Sau ba ngày mưa gió ủ ê, sáng rằm tháng Giêng, như thể thấy rằng không nên thử thách những người yêu thơ thêm nữa, trời vén mây, mưa tạnh. Thế nhưng, để cho an toàn, Ban Tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 33 vẫn dự tính đưa đêm thơ Nguyên tiêu vào Nhà văn hóa Diên Hồng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo người dân xem triển lãm tranh - Ảnh: D.T.XUÂN
Đến đầu giờ chiều, đắn đo cân nhắc mãi, lại nghe ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự: “Mỗi năm chỉ có một lần, đêm thơ Nguyên tiêu gắn liền với núi Nhạn”, Ban Tổ chức quyết định đưa lễ khai mạc hội thơ và đêm thơ truyền thống về lại sân Tháp Nhạn - nơi đã chứng kiến biết bao đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra trong sự háo hức của những người yêu thơ.
Và đêm rằm tháng Giêng, già trẻ gái trai lại bước lên những bậc đá rêu phong, lại thả bộ trên con đường quanh co dẫn lên đỉnh núi giữa lòng thành phố để đến với thơ, để nghe tiếng trống khai hội vang lên và xúc động đắm mình trong bài thơ Thần hào sảng:
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”
Núi Nhạn rào rạt gió, trăng ẩn hiện trong mây. Không gian rất đỗi quen thuộc, rất đỗi thân thương nơi những vần thơ được cất lên mỗi độ rằm tháng Giêng, nơi những tâm hồn đồng điệu gặp nhau và thắp lửa cho đêm thơ truyền thống sáng mãi, thắp lửa cho Ngày thơ Việt Nam ra đời.
“Vầng trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn, Tuy Hòa
Như không có nơi nào Đẹp và Thơ hơn thế!
Trăng ngự trên đỉnh trời ngời ngời sáng tỏ
Tháp cổ lung linh ánh điện, lời thơ
Sông Đà Rằng lấp lánh trong mơ
Nghìn gương mặt sáng niềm vui rạng rỡ
Đêm thơ Nguyên tiêu trăm miền, trăm vẻ
Không đâu như ở đây, nơi phát tích cội nguồn…”
(Trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn)
Tác giả đoạn thơ trên, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng, đã từ Nha Trang (Khánh Hòa) về với Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên, như bao năm qua ông vẫn giữ lời hẹn với người yêu thơ ở đất này, giữ lời hẹn với trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn.
Bên cạnh nhà thơ Nguyễn Gia Nùng, từ Khánh Hòa về Phú Yên tham dự hội thơ còn có nhà thơ Lê Khánh Mai, một cây bút nữ cũng rất nặng tình với đất Phú. Chị mang đến đêm Nguyên tiêu bài thơ Tôi sinh ra từ bùn:
“Không kịp trở về nhà, sau buổi cấy,
Mẹ sinh tôi trên cánh đồng chiêm
Bùn đón tôi bằng bàn tay bà đỡ dịu hiền
Bùn tắm gội tôi sóng sánh
Trong tiếng khóc đầu tiên
Tôi đã nếm vị bùn chát nặm
Như nhánh mạ non
Mẹ gieo xuống ruộng lầy
Chắt chiu từng hạt bùn màu mỡ
Nuôi tôi thành cây lúa trĩu bông…”
Từ Quảng Ninh, nhà thơ Mai Phương náo nức trở về quê hương. Ông tâm sự rằng dẫu có về thăm quê nhưng 56 năm qua, ông chưa từng đón tết ở quê. Lần đầu tiên tham dự Hội thơ Nguyên tiêu trên quê hương mình, nhà thơ 80 tuổi này rất hồi hộp, xúc động. Bài thơ mà ông góp vào hội thơ cũng rất xúc động, viết về sự giản dị của Bác Hồ: Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi.
Một tác giả đọc thơ trong Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên lần thứ 33 - Ảnh: Y.LAN
Các cây bút quen thuộc với người yêu thơ ở Phú Yên: Lê Khánh Nam, Thu Hồng, Lê Đình Hòa, Phan Kim Việt, Huỳnh Bích Hợp… đã mang đến đêm thơ những xúc cảm về quê hương, về mẹ, về mùa xuân, tình yêu, được thể hiện qua những vần thơ mộc mạc. Trẻ nhất trong các tác giả hội ngộ trên núi Nhạn đêm rằm tháng Giêng là Cao Vĩ Nhánh, đến từ huyện Phú Hòa. Và đây là cảm nhận của Cao Vĩ Nhánh về mùa xuân:
“Xôn xao chùm lá biếc
Mùa xuân khe khẽ về
Tiếng hát nào tha thiết
Cả đất trời ngẩn ngơ
Xuân về trên mái tóc
Sao mai vàng trong tim
Xuân về trên gót nhỏ
Sao làm lối cỏ thơm?...”
(Ngẫu khúc xuân)
Bên cạnh các bạn thơ đến từ Bình Định, Khánh Hòa, “bữa tiệc thơ” trên núi Nhạn còn có sự tham gia của các văn nghệ sĩ Hàn Quốc. Với bài thơ Tình yêu của thủy triều lên (tác giả: Kim Yeong Beom, do Yu Joeng Hwan đọc), ca khúc Đêm Tuy Hòa (thơ: Huỳnh Duy Hiếu, nhạc: Kim Kang Kon), ca khúc Sợi dây leo do Ngọc Quang phỏng ý từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Do Jong Hwan và dùng giai điệu chắp cánh, do ca sĩ Gwon Taek Jung thể hiện bằng tiếng Việt cùng các hội viên Chi hội Âm nhạc đã góp phần làm cho hội thơ thêm phong phú.
Trăng lên cao, tiếng sáo tiếng đàn và giọng ngâm lắng xuống, nhường chỗ cho những dư âm thơ như sóng gợn trong lòng. Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên lần thứ 33 khép lại trong lưu luyến.
Khai mạc triển lãm tranh “Sắc xuân” Trong khuôn khổ Hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 33, tối qua (25/2), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên khai mạc triển lãm tranh “Sắc xuân” của họa sĩ Đặng Ngọc Trân tại trụ sở hội (15 Độc Lập, TP Tuy Hòa). “Sắc xuân” giới thiệu với công chúng yêu hội họa hơn 50 bức tranh sơn dầu và tranh bút bi của họa sĩ Đặng Ngọc Trân, một người con của quê hương Tuy An đang sống tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Họa sĩ Đặng Ngọc Trân sinh năm 1928, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1961. Ông nổi tiếng với những bức tranh bút bi và có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật. Chung kết, trao giải cuộc thi “Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật” 5 người đẹp vào chung kết cuộc thi “Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật” năm 2013 đã trình diễn thơ trong đêm 16 tháng Giêng, tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Kết quả: thí sinh Lê Ngọc Mỹ Duyên đoạt giải Người đẹp Nguyên tiêu; người chụp ảnh Đỗ Thị Minh Giang. Năm người đẹp vào vòng chung kết cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh - Ảnh: D.T.XUÂN Cuộc thi “Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật” năm nay thu hút hơn 80 tác phẩm của 15 tác giả. Bên cạnh giải Người đẹp Nguyên tiêu, Ban Tổ chức còn trao 5 giải phụ: Người đẹp duyên dáng nhất, Người đẹp ăn ảnh nhất, Người đẹp trình diễn thơ hay nhất, Người đẹp có trang phục đẹp nhất và Người đẹp được khán giả yêu thích nhất. Đêm thơ - nhạc “Tuổi trẻ với Tổ quốc” Sau đêm thơ Nguyên tiêu với chủ đề “Hương sắc Phú Yên”, đêm thơ - nhạc “Tuổi trẻ với Tổ quốc” được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tại trụ sở hội vào tối 16 tháng Giêng. Có 15 tác phẩm được trình bày trong chương trình gồm 10 tác phẩm thơ và 5 ca khúc, trong đó bài thơ Đất nước (trích từ trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), các ca khúc hay về biển đảo: Tổ quốc nhìn từ biển (thơ: Nguyễn Việt Chiến, nhạc: Quỳnh Hợp), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn), Lính đảo đợi mưa (Quỳnh Hợp), Hướng ra biển Đông (Tấn Phát) và những sáng tác về đất nước, về biển đảo của các cây bút người Phú Yên: Khát vọng Việt Nam (Bùi Văn Thành), Tiếng vọng Lý Sơn (Thu Hồng), Đêm trên đảo tiền tiêu (Nguyễn Tường Văn), Tổ quốc (Nguyễn Ngọc Phú), Gởi người lính đảo yêu thương (Phạm Ngọc Sơn)… Đêm thơ - nhạc này có sự tham gia của các văn nghệ sĩ Hàn Quốc với bài thơ Thu lá đỏ (Ruy Jeong Hwan) và Bài ca chèo thuyền (dân ca Hàn Quốc, do Gwon Taek Jung thể hiện). Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 33 khép lại trong giai điệu hào sảng của bài hát Tổ quốc nhìn từ biển, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo máu thịt thiêng liêng. |
YÊN LAN