Thứ Sáu, 20/09/2024 23:32 CH
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Phú Yên thời chiến
Thứ Sáu, 08/11/2013 08:40 SA

Năm 1956, nhạc sĩ Vĩnh An người con rể Phú Yên sáng tác ca khúc Nhớ Liên khu 5. Trong đó có lời ca: Mênh mông đồng lúa Tuy Hòa/ Xanh tươi bóng mát Tam Quan rừng dừa. Đồng lúa Tuy Hòa cùng các cánh đồng lúa ở các huyện trong tỉnh đã đóng góp lương thực rất lớn để Phú Yên trở thành vựa lúa của cực Nam Trung Bộ. Một không gian lúa gạo và các loại sản phẩm khác trải rộng mọi miền của tỉnh, một biểu tượng gắn kết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời bấy giờ.

 

Về nông nghiệp có sự đúc kết lâu đời của cha, ông là: nước, phân, cần, giống. Nghề làm ruộng điều quan trọng nhất là nước. Ở Phú Yên thời đánh Pháp sẵn có hệ thống thủy nông Đồng Cam tưới nước cho hàng ngàn hecta ở cánh đồng Tuy Hòa. Ở Tuy An có đập Tam Giang do công sức của người nông dân tạo dựng, qua mùa bão lũ dùng cọc đóng chặn ngang dòng sông Cái rồi dùng thuyền bỏ những bó cây có thân nhỏ gọi là bổi hoặc chà đổ cát lên trên, đưa nước tưới một số cánh đồng lúa trong huyện. Ở các huyện miền núi, nương rẫy chủ yếu “nhờ trời” là chính. Để phát triển sản xuất, một số vùng có ruộng lúa nước thì lợi dụng khe suối hồ tự nhiên để nuôi sống cây lúa. Về phân, thời này không có phân vô cơ; dùng phân động vật đủ các loại, tự túc hoàn toàn đỡ tốn kém. Về giống thì luôn giữ các loại giống truyền thống, tùy theo từng vùng hợp với thổ nhưỡng để sử dụng. “Nước, phân, cần, giống” đã thấm vào tâm thức của nông dân Phú Yên, thực hiện đầy đủ phương thức canh tác một số cánh đồng như Tuy Hòa, Tuy An với năng suất trên 5 tấn/ha, đạt yêu cầu của Ty Nông nghiệp tỉnh (nay là Sở Nông nghiệp) đề ra. Ngoài ra, các loại cây lương thực khác như ngô, sắn nước, củ, quả, đậu, lạc, vừng cũng được đẩy mạnh sản xuất. Một số nơi, nông dân còn trồng bông, nuôi tằm để dệt vải lụa, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm. Mảnh đất Phú Yên thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhờ thế nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, tự túc hoàn toàn về ăn, ở, mặc, đời sống nhân dân cải thiện.

 

Dân số Phú Yên thời đánh Pháp là 220.000 người, với 90% là nông dân. Nông dân Phú Yên vất vả trên đồng ruộng “một nắng hai sương”, chống chọi với mưa nắng thất thường, địch họa. Làm ruộng thời ấy chủ yếu bằng sức người là chính. Khổ trăm bề nhưng họ không hề chùn bước trước chiến tranh, giặc giã. Nông dân Phú Yên không những cần cù lao động, chống chọi với thiên tai trên đồng ruộng mà còn là lực lượng chủ chốt tham gia góp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm với “đầu trần chân đất, chân đồng vai sắt”; đi dân công hỏa tuyến tải đạn, tải thương, vận chuyển lương thực vượt qua đồn thù, luôn sát cánh các đơn vị chủ lực vào các trận đánh ác liệt, dưới làn đạn của kẻ thù, không kể hết bao người đã anh dũng hy sinh… Họ đổ mồ hôi trên đồng ruộng lại đổ máu trên chiến trường để bảo vệ đến cùng từng tấc đất của quê hương.

 

Từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, toàn quyền Đông Dương Lơ-tu-nơ đề ra chủ trương với dã tâm thâm độc tăng cường đánh phá hòng làm kiệt quệ nền kinh tế của ta làm cản trở kế hoạch tổng phản công của ta. Chúng dùng máy bay thả bom, bắn phá đập Đồng Cam, đập Tam Giang, giết hại trâu bò, phá hoại cầu cống, đường giao thông, hoa màu như năm 1952, địch thả sâu bọ cắn phá lúa… Giặc Pháp đã gây cho ta không ít khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nông dân Phú Yên đã vượt qua để rồi đáp ứng cho chiến trường “gạo không thiếu một cân”; hàng năm thu thuế nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực không những cung cấp trong tỉnh mà còn cho cả các chiến trường tỉnh bạn…

 

Về các vùng nông thôn Phú Yên thời đó cũng giống như nhiều vùng quê của cả nước: Ruộng vườn, nhà tranh vách đất, lũy tre, bờ ao, giếng nước… đều do bàn tay của nông dân tạo dựng. Trong manh áo cũ lại chứa đựng những tấm lòng vàng, luôn chia sẻ ngọt bùi, khó khăn, hoạn nạn. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nông thôn Phú Yên trở thành chiến lũy góp sức đánh bại nhiều cuộc hành quân đàn áp của giặc… Cùng với thời gian, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, nông dân Phú Yên dám nghĩ, dám làm từng bước có hướng đi mới là cơ sở cho việc xây dựng nông thôn mới ngày nay.

 

Trong kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược, Phú Yên là một trong những vùng tự do Liên khu 5. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn kết sản xuất tự túc mọi mặt, tự lực cánh sinh đóng góp rất lớn chiến thắng giặc đói, giặc ngoại xâm, rất xứng đáng với lời khen ngợi của Bác: “Quân dân Liên khu 5 tự lực cánh sinh, kháng chiến anh dũng”.

 

TRẦN DOÃN PHU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đánh bại chiến dịch Át-lăng
Thứ Sáu, 25/10/2013 08:02 SA
Bên bờ sông Ba
Chủ Nhật, 20/10/2013 14:10 CH
Từ Trường Lương Văn Chánh ra đi
Thứ Sáu, 27/09/2013 08:44 SA
Ngày giỗ Tổ
Chủ Nhật, 22/09/2013 14:10 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek