“Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp trong văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Đây là câu hỏi nghị luận xã hội trong đề Văn khối D của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012. Từ đề Văn này, dư luận xôn xao vấn đề “thần tượng”.
Một bạn trẻ chụp hình lưu niệm với Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: T.DIỆU
Từ điển Tiếng Việt năm 2011 do Nguyễn Như Ý chủ biên giải thích: “Thần tượng là hình một đấng thiêng liêng được tôn sùng, đề cao”. Thần tượng được sử dụng như danh từ và như động từ. Như vậy, thần tượng có thể xem là hình mẫu lý tưởng mà con người tôn sùng, đề cao. Ngưỡng mộ thần tượng tức là thái độ, hành vi coi trọng hình mẫu lý tưởng mà mình theo đuổi. Đó là biểu hiện tốt vì sự hoàn hảo, cái đẹp luôn có sức cuốn hút và đi theo điều tốt đẹp sẽ tạo nên một làn sóng văn hóa tích cực. Không có gì hay bằng việc chọn cho mình một thần tượng để học theo những tấm gương tốt, những người đạt thành tựu xuất sắc trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội…
Tuy nhiên hiện nay, công chúng, đặc biệt là giới trẻ, khi nói đến thần tượng thì ai cũng nghĩ đó là các ngôi sao ca nhạc, các diễn viên điện ảnh, các MC (người dẫn chương trình)... trong giới showbiz.
Bạn Lê Thị Mỹ Lụa (SN 1992) ở huyện Tây Hòa nói: “Thần tượng của tôi là ca sĩ Hồ Ngọc Hà vì chị có giọng hát hay, ngoại hình đẹp và có gu thời trang. Tôi học được ở chị sự tự tin khi đứng trước đám đông”. “Biên tập viên Lê Quang Minh ở Đài Truyền hình Việt Nam là thần tượng của tôi vì anh ấy là biên tập viên xuất sắc”, bạn Ngô Thị Thu Hảo, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, bày tỏ. Còn bạn Lương Thị Kim Thuy ở huyện Tây Hòa cho biết: “Tôi có thần tượng ca sĩ Sunny, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc SNSD vì chị hát hay, biểu diễn có phong cách, vui tính. Nhưng trên hết, tôi yêu quý chị ở sự cởi mở và nhiệt huyết với nghề”.
Việc đa số các bạn trẻ ngưỡng mộ những ngôi sao trong lĩnh vực biểu diễn cũng không có gì là sai. Tuy nhiên, nếu tất cả thần tượng của giới trẻ đều thuộc giới showbiz, không ai thần tượng các nhà nghiên cứu khoa học, toán học, bác sĩ, thầy giáo hay một người lao động cần cù có nhiều đóng góp cho địa phương, một người mẹ cả đời hy sinh vì con, một em bé hy sinh để cứu bạn… thì cả xã hội phải xem lại. Nhất là khi có hiện tượng tôn thờ thần tượng đến mức mù quáng, điên cuồng như… lao vào thần tượng rứt tóc, giật áo để có một món đồ gì đó của thần tượng, quỳ lạy, hôn chỗ ngồi của thần tượng thì có nghĩa là con người đã đánh mất lòng tự trọng và chưa hiểu thần tượng là gì. Nhìn ở bình diện tâm lý và sức khỏe xã hội, cũng có thể coi đó là “bệnh”, bởi nó cho thấy người tôn thờ thần tượng một cách mù quáng đó yếu kém, thiếu bản lĩnh.
Sự phát triển của công nghệ truyền thông, tác dụng của quảng cáo… là lý do để “bệnh thần tượng” lây lan. Tuy nhiên, như đã nói, nếu chỉ dừng lại ở việc tôn thờ thần tượng, học theo điều tốt điều hay ở thần tượng thì đó là hành vi văn hóa. Bạn Lê Thị Mỹ Lụa tâm sự: “Tôi muốn có tiền để mua vé xem Hồ Ngọc Hà biểu diễn và sở hữu một vài món đồ mà chị ấy từng dùng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được thì cũng chẳng sao”. Bạn Hảo nói: “Tôi thấy nhiều bạn trẻ chọn cho mình thần tượng nhưng vẫn rất ổn về cuộc sống. Không nên coi việc thần tượng một ai đó là vấn đề đáng báo động, ghê gớm”.
Thời gian gần đây, truyền thông đại chúng đã nhìn văn hóa thần tượng sai lệch, tức chỉ nhấn mạnh ở mặt tiêu cực mà chưa tìm ra những nét đáng yêu, tích cực của nó trong đời sống. Những tấm gương sáng trong học tập, lao động, những việc làm tốt trong đời sống thường nhật cần được báo chí biểu dương nhiều hơn.
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, cho biết: “Những bài báo trong thời gian qua quá tập trung nói về hiện tượng mê muội ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc. Việc
mê muội đến mức sẵn sàng giết người vì thần tượng chỉ là một bộ phận nhỏ. Tôi tin những người trẻ có học, có hiểu biết không ứng xử như vậy, tôi cũng tin nhiều người trẻ ý thức được giá trị con người là ở đâu và không chỉ giới nghệ sĩ mới đáng ngưỡng mộ mà còn rất nhiều gương sáng trong học tập, khoa học, trong cuộc sống đời thường đáng để noi theo. Chúng ta không nên chỉ trích hay phê phán một chiều vì cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Chúng ta cũng không nên so sánh văn hóa dân tộc này với văn hóa dân tộc kia theo kiểu hơn thua, mà nên học tập Hàn Quốc ở cách họ giới thiệu, quảng bá văn hóa Hàn đến với công chúng”.
“Cuộc sống vẫn hay bị cuốn theo các dòng chảy mạnh, quan trọng là biết bơi về hướng nào cho đúng. Kỳ thi vừa rồi, qua chấm bài, chúng tôi cũng thấy các em học sinh hầu như tập trung phê phán các biểu hiện mê muội thần tượng mà ít biết phân tích kỹ hai mặt đúng sai của vấn đề. Tôi tin rằng học sinh đọc sách nhiều, hiểu biết nhiều và được trang bị kỹ năng sống tốt thì sẽ hạn chế được các hành động sai lầm”, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ thêm.
Thực tế cho thấy, khi chúng ta thần tượng một ai đó, quyết tâm noi theo họ thì chúng ta có nhiều động lực phấn đấu hơn, có nhiều đam mê trong cuộc sống hơn. Đối với những người trẻ, điều này vô cùng quan trọng vì sẽ giúp họ giải phóng được tất cả năng lực của bản thân, xác định được mục tiêu rõ ràng hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Nhưng nếu bạn chỉ theo đuổi một giá trị ảo, mê một ai đó chỉ vì vẻ phù phiếm bề ngoài hay a dua theo bạn bè để ra vẻ sành điệu thì bạn đã đánh mất bản thân mình. Cuộc sống mỗi ngày đều mở ra nhiều điều mới và giá trị của việc ngưỡng mộ thần tượng là sự học tập không ngừng để hiểu về mình và để mỗi ngày mỗi hiểu biết hơn, tốt đẹp hơn.
TUYẾT DIỆU