Chủ Nhật, 22/09/2024 18:26 CH
Bến đò ngày xuân
Thứ Năm, 22/02/2007 07:26 SA

NHỮNG BẾN ĐÒ - NHỮNG CHUYẾN ĐÒ

 

Trong bức tranh quê nhà thơ Anh Thơ tả cảnh bến đò ngày mưa ở miền Bắc: Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt. Mặc con thuyền cắm lái đậu trơ vơ… Buồn quá! Thi sĩ Kiều Thệ Thủy thì trách việc đi lại tại miền Trung: Đò giang sông bến thành ngăn trở!

 

Ca dao quê ta có câu chuyện theo một cao trào thú vị. Anh chàng nọ e ngại: Sông sâu sào vắn khó dò. Muốn qua thăm bạn sợ đò không đưa. Đò không đưa vì không đủ chuyến thì còn phương tiện thấp hơn là sõng, có kẻ sẵn sàng miễn sao đền đáp xứng đáng: Đò không đưa, bỏ sõng đi liền. Qua cho tới bến trả tiền xứng công. Một người hào hiệp hơn, cho rằng đi thăm bạn là việc tình nghĩa, ta là kẻ trọng tình nghĩa, vẫn biết giá cả như thế, nhưng không cần, xin mời lên, tôi giúp cho: Đò đưa một chuyến năm tiền. Thấy anh có nghĩa chịu phiền đưa không.

 

Trường hợp khác cũng rất dễ thương: Ai sang đò ấy bây giờ. Ta còn ở lại ta chờ bạn ta. Mưa nguồn chớp biển xa xa. Ấy ai là bạn của ta ta chờ. Và, một câu hò sông nước miền Nam: Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi. Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm…

 

Như thế, giữa con người và sông nước đò giang có một mối quan hệ rất chặt chẽ, gần gũi, đủ cả vui buồn. Sông nước có gây ra những trở ngại giao thông khi đường bộ phải vượt qua. Nhưng đồng thời bù lại, sông nước là những đường thủy rất tốt, nối liền trung lưu với hạ bạn, hữu ngạn với tả ngạn bằng những chuyến đò dọc, đò ngang.

 

ĐÒ DỌC

 

Phú Yên có mạng lưới sông ngòi khá dày, trong đó hai sông lớn là sông Ba và sông Cái. Mặc dù dọc theo các sông này đều có đường bộ nhưng ngày xưa không có xe nên hành khách thường đi đò dọc. Hành trình không xa, lòng sông hiền hòa, đâu có gì đáng lo ngại.

 

Đò dọc trên sông Cái từ vùng ven biển, đồng bằng: An Ninh, An Thạch, An Định… lên đến Kỳ Lộ. Bến sông là nơi bạn bè xa cách hẹn hò gặp nhau tâm sự: Mau mau đến bến Bà Bang. Đến đồng Bà Sứ thở than đôi lời. Trên sông Ba thì hai bên bờ đều thuận tiện. Bên hữu ngạn đò dọc lên đến Thạch Thành, dừng lại cho hành khách tỏa ra Đất Đỏ. Đây là vùng trồng bắp, vào mùa thu hoạch dân đồng bằng đi đò dọc lên bẻ bắp và chuyên chở về cũng bằng đò dọc. Bên tả ngạn đò dọc lên đến Xóm Bến phía dưới Mặt Hàn (nơi xây dựng đập Đồng Cam), hàng hóa đưa lên bờ, dùng cộ bò chở đi Củng Sơn.

 

Về đến bình nguyên hai bên sông Cái và sông Ba đều là ruộng đồng thoáng đãng, xóm làng nối tiếp, mái nhà ngói đỏ, cây vườn mướt xanh… trông ngoạn mục lắm chứ! Có đi đò dọc mới được hưởng điều thú vị ngắm nhìn bao quát trời mây.

 

Đò dọc dùng ghe kinh có chiều dài độ 8m, chiều rộng độ 1,7m, trọng tải khoảng 12 người. Ghe lưới dùng đánh cá ở sông thì có chiều dài từ 3,5m đến 5m, trọng tải khoảng 5 người. Nhỏ nhất là loại sõng câu dùng đi câu trong đầm, bàu… chỉ đủ 2 người ngồi.

 

Khi đi ngược dòng sông người ta căng buồm lên, lựa theo hướng gió cho ghe chạy, lúc xuôi sông thả ghe lựa theo dòng nước. Lúc cần chở gỗ thì cột hai súc gỗ hai bên ghe mà đi, vì gỗ tươi nặng, thả xuống nước bị chìm, không đóng bè được. Làm như vậy gọi là “cẩn” súc. Ngày nay  đường bộ lên các huyện miền núi rất thuận tiện, không còn khách đi đò dọc, những ghe kinh chuyển sang nghề hốt sạn nơi lòng sông, nhưng cũng bắt đầu thất nghiệp vì nhiều chỗ xe xúc ra tận nơi lấy sạn.

 

ĐÒ NGANG

 

Thời trước, Phú Yên có rất nhiều bến đò ngang, trên đường thiên lý và nhiều ngả đường vùng thôn quê. Tầm quan trọng của nó được thấy qua việc sách Đại Nam nhất thống chí dành một mục để kê đủ 10 bến đò quan trọng, thuộc làng nào, phủ huyện nào. Các bến đò lớn như Phường Lụa (sông Cái – Tuy An) hay các bến đò trên sông Đà Rằng (Tuy Hòa) dùng loại ghe lớn, thường xuyên qua lại, tại các bến nhỏ dùng ghe bơi, tức là ghe lưới.

 

Thi sĩ Tam Anh nhắc lại, chắc chuyện của chính ông: Ngày anh cưới em không xe không ngựa. Rước dâu bằng thuyền ướt áo họ trai. Thật là ngộ! Dễ gì có được cảnh ấy để nhớ đời?

 

Bây giờ các bến đò trên quốc lộ không còn. Không còn những ông lái say rượu và say trăng đầu gối sách, để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng. Không còn những cô lái mỏi mòn chờ đợi bạch y công tử không vể. Và khi mặc áo hồng vu quy họ lại có thoát được chút lòng bịn rịn bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông. Đối với các thi sĩ đây là điều thiệt thòi, mất đi một đề tài thơ mộng.

 

Nhiều con đường xấu, hiểm trở ở vùng núi, vùng cao nguyên nay đã trở thành tỉnh lộ, có cầu xi măng cốt sắt kiên cố, cũng không còn mấy bến đò. Chỉ dọc sông Đà Rằng vì lòng sông rộng quá nên còn những bến đò như bến đò Phú Lộc, bến đò Lò Giấy, bến đò Phú Sen, bến đò Đồng Cam từ huyện Phú Hòa qua huyện Tây Hòa. Ở đoạn trên có các bến đò Tịnh Sơn, Tây Hòa, Đông Hòa (tên 2 thôn này có từ năm 1946, trùng với tên 2 huyện mới lập), bến đò Thạnh Hội… từ huyện Sơn Hòa sang huyện Sông Hinh. Những bến đò ở huyện Phú Hòa thường đông khách vào các ngày chợ phiên, bên này sông qua bên kia sông mua bán.

 

Tuy vậy, vào mùa mưa lụt những bến đò tái hiện nơi cầu bị hư, đường bị ngập. Có khi hai bến đò ở hai đầu con đường đang nằm bên dưới hành trình của ghe lưới, sõng câu. Trong thành phố, đò đi trên đại lộ, bến đò gần rạp Hưng Đạo, gần cầu Vạn Kiếp…

 

CÚNG ĐÒ

 

Những chiếc đò (có khi gọi là ghe, sõng… tùy trường hợp, kích thước) đan bằng nan tre cật. Chẻ tre tươi vót nan xong để cho nan khô mới đan thành tấm mê rồi đặt khuôn ghe bên trên đúng theo kích thước, từ dưới lận lên. Ghe được quét một lớp nước phân bò cho kín các đường nan rồi trét dầu rái. Các triên ghe thì xảm bằng nhựa cây chai.

 

Khi khởi sự đóng một chiếc ghe người ta lựa ngày tốt với một tiêu chuẩn không khó khăn lắm là kiêng ngày sát chủ và các ngày vía Bà (Hà Bá) mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hăm bốn và các ngày mồng năm, mười bốn, hăm ba. Khi đóng xong hạ thủy cũng tránh các ngày như trên và có lễ cúng cầu xin Hà Bá phò hộ nâng đỡ cho việc sông nước được an toàn. Lễ vật có hương đèn, chè xôi, hoa quả, nhưng không cúng chuối vì ở Phú Yên ta “chuối” và “chúi” phát âm như nhau, phải kiêng.

 

Khi ghe đã được sử dụng vào việc chuyên chở thì hàng tháng mỗi kỳ sóc vọng (mồng một, rằm) đều có lễ cúng bằng chè xôi, hương đèn, hoa quả như trên. Vào dịp cuối năm cúng tất niên vào đầu năm cúng khai hàng. Lễ vật có thêm thịt gà, mâm cỗ đặt ngay trong khoang đò.

 

Như vậy các thủ tục và lễ vật cũng đơn giản. Các vị thần sông nước ở quê ta có phần dễ tính. Chẳng nghe các vị đòi hỏi gì nhiều. Không như một vị Hà Bá đất Nghiệp bên Tàu mỗi năm bắt dân làng phải nộp một trinh nữ, quăng xuống nước để làm vợ, may nhờ quan huyện Tây Môn Báo sáng suốt,  một lần ra tay thí chốt mấy ông đồng bà cốt dân chúng mới được yên.

 

BẾN ĐÒ NGÀY XUÂN

 

Ngày tết thì sao?

 

Lại nhớ cảnh chiều xuân cũng trong bức tranh quê của Anh Thơ: Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng. Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi. Lạ thật! Bến đò buổi chiều xuân sao quá lại vắng vẻ?

 

Ở quê ta ngày tết chỉ đò dọc (ghe kinh) được nghỉ, vì không có những chuyến đi đường xa. Đò ngang thì phải đưa khách cả hôm ba mươi và mồng một tết. Bến đò ngày xuân đông khách từ những hôm cuối năm. Lúc này những chợ hai bên sông họp suốt ngày, hoặc ít nhất cũng quá buổi, hàng hóa nhiều hơn, người bán và người mua đông hơn, bến đò là nơi hội vui.

 

Rồi ngày tết, người qua kẻ lại tấp nập, để thăm nhau, chúc nhau, áo quần sặc sỡ, dù màu, nón kiểu. Cũng có những bến đò ngang “đột xuất” vì nhu cầu của bà con trong ba bữa. Chẳng lẽ để thiên hạ tết nhất mà phải đi lại kiểu ngày thường như thi sĩ Tam Anh nhớ hồi trai trẻ: Chiều lội qua sông quần xăn áo vén. Guốc gỗ cầm tay khăn lông vắt vai.

 

Ngày tết chỉ có trẻ con đi chơi đúng nghĩa đi chơi. Mấy năm trước đây còn nhiều xe lam, trong thành phố tạo thành một tuyến đường vui,  chở trẻ con từ rạp Diên Hồng xuống biển rồi từ biển lên rạp Diên Hồng. Đi chơi khơi khơi vậy mới là đi chơi, không ghé nhà ai, không phải thưa gửi dạ vâng, khát nước đã có cà rem, nước chanh, nước đá.

 

Những nơi có bến đò ngang thì… từ bên này sang bên kia, đi quanh đi quẩn rồi về, nghe hô lô tô, ngó mấy sòng bầu cua tôm cá, một ngày mấy bận qua qua lại lại, đã là đi chơi thì đâu cần “mục đích yêu cầu” gì. Vui vẻ thoải mái mới là đúng nghĩa đi chơi.

 

Như thế nói theo ngôn ngữ hiện đại, bến đò ngày xuân cũng là một tụ điểm văn hóa ở nông thôn, trong đó thành phần quan trọng là trẻ con, những mầm non dành cho tương lai đất nước.

 

TRẦN TAM CHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đầm Ô Loan
Thứ Sáu, 12/01/2007 09:17 SA
Sắn nước Phường Lụa
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:45 SA
Sức hút gành Đá Dĩa
Thứ Năm, 21/12/2006 08:21 SA
Cầu nối với quê hương
Thứ Bảy, 19/08/2006 07:47 SA
Phú Yên thời chín năm chống Pháp
Thứ Tư, 16/08/2006 08:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek