Tháng 1/1954, địch đã dùng 22 tiểu đoàn trong đó có 4 binh đoàn cơ động 10, 100, 41, 42 ồ ạt đánh chiếm Phú Yên với tham vọng trong vòng 7 tháng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu 5.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy đã có hướng dẫn, chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến cho Bộ Tư lệnh Liên khu 5: “Tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên là nhiệm vụ bậc nhất, nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ thứ 2”; hướng dẫn chỉ đạo cụ thể về tác chiến, ở đồng bằng giao lại cho bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp dùng 3 thứ quân để đánh địch. Đây cũng là tư duy chiến lược nghệ thuật dùng quân của Đại tướng. Qua học tập, cán bộ, quân dân trong tỉnh còn băn khoăn, thắc mắc, cho rằng với lực lượng to lớn của địch, lực lượng địa phương không chống nổi, còn trên Tây Nguyên thì vài trung đoàn chủ lực cũng khó thắng! Để minh chứng cho nghệ thuật dùng quân, tài quyết đoán của Đại tướng được thể hiện qua các tháng đánh địch trên các chiến trường Phú Yên, Bình Định, Tây Nguyên…
Ở Phú Yên dựa vào làng chiến đấu, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân, từ 20/1 đến 29/1, qua 10 ngày chiến đấu đã diệt 800 tên. 26 ngày sau khi mở cuộc tấn công, địch mới kiểm soát được Tuy Hòa và đặt một số cứ điểm dọc quốc lộ như Chí Thạnh, La Hai, Sông Cầu, Diêu Trì, Quy Nhơn (Bình Định). Bộ đội địa phương và du kích Bình Định đã chặn đánh tiêu hao nhiều sinh lực địch. Quân dân Phú Yên và Bình Định kiềm chân được quân địch để chia lửa với các chiến trường khác. Nhân dân vẫn làm chủ nông thôn, giữ vững trị an, du kích trực chiến. Nhân dân tiếp tục sản xuất nộp thuế nông nghiệp và đi dân công tải đạn, vận chuyển lương thực cho các chiến trường, thanh niên nhập ngũ vào quân đội. Ngày 2/2/1954, Đại tướng có điện khen ngợi: “Cán bộ, chiến sĩ Tuy Hòa tích cực hoạt động tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân”. Đó là lời động viên khích lệ gieo niềm tin tưởng cho quân dân Phú Yên.
Trong lúc địch mở cuộc tấn công đánh chiếm Phú Yên và Quy Nhơn (Bình Định) thì ở Tây Nguyên, Trung đoàn chủ lực 108 và Trung đoàn 803 đánh mạnh xóa sạch nhiều cứ điểm kiên cố ở phía tây, phía bắc tỉnh Kon Tum; bộ đội đặc công đánh vào TX Kon Tum buộc địch rút chạy về TX Pleiku và An Khê (Gia Lai). Tỉnh Kon Tum hoàn toàn được giải phóng vào ngày 7/2/1954. Ở đồng bằng, địch chiếm một phần tỉnh Phú Yên và Bình Định; trên Tây Nguyên, ta giải phóng tỉnh Kon Tum thể hiện bước đầu chỉ đạo chiến lược sắc bén, địch sắp vỡ trận. Sợ mất Tây Nguyên, địch vội vàng đưa 2 binh đoàn cơ động 42 và 100 từ Phú Yên lên phòng thủ Tây Nguyên hội quân ở Pleiku và An Khê. Như vậy vùng đồng bằng chỉ còn binh đoàn 10 và binh đoàn 41. Quân cơ động của địch thất thế, bị động, sa sút tinh thần, đội hình bị dàn mỏng đúng theo ý đồ của ta, “phân tán lực lượng chúng, dễ bề tiêu diệt”. Ngày 13/3, quân ta bắt đầu tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy cùng một lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy 2 trận đánh lớn với thiên tài nghệ thuật dùng quân đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954.
Tiểu đoàn 365, 375 ở Phú Yên cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, trong vòng 7 tháng liên tục chiến đấu đã làm chết và bị thương 2.400 tên giặc. Quân ta liên tục tấn công, quân địch khó bề chống trả, buộc chúng phải rút chạy từ các cứ điểm Diêu Trì (Bình Định), Sông Cầu, La Hai, Chí Thạnh về cố thủ tại TX Tuy Hòa; các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An giải phóng hoàn toàn. Quân dân Phú Yên phấn khởi tin tưởng, phối hợp với bộ đội chủ lực bao vây tiến công TX Tuy Hòa để chuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn quân địch cũng là lúc Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20/7/1954).
Phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, với cách đánh của Việt Nam, đánh giặc bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đã đánh tơi tả và bao vây các binh đoàn cơ động của giặc, làm cho chúng không còn lực lượng để đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Quân dân Liên khu 5 đã đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của giặc Pháp chính là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm chiến đấu của quân dân Liên khu 5 và nhất là nhờ sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, đặc biệt là nghệ thuật dùng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
TRẦN DOÃN PHU