Cựu binh Huỳnh Trãi, chiến sĩ bộc phá năm xưa, lừng danh thời đánh Pháp. Thuở niên thiếu, tôi được đọc tập sách “Áo xám của bộ đội Liên khu 5” và rất tự hào về quê hương Phú Yên có nhiều chiến sĩ thi đua Liên khu như Huỳnh Trãi chiến sĩ bộc phá, Lê Nghiệp chiến sĩ trinh sát được mệnh danh đôi mắt sáng ngời của bộ đội Liên khu; Trần Thị Nga, chiến sĩ cứu thương; chiến sĩ thi đua toàn quốc Lê Thông và Trần Thị Cam là chiến sĩ thi đua ngành giáo dục và dân công vận tải. Nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất về chiến sĩ bộc phá Huỳnh Trãi. Ông có mặt hầu hết các trận đánh công đồn cũng như các trận vận động chiến cam go, ác liệt, giành nhiều chiến thắng vẻ vang, góp phần tô thắm ngọn cờ thi đua lập công của Trung đoàn thép 803 đơn vị chủ lực Liên khu 5.
Lớp lính Giơ-ne-vơ năm 1954 chúng tôi hồi ấy vào lính đều ôn trang truyền thống của đơn vị nên đã quen tên tuổi ông gắn liền trong đó. Nay về quê hương sau những năm tháng chiến tranh, được gặp ông, tôi hiểu biết thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 và rất khiêm tốn về chiến tích của mình vì sách báo đã nêu gương khá nhiều...
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta ngày càng trưởng thành, dùng binh lực lớn đánh tiêu diệt những cứ điểm mạnh. Trung đoàn 803 giỏi về đánh công kiên thì Tiểu đoàn 365 chủ công trong các trận đánh. Nhắc đến Tiểu đoàn 365 thì không thể quên tiểu đội bộc phá do Huỳnh Trãi làm Tiểu đội trưởng. Khi công đồn, tổ ông phát hỏa đầu tiên, mở màn cho trận đánh tiếp cận đối mặt với kẻ thù, nhiều trận rất gay go ác liệt, địch tập trung hỏa lực bắn xối xả như mưa. Như một con thoi, ông chạy lên, chạy xuống nhiều lần trước cửa mở, dẫn bộc phá viên đánh nốt lớp hàng rào cuối cùng và dùng bộc phá khối, phá tung bức tường thành để xung kích tràn vào trong diệt địch. Trận Tú Thủy, tháng 1/1953 (Quảng Nam), ông bị thương nặng, sau khi băng bó xong, đồng đội phải để ông nằm xuống hố sâu trước cửa mở, chỉ chừa mũi để thở vì trước lưới lửa dày đặc chưa thể đưa thương binh ra được. Sau trận đánh, ông được đưa về tuyến sau cứu chữa rồi tiếp tục xin ra mặt trận. Qua nhiều trận đánh, tiểu đội bộc phá được đồng đội tôn vinh “Cảm tử quân của đơn vị”. Trận công đồn Xuân Đài (Quảng Nam) diễn ra ác liệt, cả tổ của ông bị thương vong lớn, ông đã dồn hết căm hờn lên đầu quân thù và lập công xuất sắc. Một mình dùng bộc phá đánh cả hệ thống hàng rào dây thép gai của địch, dùng tiểu liên quét địch, góp phần chiến thắng vẻ vang. Trận này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Nhờ tham gia nhiều trận đánh công kiên nên có bề dày về kỹ, chiến thuật đánh bộc phá sử dụng vũ khí tự tạo, ông đã hướng dẫn, đào tạo nhiều chiến sĩ trẻ trong liên khu, sau đó nhiều đồng chí, đồng đội lập được chiến công xuất sắc như ông.
Hòa bình lập lại (20/7/1954), từ trận mạc trở về, cựu binh Huỳnh Trãi mang trong mình nhiều vết thương, là thương binh hạng 3. Năm 1960, ông Huỳnh Trãi được Đảng và Nhà nước đưa đi đào tạo, ông được học tại trường bổ túc công nông, cùng lớp với La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên... Rồi người lính chiến năm xưa - Huỳnh Trãi bước vào mặt trận mới: Xây dựng kinh tế, góp phần xây dựng miền Bắc làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, ông về quê hương Phú Khánh làm Hiệu trưởng Trường Thương nghiệp tỉnh, được đề bạt Ty phó Ty Thương nghiệp (tương đương với Phó giám đốc sở ngày nay). Năm 1989 tái lập tỉnh, ông là Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Phú Yên đến năm 1992 thì nghỉ hưu.
Ông Huỳnh Trãi đã đi suốt chặng đường dài gần 60 năm hoạt động cách mạng, có nhiều chiến tích trong đánh giặc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Một cựu chiến binh, một thương binh mẫu mực cũng là nhân chứng lịch sử rất xứng đáng cho thế hệ trẻ trên quê hương Phú Yên viết tiếp trang truyền thống cho hôm nay và mai sau...
TRẦN DOÃN PHU