Thứ Bảy, 21/09/2024 01:44 SA
Dấu son du kích An Ninh
Thứ Sáu, 21/06/2013 09:00 SA

Ông Trần Doãn Công là một cựu binh, cựu tù Phú Quốc (hiện nghỉ hưu và đang sinh sống tại thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, Tuy An) tham gia du kích địa phương từ năm 20 tuổi. Là Xã đội phó, Xã đội An Ninh một thời gian dài trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh của lực lượng du kích An Ninh. Năm 1967, trong lúc đang làm nhiệm vụ, ông Trần Doãn Công bị địch bắt và đày ra đảo Phú Quốc, mãi đến năm 1973 mới được trao trả. Hiện nay, ông là Phó chủ tịch Cựu tù chính trị yêu nước huyện Tuy An. Những năm tháng tham gia trong lực lượng du kích xã An Ninh đã để lại nhiều dấu ấn khó quên trong ông...

 

ongcong130621.jpg

Ông Trần Doãn Công (phải) kể chuyện về những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Ảnh: H.THU

Tháng 10/1964, xã An Ninh được giải phóng. Mặt trận Dân tộc giải phóng xã ra đời, chính quyền cách mạng tự quản được thành lập, lãnh đạo, vận động bà con nhân dân rào làng chiến đấu, đấu tranh với địch để lấy nước về cho đồng lúa An Ninh. Một mặt khác, cách mạng chỉ đạo lực lượng du kích xã tập trung lực lượng chống các trận càn quét của Mỹ ngụy. Vào mùa khô năm 1966, bọn địch thấy đồng lúa của xã An Ninh tươi tốt, chúng đã ngăn đập Tam Giang không cho nước về hòng phá hoại mùa màng, thực hiện âm mưu thâm độc của chúng là ngăn chặn nguồn lương thực, thực phẩm dùng để nuôi quân và tiếp tế từ vùng giải phóng. Nhân dân xã An Ninh, nhất là hội phụ nữ xã đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị buộc địch mở đập đưa nước về ruộng. Trước lực lượng đông đảo của nhân dân An Ninh, bọn địch đã hèn hạ dùng súng bắn vào đoàn người biểu tình gây thương vong nhiều người. Tuy vậy, đoàn biểu tình vẫn không chùn bước. Địch cay cú đã bắt một số người rồi viết lên nón: đả đảo cộng sản. Phụ nữ cởi nón, chúng lại viết lên áo, các chị, các mẹ lại cởi áo ném vào bọn chúng. Trước quyết tâm của nhân dân, bọn giặc đành phải chấp nhận mở đập xả nước về cánh đồng của xã. Trong các cuộc đấu tranh nhằm giữ vững vùng giải phóng của nhân dân An Ninh, nổi lên tấm gương anh dũng bất khuất của bà Nguyễn Thị Đan, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng xã An Ninh. Bà bị bọn địch bắt và đưa lên máy bay để chở đi nhưng bà đã nhảy xuống chỉ thẳng vào bọn Mỹ ngụy: Chúng bay là một lũ cướp nước và bán nước; rồi hô to: Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm. Bọn địch phải trói bà lại đưa lên máy bay. Nhưng sau đó, bà lại tìm cách trốn về vùng giải phóng, tiếp tục hoạt động cho đến năm 1968 thì hy sinh.

 

Khi thấy cánh đồng lúa của An Ninh gần đến ngày thu hoạch, bọn địch lại tìm nhiều cách để phá hoại, ngăn chặn không cho bà con thu hoạch. Sư đoàn 4 bộ binh của Mỹ điều quân chiếm đóng trên Hòn Bù và núi Lò Dầu (xã An Ninh) để tiếp tay cho ngụy quân, ngụy quyền cướp hết lúa, gây khó khăn cho đồng bào vùng giải phóng. Bọn địch đã gây ra nhiều thảm cảnh nhằm mục đích gây áp lực buộc người dân phải về sống trong các ấp chiến lược của chúng. Cũng trong năm 1966, du kích của xã An Ninh gồm các đồng chí Trần Doãn Công, Nguyễn Quang Anh, Võ Hai và đồng chí Xuyến cùng với 4 đồng chí bộ đội huyện Tuy An do đồng chí Nguyễn Văn Bé chỉ huy, chặn đánh hơn 1 đại đội thuộc Sư đoàn 4 bộ binh của Mỹ đóng quân tại Hòn Bù và núi Lò Dầu.

 

Sáng hôm đó, đại đội Mỹ bố trí quân dàn hàng ngang từ Hòn Bù lên hỗ trợ cho bọn ngụy cướp lúa của nhân dân, du kích An Ninh và bộ đội huyện đã phục kích sẵn ở các bờ ruộng bắn chết 1 tên và làm bị thương 1 tên. Sau đó chúng không dám tiến quân bằng đường này nữa mà lại xuất phát từ Hòn Bù men theo sông Vạn Củi đánh vào thôn 3 và 4 (xã An Ninh). Biết được ý đồ của chúng, quân ta kịp thời bố trí lực lượng chặn đánh không cho chúng tiến quân. Nhưng do hỏa lực địch mạnh, quân ta phải rút quân chốt giữ bên kia sông Vạn Củi. 4g chiều, có một chiếc trực thăng chở đồ hộp tiếp tế cho quân Mỹ, chúng không biết quân ta còn mai phục ở đây nên trận chiến đấu lại tiếp tục diễn ra. Tại đây, bọn chúng đã bị tiêu diệt khoảng 10 tên, chiếc máy bay trực thăng bị quân ta bắn phải hốt hoảng chuồn thẳng. Trong lúc hai bên đang giằng co quyết liệt, thì 1 tổ du kích từ thôn Diêm Điền đánh úp địch từ sau lưng, bọn Mỹ vội vàng rút quân về Hòn Bù. Đồng thời, địch đã gọi pháo ở quận Phú Tân và điều hai trực thăng bắn vào làng Tiên Châu làm cháy rụi nhiều ngôi nhà và 1 đồng chí du kích hy sinh. Lúc này trời cũng đã tối, quân ta kịp thời rút về núi Lò Dầu an toàn.

 

Tại núi Lò Dầu, bọn địch cũng điều 1 đại đội đóng chốt ở đây và liên tục mở nhiều cuộc càn quét, sục sạo vào thôn Diêm Điền và Xuân Phu. Nhờ nắm được quy luật sinh hoạt của địch, khoảng 8g sáng thường kéo nhau đến giếng tại thôn 10 Phú Thịnh tắm, du kích xã đã bí mật gài mìn và tiêu diệt gần hết 1 tiểu đội.

 

Đây là trận đánh không cân sức giữa một bên là hơn 1 đại đội bộ binh Mỹ và một bên là lực lượng du kích cùng với bộ đội huyện chỉ có 8 người nhưng đã làm cho địch bị tiêu hao nhiều sinh lực và phải huy động đến máy bay, pháo... Địch đã trút hàng tấn bom đạn nhưng cũng bị thất bại nhục nhã. Chỉ trong mùa khô năm 1966, bọn địch đã nhiều lần mở các cuộc càn quét, cướp bóc phá hoại mùa màng nhưng chúng đã bị nhân dân và du kích xã An Ninh dũng cảm kiên cường chặn đánh, bảo vệ vùng giải phóng. Đại đội thuộc Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ phải rút quân về đóng ở xã An Định, sau này chúng cũng bị lực lượng đặc công tỉnh tiêu diệt.

 

HÀ ANH

(Ghi theo lời kể của ông Trần Doãn Công,

nguyên Xã đội phó Xã đội An Ninh thời kỳ chống Mỹ cứu nước)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ốc đực
Thứ Ba, 18/06/2013 16:01 CH
Tiêu diệt một đại đội bảo an địch
Thứ Sáu, 07/06/2013 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek