Thứ Ba, 08/10/2024 03:25 SA
Nhà thơ Thanh Tùng:
Tôi là người mơ mộng
Thứ Năm, 02/05/2013 14:30 CH

Từng học tại những ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội, đỗ tú tài 1 rồi bước vào cuộc sống của công nhân suốt 40 năm, Thanh Tùng bảo rằng ông là nhà thơ quai búa. Viết rất nhiều thơ về công nhân và đoạt giải, song ông lại để đời bằng một bài thơ tình. Nhắc đến Thanh Tùng là nhắc đến Thời hoa đỏ đầy khát khao say đắm.

 

thanh-tung130502.jpg

Nhà thơ Thanh Tùng - Nguồn: VOV

* Ông từng nói: “Người Nam Định lãng mạn toàn phần”. Nghiệm lại những người Nam Định mà tôi đã gặp, từ những người sáng tác văn học nghệ thuật đến những người đi theo con đường khoa học tự nhiên, tôi thấy câu nói đó quả không sai. Theo ông, điều gì tạo nên chất lãng mạn cho người Nam Định?

 

- Điều này khó mà xác định rõ ràng, xác định nguyên nhân lại càng khó. Nam Định có thể nói là một vùng văn hóa. Dân Nam Định, theo tôi hiểu, là hiền lành, cũng giống như người Phú Yên, có xu hướng tư duy thiện, rất phù hợp với thơ.

 

* Mỗi khi nhắc đến thơ thì ông lại xúc động, như nhắc đến điều thiêng liêng. Ông lý giải như thế nào về việc có rất nhiều người làm thơ, mỗi năm số lượng thơ được xuất bản nhiều hơn so với văn xuôi, nhưng cũng dễ rơi vào quên lãng?

 

- Trước tiên thơ có sức quyến rũ. Thơ gọi phần thiện trong con người. Và tính thiện cũng phục vụ cho thơ. Trong cuộc sống với những khó khăn, nếu người nào vẫn giữ được phần thiện nhiều và kiên trì với thi ca thì sẽ làm thơ lâu hơn, và cũng có thể hay hơn, sâu sắc hơn.

 

Không phải tất cả những người làm thơ đều là nhà thơ cả. Những người về hưu, sau khi không bận rộn với công việc, có thời gian, nếu có chất thơ thì chất thơ kêu gọi và họ làm thơ.

 

* Đúng là những người làm thơ thì phải có tính thiện vượt trội. Song để tác phẩm đi vào lòng người và sống được thì người làm thơ phải được “trời” cho khả năng đó.

 

- Hai điều này có sự hỗ trợ nhau. Ví dụ khả năng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng của anh khá thì anh sẽ thành công với thơ. Nếu được trời phú cho khả năng làm thơ, những lúc mệt mỏi, chán nản hoặc khó khăn, nếu có thể dùng thơ để vượt lên thì sẽ thành công.

 

Ở Phú Yên, tôi có quen ông Lê Anh, chúng tôi gặp nhau lần này là lần thứ tư. Tôi thấy ông Lê Anh là người có đẫm tình cảm, còn khả năng ngôn ngữ thì vừa phải nhưng cũng đủ để làm những bài thơ như ông ấy đã làm. Ông ấy là người thiện, luôn nuôi được ham thích đối với thơ, suốt ngày chỉ nói về thơ.

 

* Một số người làm thơ quan niệm rằng thơ đi cùng với… rượu, nhà thơ phải uống rượu và có rượu mới làm thơ hay. Thật ra hai lĩnh vực này đâu liên quan gì đến nhau, ông nhỉ?

 

- Tôi nghĩ những người làm thơ muốn phát triển thì phải học, phải đọc, đừng lang thang với rượu. Rượu giúp cho thơ nhưng rượu cũng cản trở thơ. Uống rượu nhiều quá là mờ mịt, làm thơ lẩn quẩn. Thơ cần tư duy lý trí và tình cảm. Hai thứ đó dẫn dắt bài thơ từ đầu đến cuối.

 

* Là một nhà thơ quai búa, trải qua những năm vất vả của đời sống công nhân và nổi tiếng bởi Thời hoa đỏ, Hà Nội ngày trở về…, ông thấy “trời” cho mình nhiều hay ít?

 

- Không thể đong đếm được. Tôi có tới 40 năm làm công nhân, đặc biệt là trong chiến tranh chống Mỹ. Khi máy bay đến bắn phá, chúng tôi vác súng lên, xong thì làm việc để bù vào thời gian đã mất vì máy bay. Những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, tôi là người lao động chân tay, không có điều kiện để đọc sách. Tôi rất kém nếu so với mặt bằng thế giới.

 

Tôi đi đến đâu, nhiều người nghe bảo đây là tác giả của Thời hoa đỏ thì quý lắm, nhiều người ngắm tôi như ngắm cô gái đẹp (cười). Nhưng người ta vẫn nói tôi là nhà thơ của công nhân, tôi đã viết rất nhiều bài thơ về công nhân, về đời sống của công nhân.

 

* Ông vào TP Hồ Chí Minh sống đã lâu, liệu “chất Nam Định” có bị “chất Sài Gòn” hòa lẫn?

 

- Đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên cá tính của mình. Xu hướng của tôi là mơ mộng. Và với khối mơ mộng đó, tôi đi. Tôi có nền móng mơ mộng là Nam Định.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Nhà thơ Thanh Tùng sinh năm 1935, quê ở Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định). Ông vào TP Hồ Chí Minh sống từ năm 1994, đầu tiên là đi bán sách, sau đó làm việc ở tạp chí Tài Hoa Trẻ, Kiến Thức Gia Đình. Năm 1997, ông đại diện cho các nhà thơ Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với nhiều nhà thơ đến từ các nước. Năm 2001, ông xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên Thời hoa đỏ, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng sau đó một năm.

Hai bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thanh Tùng được phổ nhạc là Thời hoa đỏ (nhạc: Nguyễn Đình Bảng) và Hà Nội ngày trở về (nhạc: Phú Quang).

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek