Trường trung học Lương Văn Chánh ra đời thời chống Pháp (15/10/1946) tại nội ô TX Tuy Hòa, sau đó dời về thành An Thổ (Tuy An), nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Thuở ấy, thành lập nhà trường có bậc trung học để tiếp nhận hàng nghìn học sinh đâu phải dễ dàng và tổ chức dạy học trong điều kiện thiên tai địch họa của chiến tranh thành công là dấu son của nền giáo dục Phú Yên. Từ đó đến nay đã có 3 thế hệ thầy và trò ra đi đóng góp rất lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Một góc Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh hôm nay - Ảnh: H.ANH
Vào năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối, theo tiếng gọi của non sông, nhiều anh chị em lớn tuổi ở các lớp tam, tứ niên xếp bút nghiên lên đường vào bộ đội, được tuyển chọn vào trường võ bị đào tạo cán bộ quân đội, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang. Tiếp đến thầy Trần Kỳ Doanh, nguyên là cán bộ tiểu đoàn cùng vợ là cô Lệ Trinh cũng lên đường vượt suối băng rừng về đơn vị cũ ở chiến khu Việt Bắc. Đây là đợt “ra đi” đầu tiên của thầy và trò Trường Lương Văn Chánh.
Cuộc kháng chiến chống Pháp vào những năm 1951-1952 càng diễn ra ác liệt, nhu cầu đòi hỏi cần huy động mọi nguồn lực; nhất là việc huy động nhân dân đóng góp lương thực với hình thức thu thuế nông nghiệp. Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh mở lớp bồi dưỡng kế toán thuế nông nghiệp tại chợ Sen vào dịp sắp nghỉ hè. Anh chị em ở các lớp 7 tham gia học tập 15 ngày; sau đó nhà trường phân công về các xã ở đồng bằng, miền núi, khẩn trương đo lại diện tích, sản lượng, tính thuế cho từng hộ gia đình, hoàn tất sổ bộ cho từng địa phương. Nhờ thế việc thu thuế trên được bàn tính nhanh, có hiệu quả. Lúc này Trường Lương Văn Chánh tách ra thành lập 2 trường mới ở huyện Tuy Hòa và huyện Đồng Xuân. 2 trường đã góp sức vào thành tích chung của tỉnh huy động lương thực cao nhất các tỉnh Liên khu 5, đáp ứng nhu cầu cho chiến trường Tây Nguyên.
Trường đóng ở nơi nào đều quan hệ với địa phương mở lớp bình dân học vụ, dạy ban đêm cho bà con, góp phần xóa nạn mù chữ. Ngoài dạy và học, thầy và trò tham gia trên mọi lĩnh vực công tác kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng thời bấy giờ.
Tháng 1/1954, giặc Pháp mở chiến dịch Át lăng nhằm thôn tính các tỉnh vùng tự do Liên khu 5. Phú Yên là tuyến lửa, nhà trường tạm thời đóng cửa, thầy trò tạm biệt nhau tiếp tục lên đường ra mặt trận. Nhiều người vào du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tỉnh góp sức đánh bại cuộc hành quân Át lăng của giặc Pháp. Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, nhiều thầy trò tập kết ra miền Bắc, tiếp tục được học hành ở nước ngoài, đỗ đạt học vị cao; nhiều người khác là bộ đội ra sức tập luyện quân sự, xây dựng miền Bắc vững mạnh rồi vào miền Nam chiến đấu, về quê hương Phú Yên công tác trong những năm chống Mỹ. Những học sinh của trường ở lại tham gia hoạt động cách mạng trở thành cán bộ cơ sở, trở thành cán bộ quân giải phóng miền Nam. Thời kỳ đánh Mỹ, vùng giải phóng trên đất Phú Yên giữ vững, Trường Lương Văn Chánh được gầy dựng lại, thầy và trò của trường có nhiều công sức đóng góp vào công cuộc giải phóng thống nhất đất nước.
Qua 2 cuộc chiến đánh Pháp, đánh Mỹ, từ Trường Lương Văn Chánh ra đi, sau ngày thống nhất đất nước nhiều người đã thành danh, thành tài có học hàm, học vị cao, trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước tiêu biểu như Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Năng lượng, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê có năm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và có một số vị khác là cán bộ chủ chốt của tỉnh, của các phòng, ban Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngoài ra có nhiều người thành đạt trên những lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế; nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian; nhiều người vào quân đội trở thành cán bộ trung cao cấp trong lực lượng vũ trang.
Tiêu biểu cho những người ở lại trong phong trào chống Mỹ, ngụy là cựu tù chính trị Lê Quyết Chiến. Gần 20 năm ở trong nhà tù Mỹ, ngụy bị giam cầm tra tấn dã man đày ải, 8 lượt vào ra Côn Đảo, ông Chiến vẫn kiên trung bất khuất. Sự hy sinh cao cả qua 2 cuộc chiến của thầy, trò Trường Lương Văn Chánh có đến 95 liệt sĩ. Cũng không quên công lao của các thầy cô của 3 thế hệ là người đưa đò cập bến vinh quang, luôn tưởng nhớ đến các thầy cô tuổi cao sức yếu đã qua đời như thầy Hiệu trưởng đầu tiên Trần Suyền trải qua 30 năm là cán bộ chủ chốt của tỉnh được Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các bậc thầy cô đạo cao đức trọng như Trần Sĩ, Bùi Xuân Các, Võ Hồng, Cô Báu và một số thầy cô đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng. Thật đáng ghi nhận những đóng góp công sức của thầy Nguyễn Tài Sum, nhiều năm là Hội trưởng Hội Thầy trò Lương Văn Chánh có công góp sức hội tụ những tình cảm thắm thiết quý báu đầy nghĩa cử cao đẹp làm giàu thêm trang truyến thống của nhà trường.
Ngày nay, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở TP Tuy Hòa hàng năm tuyển chọn học sinh mọi miền của tỉnh để nuôi tâm hồn tuổi trẻ bước lên đỉnh cao trên con đường học vấn. Thầy và trò nhà trường luôn thực hiện đúng phương châm “yêu nước; học giỏi; kính thầy, mến bạn”. Hằng năm, có nhiều em đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, được giải thưởng các kỳ thi Quốc gia và Olympic. Nhiều em đã thành đạt trên con đường lập thân, lập nghiệp như doanh nhân Nguyễn Khiêm (Công ty Hưng Phú, TP Hồ Chí Minh) và nữ doanh nhân Bích Ly (Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa) .
Trường Lương Văn Chánh tiếp nối truyền thống rèn đúc nhân tài đi khắp mọi miền Tổ quốc cho ra đời những đóa hoa tươi thắm có truyền thống vẻ vang, là nơi để thế hệ trẻ Phú Yên tự hào và tiếp bước vào thành trì khoa học. Năm 2001, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
TRẦN DOÃN PHU