Thứ Sáu, 20/09/2024 23:50 CH
Bám đất bám dân xây dựng phong trào
Thứ Sáu, 19/07/2013 08:38 SA

Đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu) Phó bí thư Tỉnh ủy phân công tôi về Ban Tài mậu tỉnh nhưng trước mắt về công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Khu Bắc với nhiệm vụ: Diệt ác phá khu đồn Phú Giang giải phóng xã Phú Mỡ làm chỗ dựa giải phóng các thôn buôn Kỳ Lộ, Đồng Xe, Đông Hội, Suối Cam, Bà Đẩu, Suối Sổ, Suối Đặp, xã Xuân Quang 1; phát triển Đảng và xây dựng cơ sở cách mạng; xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở; đẩy mạnh sản xuất, tập trung trồng sắn.

mtc130719.jpg

Mũi công tác ở Đồng Xuân năm 1960 - Ảnh: Tư liệu

Nhận nhiệm vụ, tôi và đồng chí La Chí Noa trong Ban cán sự Khu Bắc nhận mỗi người 7 ngày lương thực. Sáng hôm sau vượt qua Eo Gió, buôn Suối Rễ, dốc Mò O băng rừng già đến Suối Trưởng - đầu tiên tìm cho được chỗ đứng chân bám hoạt động lâu dài. Mừng quá chọn được chỗ cao nhất, chúng tôi quan sát thấy Kỳ Lộ, Đồng Hội, Đồng Xe, Bà Đẩu, Suối Sổ, Dốc Đá Mài, Cây Vừng, Vực Ông. Dọc sông Cái (sông Kỳ Lộ) đặt sộp đá với cái tên Điện Cờ-ren-lanh. Chỗ ở đào hố nước ở sâu trong rừng xa suối tránh tò mò của bọn thám báo theo dõi, xung quanh chỗ ở là gai quýt, gai thồ lồ khó đi. Chúng tôi chừa 2 con đường. Đường đi phía sau nối liền rừng già về căn cứ Phước Tân và con đường đi phía bắc hướng về gộp đá buôn Suối Cau, gập đá đặt tên “Phong-ten-bờ-lô” địa điểm ngửa mặt về hướng đông rất cao nên thực hiện nghiêm ngặt 4 không “Đi không dấu, nấu không khói, không có ánh sáng ban đêm, nói không to”. Buổi sáng lợi dụng khói đá, buổi chiều mặt trời chưa đi ngủ để nấu ăn. Cơm hàng ngày chỉ sắn độn gạo, có lúc hết gạo luộc trái bom, hết trái bom luộc trái găng thay cơm mỗi khi đi công tác xuống các buôn. Chúng tôi bám rẫy của đồng bào dân tộc Suối Cau, ngày đầu đông người sợ lộ, ngày hôm sau mới gặp anh Ma Banh người Ba Na, người khỏe, chắc nịch, biết tiếng Kinh. Anh La Chí Noa (còn gọi là Ma Noa) nói chuyện với anh Ma Banh bằng tiếng Ba Na thỉnh thoảng đệm tiếng Kinh mà tiếng dân tộc không có, anh Ma Banh gật đầu lia lịa, gương mặt vui hẳn lên. Tôi ngẫm nghĩ đó là điều vui, điều lành.

Anh Ma Noa giới thiệu cho anh Ma Banh biết đây là anh Dư Ái cán bộ miền Bắc mới về. Bắt đầu làm quen vào câu chuyện, hỏi thăm sức khỏe bà con trong buôn, đời sống đồng bào trong làng đói no thế nào câu chuyện chưa dứt. Anh Ma Banh nói ngay rằng Diệm ác quá cho lính đi càn, nay càn, mai càn bắn phá không để dân yên ổn làm ăn, sản suất. Bọn địch ở Kỳ Lộ lục soát bắt bớ mỗi khi thấy đồng bào mua mắm, cá, muối chúng nghi là tiếp tế cộng sản, chúng tịch thu rừng núi của mình mà ngủ không yên, ăn không ngon mất tự do quá. Anh Ma Noa và tôi nghe rất thích thú, sướng cái tai, no cái bụng. Tôi nói muốn có tự do thì người Kinh, người Thượng đoàn kết lại đánh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai giành lại độc lập giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chống âm mưu gom dân, lập khu đồn, của giặc không tiếp tay cho địch, thực hiện ba không, không biết, không nghe, không thấy để che mắt bịt tai địch, trồng sắn cho nhiều, ủng hộ cách mạng. Dần Ma Banh với chúng tôi gắn bó mật thiết. Qua thử thách, anh hoạt động năng nổ có hiệu quả. Anh Ma Banh là người đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10/6/1960 đặt bí danh là Thanh. Hạt giống đỏ đầu tiên được nẩy mầm phát triển. Từ đó buôn Suối Cau đến tháng 12 năm 1960 phát triển thêm 2 đảng viên là người dân tộc. Anh Y Tướng bí danh là Xuân ở buôn Bà Đòn và anh Y Trưởng được Ban cán sự Khu Bắc đồng ý tăng cường vào đội công tác của Ma Noa, thuận lợi có người địa phương càng quan hệ gần gũi, chặt chẽ với dân. Anh Y Lum bí danh là Đức được phân công phụ trách thanh niên. Cũng trong tháng 11 và tháng 12 phát triển được 6 cơ sở là anh Nguyễn Chơn ở Đồng Hội, Ma Lươm ở Suối Trưởng, anh Danh ở thôn Kỳ Lộ, Y Cheo ở buôn Suối Sổ, anh Quyên, chị Vân ở Xí Thoại.

Tháng 10/1960, các đồng chí Võ Mông, Ma Noa, Văn Công, Ma Cử, Nguyễn Hữu Ái cùng mũi công tác Phú Mỡ, du kích Thồ Lồ trang bị súng, cung tên giáo mác đột nhập bất ngờ vào ấp Phú Giang diệt tên trưởng, phó ấp phát động quần chúng nổi dậy phá khu đồn, trung đội dân vệ đầu hàng giao nộp vũ khí cho cách mạng thành lập chính quyền cách mạng. Ta phá khu đồn Phú Giang xã Phú Mỡ hoàn toàn giải phóng, bọn địch ở Kỳ Lộ hoang mang sợ sệt ngày có mặt, đêm lẩn trốn. Nhân lúc địch hoang mang hoảng sợ, chúng tôi tấn công về mặt tinh thần, tư tưởng bằng thư kêu gọi truyền đơn với nội dung:

Hỡi các bạn!

Người Việt Nam không đánh người Việt Nam, các anh không đi càn quét bắn phá buôn làng để dân yên ổn làm ăn, sản xuất, bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, vợ con. Phú Giang đã giải phóng rồi, Kỳ Lộ, Đồng Xe, Đồng Hội, Suối Cối, Suối Trưởng, Bà Đẩu, Suối Sổ, Suối Đặp sắp giải phóng đến nơi rồi các anh còn chần chừ gì nữa. Hãy đứng lên cùng với nhân dân nổi dậy giải phóng quê hương.

Tháng 9/1961 lực lượng tỉnh, tổ công tác phối hợp đội công tác huyện Đồng Xuân phát động quần chúng nổi dậy giải phóng Kỳ Lộ, Đồng Xe, Đông Hội, Bà Đẩu, Suối Sổ, Thác Đài, Bầu Me, làng Đồng, làng Len.

Ta giải phóng Kỳ Lộ, địch cưỡng bức 40 thanh niên đưa xuống La Hai. Ta viết thư cho người liên lạc kêu gọi thanh niên tìm cách trở về địa phương. Lần lượt thanh niên về lại Kỳ Lộ, ta tổ chức học tập động viên một số tham gia lực lượng vũ trang huyện, du kích xã.

Khu Bắc huyện miền Tây hoàn toàn giải phóng gồm các xã: Hà Đang, Thồ Lồ, Phú Mỡ, Phú Giang, Cây Vừng, Đá Mài, Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) giải phóng một vùng rộng lớn nối liền căn cứ khu 7 tỉnh Gia Lai, Vân Canh tỉnh Bình Định là chỗ dựa vững chắc tiến mở ra phía trước. Nhân dân rất phấn khởi thi đua sản xuất xây dựng lực lượng vũ trang dân quân tự vệ xây dựng chính quyền cách mạng. Nhân dân làng Đồng, làng Len ủng hộ hàng trăm gùi lúa, phụ nữ giã gạo tiếp tế cho bộ đội đánh địch càn phá trong trận Kỳ Đu, Đá Chẹt.

Làng Xí Thoại trở thành bàn đạp tiến ra khu đồn Xuân Lãnh, Đa Lộc, Hội Sơn, Bình Nông, xã Xuân Phương, Thạch Khê, Long Thạnh, xã Xuân Lộc. Ngày 22/9/1961 anh Châu chủ nhiệm hậu cần và tôi bám theo đơn vị U30 tập kích vào cứ điểm Đồng Tre xã Xuân Phước diệt gọn biệt kích và ác ôn đưa đồng bào xã Xuân Quang bị dồn về địa phương đa số là đồng bào thôn Kỳ Lộ.

Cuối năm 1961, tỉnh bố trí tôi làm mũi trưởng mũi công tác thôn Thạnh Đức cùng chị Cúc (vợ anh Tạ Sơn Xuân), anh Tẹt người địa phương quen thạo đường đi lối lại xây dựng cơ sở cốt cán trung kiên ở Thạnh Thượng, Thạnh Trung, Thạnh Hạ chuẩn bị lực lượng điều kiện phá ấp chiến lược bằng sức mạnh nổi dậy của lực lượng bên trong kết hợp lực lượng bên ngoài, xây dựng được 3 cơ sở, ở Thạnh Thượng 2 cơ sở, Thạnh Trung 1 cơ sở. Đang công tác tháng 7/1962, tỉnh rút tôi về công tác ở Ban Tài mậu Phú Yên. Mũi trưởng mũi công tác, tôi giao lại cho chị Cúc đảm nhiệm.

NGUYỄN HỮU ÁI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nặng lòng thổ cẩm Ba Na
Thứ Sáu, 12/07/2013 10:00 SA
Trận đánh bảo vệ đồng lúa Tuy Hòa
Thứ Sáu, 05/07/2013 08:00 SA
Dấu son du kích An Ninh
Thứ Sáu, 21/06/2013 09:00 SA
Ốc đực
Thứ Ba, 18/06/2013 16:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek