Chủ Nhật, 13/10/2024 03:18 SA
Thăm Chùa Cầu ở phố Hội
Chủ Nhật, 14/10/2012 16:00 CH

Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) yên ả và trầm mặc. Vào ban đêm, sự trầm mặc, cổ kính trở nên lung linh hơn trong ánh sáng vàng nhẹ nhàng tỏa ra từ những chiếc đèn lồng… Nghỉ chân trên Chùa Cầu, du khách có thể nhìn xung quanh và cảm nhận phố cổ vào đêm thật lãng mạn.

hoi-an1121015.jpg

Chùa Cầu ở Hội An lung linh trong đêm đèn lồng - Ảnh: T.QUỚI

Chùa Cầu (còn gọi là Lai Viễn Kiều) là một trong những kiến trúc và không gian đặc trưng nhất của phố cổ Hội An. Nó đặc biệt ngay từ tên gọi “Chùa Cầu” vì vừa là chùa thờ cúng vừa là công trình kiến trúc có công năng như một chiếc cầu. Chùa Cầu nằm vắt ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ, được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 (người dân địa phương thường gọi là cầu Nhật Bản). Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xem như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu nên từ đó người dân địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy Chùa Cầu đặc biệt, do người Nhật làm nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn Kiều với ý nghĩa “bạn phương xa đến”, vừa có ý nghĩa là nơi dừng chân của những người phương xa khi đến đây. Chùa Cầu còn đặc biệt ở chỗ, chùa không thờ phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người.

Qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc Chùa Cầu có những thay đổi về kiến trúc và mang đậm nét hồn Việt hơn. Chùa Cầu có mái che được lợp bằng ngói âm dương, ở giữa là lối qua lại, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi dừng chân, nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ nhiều họa tiết rất công phu, hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Gần Chùa Cầu là Hội quán Phúc Kiến thờ Lục Tánh (6 vị tiền hiền), Hội quán khác của người Hoa, như Hội quán Triều Châu, Hội quán Quảng Đông và các ngôi chùa mang đậm dấu ấn tín ngưỡng người Hoa. Ba ngôi nhà cổ đặc trưng là nhà cổ Quân Thắng, Phùng Hưng và Tấn Ký là những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Hội An. Nơi đây, mọi thứ từ kiến trúc cho đến các vật gia dụng (trở thành gia bảo) được giữ nguyên vẹn để giới thiệu đến du khách...

Ban đêm, đứng nghỉ chân, hóng mát trên Chùa Cầu, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa xa khúc sông chảy trong lòng thành phố và những dãy phố cổ trên con đường nhỏ cong cong dẫn lối. Chùa Cầu là một phần kiến trúc không thể tách rời và là biểu tượng của phố cổ Hội An. Có thơ về Chùa Cầu rằng: Ai đi phố Hội Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu...

QUỲNH MAI 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xem Lấy chồng người ta
Thứ Bảy, 13/10/2012 16:00 CH
Mùa cá đồng
Thứ Bảy, 13/10/2012 08:30 SA
Sức hút của Gangnam Style
Thứ Năm, 11/10/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek