Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Văn Phúc là cán bộ hoạt động cách mạng trong ngành Quân báo. Ông được tổ chức điều động làm trợ lý ở Ban Quân báo Tỉnh đội Phú Yên; cán bộ Quân báo thuộc Trung đoàn 10. Là người phụ trách công tác “đi trước về sau” của trung đoàn từ những ngày Trung đoàn 10 có mặt trên chiến trường Phú Yên, ông tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Trung đoàn 10 bởi những trận đánh nổi tiếng trên quê hương Phú Yên.
Địa phận giáp giới phía nam đèo Quán Cau - nơi cách đây 48 năm Trung đoàn 10 chặn đánh đoàn xe của địch - Ảnh: H.ANH
ĐÁNH TAN ĐOÀN XE QUÂN SỰ CỦA ĐỊCH
Vào Phú Yên được một thời gian không lâu (1965), Trung đoàn 10 nhận được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 30 (Quân khu V) đánh tiêu diệt đoàn xe quân sự của địch hơn 40 chiếc thuộc Liên đoàn 47 hành quân từ TX Tuy Hòa ra Tuy An. Tại trận đánh này, Trung đoàn 10 gồm có 3 tiểu đoàn 11, 12, 13 được bố trí quân hai bên sườn núi từ Dốc Đài ra đến giáp giới phía nam đèo Quán Cau. Tiểu đoàn 30 bố trí quân từ phía nam đèo Quán Cau trở ra. Hôm đó, Liên đoàn 47 địch điều động hơn 40 chiếc xe quân sự hùng hổ kéo nhau ra huyện Tuy An. Chờ cho bọn địch lọt vào trận địa phục kích của quân ta, Tiểu đoàn 30 được lệnh nổ súng chặn đầu đoàn xe, các tiểu đoàn 11, 12, 13 đồng loạt nổ súng tấn công khóa đuôi quyết không cho địch tẩu thoát. Trong tình thế hỗn loạn, địch phải bỏ xe tháo chạy tán loạn.
Trận chiến đấu kéo dài đến 3g chiều, bọn địch lớp bị chết và bị thương hàng trăm tên. Số còn sống sót tháo chạy về thôn An Chấn (xã An Mỹ, Tuy An) thoát thân bằng đường biển. Toàn bộ số xe hơn 40 chiếc do chúng bỏ lại bị quân ta bắn cháy và phá hủy.
THAM GIA CHIẾN DỊCH MÙA KHÔ 1966
Tại chiến dịch mùa khô năm 1966, Trung đoàn 10 đang đóng quân ở Lỗ Rong (Sơn Hòa) nhận được lệnh kết hợp với lực lượng địa phương, do Tỉnh đội Phú Yên làm chủ đạo tham gia chiến dịch Đánh điểm diệt viện tại các cứ điểm trên chiến trường Phú Yên. Chiến dịch này có ý nghĩa là quân ta đánh vào các cứ điểm để buộc địch cho quân tiếp viện để quân ta tiếp tục đánh tiêu diệt chúng. Tại cứ điểm Hòn Cò, thôn Phú Nhuận (xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) và gò Thì Thùng (xã An Xuân, Tuy An), Trung đoàn 10 cùng các lực lượng đặc công và Tiểu đoàn 85 Phú Yên đánh tan 1 tiểu đoàn biệt kích và lữ đoàn 173 của Mỹ.
Cứ điểm Hòn Cò là một cứ điểm rất khó đánh bởi bọn địch đã xây dựng rất kiên cố. Địch rào tới 12 lớp hàng rào dây thép gai kết vào các ống lon sữa bò đựng lựu đạn đã được rút chốt. Cứ điểm này luôn thường trực 1 tiểu đoàn biệt kích và một số tổng đoàn bình định và dân vệ được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại, canh gác hết sức nghiêm ngặt. Theo kế hoạch, lực lượng đặc công có nhiệm vụ đột nhập vào đánh chiếm sở chỉ huy của địch; lực lượng bộ binh ém quân vòng ngoài chờ lệnh. Khoảng gần 1g ngày hôm đó, sau khi tiểu đội đặc công do ông Huỳnh Văn Ủng chỉ huy đã bí mật đánh chiếm được Ban chỉ huy địch và bắn pháo hiệu thì Tiểu đoàn 12 ào vào tấn công cứ điểm Hòn Cò. Hai bên quần nhau tới khoảng 6g30 hôm sau thì tiểu đoàn biệt kích của địch cùng với số quân thuộc tổng đoàn bình định và dân vệ đã bị đánh tan. Địch bị thua đau liền điều quân thuộc liên đoàn bảo an 268 từ Xuân Phước kéo xuống giải vây cho Hòn Cò nhưng tiếp tục bị đánh tiêu hao lực lượng và buộc phải rút quân. Sau đó, địch từ thị trấn La Hai kéo xuống nhưng lại bị Tiểu đoàn 85 cùng 1 đại đội của Tiểu đoàn 12 Trung đoàn 10 đánh. Liên tiếp bị thất bại, địch điều lữ đoàn 173 đổ quân xuống gò Thì Thùng (xã An Xuân, Tuy An). Đúng như nhận định trước đó, Trung đoàn 10 đã bố trí Tiểu đoàn 11 mai phục tại địa đạo gò Thì Thùng. Khi quân địch đổ quân vào địa đạo, liền bị tiểu đoàn này đánh tiêu diệt, địch bị thiệt hại nặng. Liền đó, Sư đoàn Không vận số 1 ở Bình Định điều hàng chục chiếc trực thăng bay rợp cả bầu trời vào đổ quân tại Sơn Định, Hòn Đát, Tân Lương (Sơn Hòa); Dốc Đứng (Đồng Xuân) để cứu nguy cho đồng bọn nhưng lại bị Trung đoàn Trần Hưng Đạo đánh tan tác.
Chiến dịch Đánh điểm diệt viện mùa khô năm 1966 kéo dài khoảng 10 ngày, diễn ra đúng như kế hoạch của ta đã định. Tại các cứ điểm Hòn Cò, địa đạo Gò Thì Thùng và một số cứ điểm thuộc huyện Sơn Hòa..., bọn địch đã bị tiêu hao lực lượng hàng ngàn tên. Sau chiến dịch, quân số của Trung đoàn 10 cũng bị hao hụt, trung đoàn tiếp tục củng cố lực lượng, tiếp tục huấn luyện chiến đấu chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
HÀ THU
(ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên cán bộ Quân báo Trung đoàn Ngô Quyền)
Được thành lập trên vùng đất lửa Quảng Trị vào năm 1945 mang tên Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, rồi trở thành Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật. Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật được đổi tên là Trung đoàn 95. Ngày 20/11/1964, nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, để bảo đảm bí mật, Trung đoàn 95 được đổi phiên hiệu là Trung đoàn 10 hay còn gọi là Trung đoàn Ngô Quyền. Trung đoàn 10 được giao phụ trách các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa. Trên chiến trường Phú Yên, Trung đoàn 10 đã tham gia hàng trăm trận. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trung đoàn 10 bị tổn thất lớn về lực lượng. Do vậy, Tiểu đoàn 11, được sáp nhập với Tiểu đoàn 85 và gọi chung là Tiểu đoàn 96; Tiểu đoàn 12 sáp nhập với đơn vị 167 pháo binh được gọi là Tiểu đoàn 189. Riêng Tiểu đoàn 13 giữ mãi phiên hiệu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cán bộ khung từ cấp đại đội trở lên của trung đoàn được rút về Tây Nguyên bổ sung lực lượng, tiếp tục chiến đấu hầu khắp các chiến trường miền Nam... Ngày 23/9/1973, Trung đoàn 10 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.