Dân ca nguyên thể của các dân tộc bao giờ cũng kén người nghe, ngay cả với những người luôn say đắm các ca khúc lấy dân ca làm chất liệu. Đứng ở một góc riêng, đôi khi tách biệt với đời sống âm nhạc sôi động, dân ca cũng như dân nhạc, dân vũ mang đậm bản sắc của các dân tộc anh em rất cần được phát hiện, gìn giữ cho đời sau. Liên hoan Dân ca Việt Nam - ngày hội của những người yêu dân ca trong cả nước, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức hai năm một lần, hướng đến mục đích đó.
Tiết mục “Khóc trâu” của đoàn Quảng Nam - Ảnh: Y.LAN
Không ồn ào náo nhiệt, Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ 5/2013 diễn ra ở 6 khu vực trước khi các nghệ nhân với những tiết mục xuất sắc hội ngộ tại Hà Nội, tham gia Liên hoan Dân ca toàn quốc được tổ chức vào tháng 4 tới.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, Liên hoan Dân ca do VTV Phú Yên tổ chức, diễn ra từ ngày 14-16/3. Bảy đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và chủ nhà Phú Yên vừa có một đêm khó quên ở Nhà hát Sao Mai (Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo, TP Tuy Hòa), nơi họ say sưa trình diễn những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc nguyên thể, qua đó “khoe” với khán giả những sắc màu văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đó là những câu hát, điệu nhạc, điệu múa tượng hình từ đời sống, qua bao thế hệ vẫn gắn bó với cuộc mưu sinh của đồng bào, với những lễ hội mang đậm bản sắc các dân tộc ở vùng đất Nam Trung Bộ…
Từ thành phố năng động nhất miền Trung, các nghệ nhân Đà Nẵng mang đến Phú Yên hai tiết mục: Lý con ngựa kim (dân ca khu V) và Ru con (dân ca Cơtu). Từ một trong những chiếc nôi của các làn điệu dân ca, đoàn Quảng Nam tham gia với hai tiết mục dân ca Cơtu Khóc trâu và Hát bắt cá. Từ quê hương núi Ấn sông Trà, đoàn Quảng Ngãi góp thêm sắc màu cho liên hoan bằng tiết mục Gọi hồn chiêng - điệu hát cúng dân gian H’rê và hòa tấu nhạc cụ dân tộc H’rê. Từ đất võ, các nghệ nhân Bình Định mang đến liên hoan hai tiết mục dân ca của người Bana: Khóc trâu và Hai cô gái Bana; đoàn nghệ nhân Phú Yên hát Hò tát nước, hò giã vôi (dân ca khu V) và Trao duyên (dân ca Bana); đoàn Ninh Thuận hòa tấu nhạc cụ cổ truyền Raglai Nhạc hội Mã La và hát lễ; đoàn Bình Thuận tham gia ba tiết mục: Hát ca ngợi Pô Rag, Giao duyên đối đáp và hòa tấu nhạc cụ truyền thống Chăm.
Không có những tràng pháo tay vang dội khán phòng, cũng không có tiếng hò hét phấn khích, chỉ có sự tán thưởng nhẹ nhàng cho những điều giản dị mà gây ngạc nhiên, cho tâm huyết của các nghệ nhân đối với vốn quý của dân tộc. Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, người thường khai thác chất liệu dân ca để đưa vào các ca khúc của mình, chia sẻ: “Tôi nói với giáo sư - tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, một trong những người sáng lập Liên hoan Dân ca Việt Nam, rằng đây là một việc làm cần thiết. Có thể khán giả thấy khó nghe dân ca nguyên thể vì nó lạ, nhưng nó rất đáng trân trọng và rất cần được gìn giữ. Nếu không thì dân ca sẽ dần dần mai một”. Anh Đinh Công Thạch Khắc Toàn, một chiến sĩ trẻ đến từ Tiểu đoàn Bộ binh 85, nói: “Tôi thấy tiết mục của các đoàn rất lạ. Theo tôi, cần phải gìn giữ dân ca, vì đó là một phần của nét đẹp văn hóa các dân tộc”. Anh Trần Biết, cũng đến từ Tiểu đoàn Bộ binh 85, chia sẻ: “Trước giờ tôi chưa từng nghe những bài dân ca lạ như thế này”.
Khép lại Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ 5/2013 khu vực Nam Trung Bộ, các tiết mục xuất sắc đã được chọn để tham gia Liên hoan Dân ca toàn quốc. Từ ruộng đồng, nương rẫy, những nghệ nhân sẽ bước lên sân khấu thủ đô, hát những bài hát đã chia sẻ buồn vui với ông bà, cha mẹ họ…
YÊN LAN