Như một lời hẹn, ba năm qua, mỗi khi những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc náo nức mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với sự tham gia của đông đảo nhạc sĩ, nghệ sĩ ở các tỉnh lân cận.
Hai giọng ca Bạch Lan, Thanh Hải và tốp múa thể hiện ca khúc “Ai dìa xứ Nẫu” - Ảnh: H.CHƯƠNG
Tối hôm ấy, dù trời lất phất mưa song đông đảo hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và những người yêu nhạc ở TP Tuy Hòa đã đến nhà hàng Bán Đảo Ngọc, tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật có sự tham gia của chi hội Âm nhạc, chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại các tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) và Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Từ Hà Nội, Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Trọng Đài, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã về Phú Yên tham dự chương trình.
Sau tiết mục hát múa mở màn Câu hò làng biển (sáng tác: Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, phối khí Xuân Huy) do tốp nam nữ Chi hội Âm nhạc và Chi hội Múa Phú Yên thể hiện, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên phát biểu chào mừng anh em nhạc sĩ, nghệ sĩ từ các tỉnh bạn đã hội ngộ tại thành phố biển Tuy Hòa, đúng vào dịp cả nước tôn vinh nền âm nhạc cùng những người đã và đang cống hiến cho âm nhạc.
Và rồi giọng hát của Quỳnh Như, Khánh Trang, Mỹ Như và Thanh Vân cất lên. Ca khúc Thạch Bi Sơn đưa người nghe trở về thời mở đất, với những cuộc chia tay ra đi theo lời non nước… Với âm hưởng ca trù, Thạch Bi Sơn - sáng tác mới của nhạc sĩ Ngọc Quang và Văn Quốc vừa dữ dội vừa khắc khoải, mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc.
Hơn 10 ca khúc được biểu diễn trong chương trình giao lưu nghệ thuật không chỉ khơi dòng cảm xúc bất tận về quê hương đất nước, về Bác Hồ kính yêu mà còn đưa khán giả đi từ vùng đất này đến vùng đất khác trên dải đất Nam Trung Bộ thân thương, từ Phú Yên rì rào tiếng biển với nhịp sống rộn rã ở các làng chài đến xứ Nẫu Bình Định với bao sản vật nổi tiếng cùng những cái tên đã thành nỗi nhớ, từ Tây Nguyên bạt ngàn đất đỏ, bạt ngàn gió trong Tiếng đàn Đinh Goong đến lăng Bác kính yêu… Khán giả cảm thấy ấm áp, thân thương khi nghe hai giọng ca Bạch Lan và Thanh Hải (Chi hội Âm nhạc Bình Định) hát Ai dìa xứ Nẫu (sáng tác: Đào Minh Tâm), rạo rực cùng Y B’Lin và H’Uyên Niê (Chi hội Âm nhạc Gia Lai) Tìm về đêm hội làng (thơ: Phạm Đức Long, nhạc: Ngọc Tường), xúc cảm khi nghe Mỹ Phụng (Chi hội Âm nhạc Bình Định) hát Gửi biển lời ru (thơ: Nguyễn Anh Hộ, nhạc: Thế Tuyên), lòng chênh chao khi nghe Lim Ka (Chi hội Âm nhạc Phú Yên) hát Trăng khuyết do chính anh sáng tác, lạc quan khi Mỹ Như (Chi hội Âm nhạc Phú Yên) Hát lời yêu thương... Đặc biệt, với Đoản khúc dân chài - sáng tác của Tấn Phát (Chi hội Âm nhạc Phú Yên), giọng hát khắc khoải và vô cùng biểu cảm của Thanh Vân (Chi hội Âm nhạc Phú Yên) đã làm những ai có mặt tại khán phòng Bán Đảo Ngọc lặng đi trước bao nỗi niềm chất chứa, trước những thổn thức đợi chờ và khát khao hạnh phúc của những người đàn bà xứ biển. Đoản khúc dân chài là tiết mục đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 vừa diễn ra ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Lên sân khấu giao lưu với anh em nhạc sĩ, văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Ngọc Tường, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) thổ lộ rằng ông đến với Tuy Hòa (Phú Yên) hơi muộn song đã cảm nhận nhiều điều thú vị trên mảnh đất này. Còn nhạc sĩ Đào Minh Tâm ở Bình Định bày tỏ tình cảm của mình với xứ Nẫu, không chỉ trong ca khúc mà còn trong những lời bộc bạch giản dị, chân tình.
Đây là lần thứ ba Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, không chỉ tôn vinh âm nhạc mà còn thể hiện tình anh em gắn bó với các hội Văn học Nghệ thuật, các chi hội ở các tỉnh trong khu vực. Đêm giao lưu nghệ thuật ấm áp tình cảm bởi những lời ca điệu nhạc, bởi tấm lòng của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dành cho nhau.
NAM PHƯƠNG