Là người con của vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa Tuy An, Đặng Ngọc Trân vốn mang trong mình năng khiếu nghệ thuật của các bậc tiền nhân, nên từ năm 1957 ông vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Sau khi ra trường, người họa sĩ trẻ được bổ nhiệm làm giảng viên mỹ thuật tại các trường Trung học và Sư phạm ở Vĩnh Long và Lâm Đồng. Cuối cùng thành phố cao nguyên mộng mơ Đà Lạt đã níu chân kẻ lãng du vốn có duyên với phong cảnh và hoa lá, dừng chân lập nghiệp cho đến ngày hôm nay.
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân đang vẽ tranh- Ảnh: P.TRÀ
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân sinh năm 1928, tại thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, Tuy An. Hơn 50 năm xa nhà, ông đã nhiều lần trở về quê cũ thâm nhập thực tế sáng tác. Những chuyến đi ngắn ngủi giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, theo lời của họa sĩ, không tạo được dấu mốc đáng kể trong sáng tác, nhưng nó đã truyền cảm hứng và tình yêu quê hương cho mỗi tác phẩm sau này của nghệ sĩ.
Nhắc đến họa sĩ Đặng Ngọc Trân, người am hiểu mỹ thuật đều biết, ông là tác giả của một phong cách sáng tạo độc đáo: tranh bút bi. Chỉ bằng chất liệu đơn giản, hai màu đen trắng, nhưng với bàn tay điêu luyện, đường nét sắc sảo, ánh sáng tinh tế và tình yêu chân thành đối với thiên nhiên hoa lá, người nghệ sĩ đã thổi hồn vào từng lá cây, ngọn cỏ, cảnh vật, làm cho chúng như thấm đẫm sắc màu và lung linh sống động. Chương trình “Khám Phá” của VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đã dành hẳn một phóng sự giới thiệu về tranh bút bi của ông. Ngoài chất liệu bút bi ra, họa sĩ Đặng Ngọc Trân còn sáng tác bằng sơn dầu, acrylic, ngoài tranh phong cảnh, ông còn vẽ tranh tĩnh vật, hoa lá, chân dung và tranh bố cục. Với chất liệu nào, thể loại nào, họa sĩ cũng để lại những tác phẩm độc đáo. Về chặng đường sáng tạo của mình, họa sĩ tự nhận là người “tham lam”, vì ngoài sáng tác tranh tượng ra, ông còn viết bài cho các báo và tạp chí mỹ thuật, xuất bản hàng chục đầu sách nghiên cứu mỹ thuật và sách dịch giáo trình mỹ thuật của nước ngoài.
Những năm gần đây, ở vào cái tuổi trên tám mươi, người họa sĩ độc đáo và thích tìm tòi sáng tạo này vẫn chưa hài lòng với những gì đã đạt được, ông lại làm cho những người yêu thích mỹ thuật phải ngạc nhiên một lần nữa với trường phái sáng tác mới do chính ông khám phá và đặt tên, đó là “Hiện thực liên tưởng” (Realistic Association). Bản chất của thủ pháp này, theo lời của chính họa sĩ, có thể tóm tắt như sau: HIỆN THỰC → LIÊN TƯỞNG SIÊU THỰC → HIỆN THỰC. Có nghĩa là, từ những chi tiết hiện thực của cuộc sống hàng ngày, tác phẩm dẫn dắt người xem liên tưởng đến những vấn đề trừu tượng, siêu thực rồi trở về với hiện thực của cuộc sống.
Được sự hỗ trợ của Hội VHNT Phú Yên, họa sĩ Đặng Ngọc Trân giới thiệu một bộ tranh phản ánh chặng đường sáng tác của ông với các chất liệu, thể loại và phong cách khác nhau tại thành phố Tuy Hòa như một sự báo hiếu cho quê hương nhân dịp năm mới Quý Tỵ 2013.
ĐÀO MINH HIỆP