Vẫn có hội viên liên tục đoạt huy chương ở các sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế, vẫn có hội viên đam mê tìm kiếm, giữ lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, nhưng nhiếp ảnh Phú Yên đứng ở đâu trong khu vực? Và làm thế nào để tạo “cú hích” ở lĩnh vực này? Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Phú Yên.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân. |
* Qua các triển lãm ảnh nghệ thuật giao lưu giữa Phú Yên với Bình Định, đặc biệt là triển lãm vừa rồi, anh cảm nhận như thế nào về lòng say nghề của những người cầm máy ở hai tỉnh?
- Từ hơn 10 năm nay, giới nhiếp ảnh hai tỉnh Phú Yên và Bình Định thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Do có nhiều điểm tương đồng như sống trên địa bàn gần nhau, có cùng xuất phát điểm là “vùng trắng” hội viên như nhau… nên giới nhiếp ảnh hai tỉnh khá “hợp” nhau. Đã có 3 cuộc triển lãm chung được Hội Văn học Nghệ thuật hai tỉnh tổ chức luân phiên tại TP Quy Nhơn và TP Tuy Hòa. Không biết có phải tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng” hay không, tôi vẫn cứ cảm thấy anh em Bình Định “máu lửa” hơn nhà mình. Đơn cử như việc họ đưa cả chi hội đi chụp và tặng 1.000 bức ảnh miễn phí cho trẻ em làng SOS, hoặc bán ảnh lấy tiền tặng những người chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Đó là nghĩa cử đẹp của những người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Họ chụp ảnh “cho không, biếu không” mà nhiệt tình, say mê như đang làm dịch vụ vậy.
* Nhiều năm tham gia vào ban giám khảo các cuộc thi nhiếp ảnh ở địa phương và cũng đã có mặt ở nhiều sân chơi ảnh nghệ thuật trong nước, theo anh, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của những người cầm máy ở Phú Yên?
- Nhiếp ảnh Phú Yên cần phải cố gắng nhiều để theo kịp bạn bè trong khu vực. Đó là nhận định không chỉ của riêng tôi. Nói nhiếp ảnh Phú Yên mạnh là không đúng, nhưng nói rằng yếu cũng chưa chính xác. Bởi mặt bằng trình độ kỹ thuật, nghệ thuật của anh em nhiếp ảnh Phú Yên không đều nhau. Có người chỉ trong năm 2012 đã “rinh” về 13 Huy chương vàng ở các cuộc thi ảnh quốc tế, nhưng cũng có người là hội viên nhưng 15 năm liên tục không hề có một tác phẩm gởi đến dự thi cấp tỉnh! Giới nhiếp ảnh cả nước quan tâm đến Phú Yên và lấy làm ngạc nhiên sao Phú Yên có nhiều thứ để chụp quá. Họ đã tìm đến đây và một số người gặt hái được nhiều thành công. Vậy nhưng người trong nhà lại cứ than phiền “chả có gì để chụp”!
“Buổi sáng trên sông” - một trong những tác phẩm đoạt HCV ở sân chơi quốc tế của NSNA Lê Châu Đạo
* Liệu có cú hích nào có thể tạo bước đột phá cho ảnh nghệ thuật của Phú Yên, thưa anh?
- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều “cú hích” nhưng kết quả vẫn chưa cao, và hiệu quả thường cứ “rơi” vào một số anh em có bề dày kinh nghiệm. Đã có những cuộc đi sáng tác tập thể một vòng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hoặc đi nhiều nơi trong tỉnh để anh em có cảm hứng sáng tác, đã có nhiều năm “đánh trống ghi tên” chia đều những đồng tiền tài trợ ít ỏi để giúp anh em có điều kiện cải tiến kỹ thuật chụp ảnh, đã từng mời những nhiếp ảnh gia bậc thầy về Phú Yên hướng dẫn kỹ thuật… nhưng đâu vẫn vào đấy. Việc sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực VHNT đòi hỏi phải có hứng thú và kỹ năng, không thể cho anh em mặc đồng phục rồi dàn hàng ngang bảo tiến lên được. Nhiều người đã mất hứng thú do không theo kịp tiến bộ của kỹ thuật. Trong thời đại công nghệ số đang làm chủ như hiện nay, việc quay lưng với kỹ thuật, nhất là kỹ thuật xử lý ảnh, là tự chấp nhận tụt hậu.
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)