ngụy quân, ngụy quyền, cơ sở bí mật bảo vệ cán bộ, bảo vệ hàng hóa. Cán bộ lương thực thì được bồi dưỡng công tác thu mua, xây dựng kho tàng, công tác bảo quản, theo dõi cập nhật xuất nhập kho hàng ngày…

Khi Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ đưa quân Mỹ và chư hầu ồ ạt vào miền Nam Việt Nam thì ở Phú Yên, chúng mở chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) đánh vào Tuy Hòa 1, mùa khô lần thứ hai (1966-1967) đánh vào Tuy Hòa 2, Tuy An, căn cứ Sơn Hòa, khu Bắc. Chúng dồn dân lập vành đai trắng bao vây vùng kinh tế của ta. Lúc này ta gặp khó khăn, Ban Kinh tài kịp thời mở lớp chỉnh huấn cho cán bộ khối Kinh tài nhằm nâng cao quyết tâm, bám dân, bám khẩu, bám nhiệm vụ, chịu đựng gian khổ hy sinh, phá cho được thế bao vây kinh tế của địch, tiếp tục xây dựng cơ sở thu mua, động viên từ vùng địch nhiều hơn nữa, bảo đảm lương thực cung cấp cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực có đủ lương thực tiến công địch liên tục. Qua đợt chỉnh huấn này, ta bố trí điều chỉnh phân công lại một số cán bộ có kinh nghiệm, quyết tâm cao bám trụ. Từ đó, các hoạt động của ngành Tài mậu dần khôi phục, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi.

NGUYỄN HỮU ÁI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đánh bại chiến dịch Át-lăng
Thứ Sáu, 25/10/2013 08:02 SA
Bên bờ sông Ba
Chủ Nhật, 20/10/2013 14:10 CH
Từ Trường Lương Văn Chánh ra đi
Thứ Sáu, 27/09/2013 08:44 SA
Ngày giỗ Tổ
Chủ Nhật, 22/09/2013 14:10 CH
Vẫn còn đó đồi Kôn Meo, dốc Kôn Meo
Thứ Tư, 18/09/2013 08:43 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek