Thứ Ba, 08/10/2024 01:22 SA
Ái ngại sự bất thường của lễ hội
Thứ Bảy, 04/05/2013 09:00 SA

Với hơn 8.000 lễ hội ở nước ta, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, con số ấy càng gây ái ngại cho nhiều người. Thực chất của văn hóa lễ hội tín ngưỡng là gì? Và như cảnh báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa: “Phải chăng chúng ta đang được chứng kiến một kiểu loại hội hè mà dường như đã và đang trở thành một thứ nguyên cớ để tiêu tiền hợp pháp?”

 

Dua-thuyen.jpg

Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan (Tuy An), ảnh mang tính minh họa - Ảnh: LÊ MINH

Với lý do giữ trâu cho sản xuất nông nghiệp, cán bộ địa phương ở Tây Nguyên đã đề nghị dùng “trâu gỗ” cho lễ hội đâm trâu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Khi nghe trình bày “sáng kiến” này, một già làng đã phản bác: Thưa cán bộ, vậy chứ trong đám giỗ của cha mẹ, cán bộ có dùng “cá gỗ” để cúng không?

 

Đó là câu chuyện dân gian của một thời ấu trĩ mà cái gì cũng dành cho tăng gia sản xuất, đến đền chùa miếu mạo cũng bị trưng dụng làm trụ sở hay sân phơi lúa phơi sắn hợp tác xã. Không chỉ bị bom đạn chiến tranh tàn phá, mà còn do sự chủ quan duy ý chí của con người đã xóa sổ hay gây hoang phế nhiều công trình vật chất lẫn phi vật thể về sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, coi đó như là tàn dư lạc hậu của chế độ phong kiến.

 

Chính vì xem nhẹ sự thiêng liêng của những di sản chứa đựng tâm thức lịch sử văn hóa truyền thống dân tộc, có cái nhìn thiển cận đối với những phong tục tập quán đã ăn sâu vào máu thịt người dân, nên mới có kiểu “sáng kiến” nực cười dùng trâu gỗ cho lễ hội đâm trâu. Ở đó, con trâu đâu chỉ là một phương tiện của ngày hội mà còn là linh vật dùng làm nghi lễ để dâng tế trời đất, tổ tiên và nhớ ơn các bậc tiền nhân, cầu mong họ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an!

 

Từ năm 1986, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các lễ hội văn hóa dần được phục dựng, đặc biệt là các lễ hội dân gian truyền thống. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, sự phong phú về số lượng lễ hội là điều may mắn, bởi có một thời kỳ dài chúng ta đã vô tình để nó mai một. Trong xã hội hiện đại, con người càng cần tới lễ hội, vì theo ông: Đó là môi trường để người ta trở về với cội nguồn, tạo nên sự gắn kết và tôn vinh sức mạnh cộng đồng, đồng thời lễ hội chính là đời sống tâm linh, giúp con người giữ được cân bằng trong cuộc sống, thể hiện khả năng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; cuối cùng, lễ hội còn chính là bảo tàng sống về văn hóa, là di sản của cha ông truyền lại cho muôn đời sau.

 

Theo số liệu mới công bố của các cơ quan chức năng, hiện nay ở nước ta có hơn 8.000 lễ hội văn hóa từ cấp Trung ương đến địa phương, cụ thể: lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4%, lễ hội tôn giáo là 16%, còn lại 80% thuộc về lễ hội dân gian. Lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tập trung chủ yếu vào mùa xuân, ngay sau Tết Nguyên đán, như câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Bởi ngoài phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ thánh thần, tổ tiên thì các lễ hội dân gian là ngày hội để người dân có dịp vui chơi giải trí sau một năm lao động vất vả, chuẩn bị sinh lực cho một năm tiếp theo…

 

Hơn 8.000 lễ hội văn hóa mỗi năm, có nghĩa bình quân mỗi ngày diễn ra tới 30 lễ hội, nếu nói Việt Nam là đất nước của lễ hội cũng không ngoa chút nào. Vai trò của lễ hội trong đời sống cộng đồng như GS Ngô Đức Thịnh nói trên là đúng đắn, tuy nhiên vì số lượng quá nhiều, mà công tác tổ chức và quản lý còn bất cập, nên đã nảy sinh những biến tướng, hỗn loạn từ các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đó là chưa kể tới việc lạm dụng lễ hội để trục lợi…

 

Le-hoi-chua-Da-Trang.jpg

Lễ hội chùa Đá Trắng (Tuy An), ảnh mang tính minh họa - Ảnh: LÊ MINH

Mỗi năm Tết Nguyên đán vừa trôi qua, hễ nghe nơi nào linh thiêng thì người ta đổ xô tìm đến, từ lễ hội Bà Chúa Kho ở ngoài Bắc đến Bà Chúa Sam ở phương Nam. Họ đi hội để vui chơi, khám phá là phụ. Cái chính là họ đến những nơi “thiêng” này để cầu tài cầu lộc, xin xỏ quyền này chức nọ hoặc trả lễ mà năm trước đã “vay mượn”. Dù bàn thờ và thùng công đức đặt khắp nơi, nhưng người ta vẫn chen chúc, xì xụp lạy cả cây cối, đường đi và đút tiền cúng lên cả những khe hở của tượng phật tượng thần. Rồi để kiếm chút “lộc thánh”, họ dùng sức mạnh đè đầu cưỡi cổ lẫn nhau, mặc cho người già bị xô ngã, trẻ em la khóc, họ cướp càng nhiều càng tốt… mà vấn nạn cướp lộc ở đền Sóc, cướp ấn ở đền Trần là những ví dụ điển hình.

 

Ở những nơi được xem là “thiêng” này, hàng quán, nhà nghỉ và bãi giữ xe cũng mọc lên như nấm. Người bản địa chèo kéo, dọa nạt, chém chặt không thương tiếc khách thập phương. Một loại “cò” lễ hội cũng ra đời để phục vụ du khách trong việc mua đồ lễ, xí chỗ dâng mâm cúng vái…

 

Đó là sự bất thường về văn hóa lễ hội truyền thống ở những chốn thiêng. Còn có những bất thường khác đối với các loại hình lễ hội “đời mới”. Nếu trước đây một vài con trâu trong lễ hội đâm trâu cũng tìm cách tiết kiệm, thì bây giờ nhiều nơi đã bỏ tiền ra hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng để tổ chức lễ hội với mục đích thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Lễ hội được sân khấu hóa, hiện đại hóa… với sự bao thầu của các công ty tổ chức sự kiện, để rồi phần lớn màn trình diễn tại các lễ hội na ná như nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình nghệ thuật Trung ương đã thốt lên chua chát: “Lễ hội kiểu này đã tạo cơ hội cho mấy ông bà nghệ sĩ “tuần chay nào cũng nước mắt”, vất vả rong ruổi từ Bắc vào Nam để rải tài năng khắp nước, cho dù thỉnh thoảng họ có cãi nhau chí chóe về kịch bản, ai được nhận hợp đồng đạo diễn…”. Và khi các công ty tổ chức sự kiện vào cuộc, với những kịch bản na ná giống nhau, đã dẫn tới sự nhàm chán, đúng như lý giải của ông Nguyễn Hòa: “Vì hầu như lễ hội nào cũng lặp đi lặp lại màn trình diễn mở đầu bằng đội trống gõ thì thùm, dăm chục người vác lá cây cách điệu hoành tráng chạy đi chạy lại. Rồi đèn đuốc phập phừng, ánh sáng laser loang loáng, thêm mấy người đóng khố đội khăn cắm lông chim giả làm tổ tiên vác cờ chạy vòng tròn… Dù các chương trình như thế có trở nên nhàm chán, người ta vẫn không coi đó là điều phải e ngại, vẫn phát trên vô tuyến truyền hình đặng giúp đồng bào cả nước có cơ hội thưởng thức!”.

 

Bất kỳ lễ hội hay tín ngưỡng nào cũng đều có giá trị văn hóa và ý nghĩa tích cực riêng. Khi bị lạm dụng để trục lợi nó sẽ biến tướng thành hoạt động không lành mạnh. Và đây là lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc để điều chỉnh, triệt tiêu cái xấu. Còn việc tổ chức, quản lý trực tiếp những sinh hoạt lễ hội và tín ngưỡng truyền thống thì hãy để cho những chủ nhân đích thực của nó, tức nhân dân, bằng kinh nghiệm truyền đời hàng ngàn năm, tự đứng ra làm “chủ soái” mọi hoạt động văn hóa của mình.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tôi là người mơ mộng
Thứ Năm, 02/05/2013 14:30 CH
Rực rỡ “Tình yêu sông Hàn”
Thứ Năm, 02/05/2013 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek