Thứ Bảy, 21/09/2024 01:42 SA
Nặng lòng thổ cẩm Ba Na
Thứ Sáu, 12/07/2013 10:00 SA

Nghệ nhân La Lan Thị Minh (người Ba Na, ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân) đã ngoài 70 tuổi nhưng luôn say mê với nghề dệt thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình.

 

Tho-Cam130712.jpg

Bà La Lan Thị Minh với chiếc áo thổ cẩm vừa hoàn thành - Ảnh: MINH TÂM

MONG MANH CÁI ĐẸP

 

Trên 50 năm gắn bó với nghề dệt vải thổ cẩm, Mí Minh vẫn canh cánh một nỗi lo: “Lũ trẻ bây giờ ít chịu khó, chúng nó “cà trớt” lắm, coi dệt thổ cẩm là công việc “lẩm cẩm” của người già; còn chúng chỉ biết làm thật nhiều tiền, ra chợ chọn vải, muốn may hoặc mua mặc tùy thích. Bởi chúng quen với kiểu ăn mặc tiện lợi của người Kinh, không phải bó buộc, nóng nực như mặc thổ cẩm; hơn nữa, dệt thổ cẩm là một công việc rối rắm, phức tạp, ai thiếu kiên trì thì không làm được…”.

 

Bà nhớ lại, cái thời chạy giặc, chống càn “ăn ở rừng rú”; nơi ở rày đây mai đó, không có sợi, có khung để dệt vải. Dân làng mình khổ ơi là khổ, có người chỉ còn một bộ áo váy trên người; mỗi lần tắm táp thay đồ, phụ nữ phải chờ trưa nắng, ra sông suối, tìm một chỗ vắng người để giặt giũ, rồi dìm mình trong nước, phơi quần áo trên những tảng đá, chờ cho khô để mặc vào đi làm. Mùa đông, chờ đêm về giặt quần áo hong trên ngọn lửa. Sau giải phóng, thấy dân làng cơ cực quá, bà đã bàn với một số chị em biết nghề, gầy lại các khung dệt; nhờ người xuống phố mua các loại chỉ, bắt tay vào việc đan dệt. Nhờ đó, dân làng cũng tạm giải quyết được cái gọi là “mặc ấm”.

 

Theo già làng La Chí Thái, năm 1998, khi làng Xí Thoại được ngành văn hóa chọn phục dựng lễ hội đâm trâu, xoay cột, để có đủ trang phục truyền thống cho nam thanh, nữ tú của làng vào hội, bà Lan và nhiều chị em khác đã ngồi dệt ròng rã cả tháng mới xong hàng chục bộ váy áo thổ cẩm cho đội múa cồng chiêng. Sau này, mỗi lần đội văn nghệ cồng chiêng, trống đôi của thôn Xí Thoại được tỉnh, huyện chọn tham dự các cuộc liên hoan lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Nguyên... đều lấy trang phục đó mặc để mà khoe cái đẹp! Lúc này, lũ trẻ của làng mới tự hào, mới thấy giá trị cái đẹp bản sắc của dân tộc mình. Cũng nhờ vào dịp ấy, Xí Thoại hiện còn hàng chục khung dệt đang hoạt động…

 

CÔNG PHU HOA VĂN

 

Theo Mí Minh, ông bà mình ngày xưa làm nên tấm vải thổ cẩm là cả một kỳ công. Thời ấy, sợi dệt thổ cẩm nguyên liệu chính là những cây bông vải trồng trên nương. Từ những múi bông trắng tinh, phụ nữ Ba Na phải nhọc công cho việc bắn bông kéo sợi; dùng vỏ cây lộc vừng nhuộm thành màu nâu, vỏ cây bút tạo màu đen... Thời gian làm được cuộn sợi phải mất một mùa rẫy. Nhưng cái khổ công, tỉ mẩn của việc ngồi dệt thổ cẩm mới là điều đáng kể.

 

Mí Minh cho hay, người Kinh cũng dùng sợi dệt thành những tấm vải, cắt ra từng mảnh ráp may thành bộ, nhuộm màu gụ, màu chàm rồi mới thêu ren làm đẹp. Còn nghệ nhân dệt thổ cẩm làm nên chiếc khố, tấm váy thì mọi việc phải được tính toán cùng lúc và ngay từ đầu khi căng khung dệt. Đó là việc tính toán kích cỡ người mặc, hoa văn trên từng mặt vải (dây thắt lưng, đệm mông, hoa văn mặt trước, mặt sau...) trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn phức tạp. Có nghĩa là một nghệ nhân vừa là người thiết kế tạo mẫu hoa văn, đồng thời họ vừa là thợ dệt, thợ may, thêu ren... Tất cả phải được phối kết trong trí tưởng tượng.

 

Trên khung cửi, hàng ngàn sợi chỉ được căng thành thảm dọc, từng sợi một luồn theo hàng ngang, tạo nên tầng tầng, lớp lớp hoa văn, họa tiết mà không phải nhìn vào hình mẫu có sẵn. Để tạo những khuôn hoa văn, người dệt phải thuộc làu trong trí nhớ những công thức nhất định về trật tự màu sắc, từ các sợi dài hợp thành thảm dọc để quá trình đan các dải sợi ngang, hoa văn sẽ hiện lên. Các kiểu mô típ, hoa văn gần gũi với đời sống thiên nhiên được hình tượng hóa như dãy núi chập chùng, sông suối uốn lượn, da rắn, tổ ong, chim cá, nụ hoa... với lối cách điệu, hình học hóa. Điều đáng nể ở đây, những người nắm giữ công thức tạo hình đều là những phụ nữ đã lớn tuổi và không hề biết chữ.

 

Mí Minh cho biết bà học dệt từ năm 10 tuổi, đến năm 15 tuổi đã dệt thành thạo. Dù cao tuổi nhưng hiện bà vẫn còn minh mẫn, hàng ngày cần mẫn bên khung dệt, nắm giữ trong mình hàng trăm công thức, kiểu cách cài đặt hoa văn. Biết Mí Minh là người có thâm niên trong nghề, cách đây 5 năm trường dạy nghề huyện Đồng Xuân đã tổ chức mời bà tham gia các lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho học sinh trường dân tộc nội trú và trong các buôn làng. Nhưng giờ coi lại việc này cũng chỉ như “nước đổ lá môn”, không có mấy người thành nghề và say mê với nghiệp. Lòng bà vẫn đau đáu một nỗi niềm, vì hiện thời trong làng ngày càng ít đi các thiếu nữ theo học nghề dệt thổ cẩm.

 

MẠNH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trận đánh bảo vệ đồng lúa Tuy Hòa
Thứ Sáu, 05/07/2013 08:00 SA
Dấu son du kích An Ninh
Thứ Sáu, 21/06/2013 09:00 SA
Ốc đực
Thứ Ba, 18/06/2013 16:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek