Hơn 40 năm kể từ khi nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống bên dòng sông Đắk Ta (Quảng Nam) và 25 năm sau ngày nhạc sĩ Nhật Lai qua đời, lần đầu tiên, Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức một cách trang trọng và đầy xúc động tại TP Tuy Hòa, tôn vinh tài năng cùng những đóng góp to lớn của tác giả Cuộc chia ly màu đỏ, Hà Tây quê lụa...
Tốp nữ Chi hội Âm nhạc hát bài Căm thù thằng Tây cướp mùa lúa đen của nhạc sĩ Nhật Lai - Ảnh: M.NGUYỆT
NGUYỄN MỸ: KHÔNG CHỈ CÓ CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ
Tiếng đàn đá vang lên trước Bảo tàng Phú Yên - nơi diễn ra Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai. Âm thanh độc đáo của đàn đá Tuy An gợi nhắc người xem về một vùng đất có chiều sâu văn hóa, có những địa danh gắn liền với lịch sử hình thành tỉnh Phú Yên. Tuy An, đó cũng là nơi nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ cất tiếng khóc chào đời.
“Núi Ông lom khom, núi Bà đội nón
Hòn Chiêng hòn Trống sớm chiều ngân nga
Ôi Tuy An, núi với người chen chúc
Nhộn nhịp sắc màu mảnh đất vang ca…
Đất vui quá! Đến sông còn bịn rịn
Sắp tới biển rồi còn mở tay ôm…
Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp
Sò huyết sinh trong đáy giấc mơ xanh
Hãy nhớ về đầm Ô Loan bạn nhé!
Trời, đất tinh trong cho bạn thấy trái tim mình…”
(Tuy An - Nguyễn Mỹ)
Bằng sự chắt lọc của ngôn ngữ thơ, bằng tình yêu sâu nặng đối với nơi chôn nhau cắt rốn, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết những câu thơ mộc mạc như đất và người Tuy An song vẫn đầy thi ảnh, đầy cảm xúc. Trong Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai, bài thơ Tuy An được giới thiệu đến công chúng với hai “sắc màu” khác nhau, qua giọng ngâm Bích Trâm và qua tiếng hát Bích Ly. Mấy ngày trước đó, với sự ngưỡng mộ, yêu mến nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang đã phổ nhạc bài thơ Tuy An chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ!
Trong thơ Nguyễn Mỹ, quê hương hiện lên rất đỗi thân thương, cuộc kháng chiến của quân và dân ta hiện lên đầy gian nan, khốc liệt song cũng đầy tự hào. Còn tình yêu hiện lên rất nhẹ nhàng, đằm thắm và đầy màu sắc. Thạc sĩ Bùi Văn Thành, một người con của Tuy An, từng làm luận văn tốt nghiệp cao học với đề tài Thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Mỹ, đã chia sẻ cùng khán giả cảm nhận của anh về chất trữ tình và những sắc màu trong thơ Nguyễn Mỹ.
Trong bài Nguyễn Mỹ - đôi nét thơ và đời, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Độc giả biết đến Nguyễn Mỹ từ bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ in lần đầu trên báo Văn nghệ năm 1964 và được tập hợp trong tập Sức mới năm 1965. Nếu so với Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Viếng bạn của Hoàng Lộc vốn được coi như thành tựu của lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Pháp, Cuộc chia ly màu đỏ đã có cái giọng riêng khác biệt nhiều. Nó bẻ gãy lớp lang tự sự vốn là cách viết quen thuộc của nền thơ lúc ấy để đan vào, để tô đậm những nét trữ tình lãng mạn… Nhiều bài thơ chung đề tài với Cuộc chia ly màu đỏ giờ đây đã yên giấc ngàn thu sau khi làm xong nhiệm vụ cổ động vinh quang của nó, Cuộc chia ly màu đỏ thì vẫn sống, vẫn “trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người”… Trong Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai, bài thơ ghi dấu một đời thơ của Nguyễn Mỹ được thể hiện qua giọng ngâm ngọt ngào và truyền cảm của Ngọc Hà. Khán giả xúc động trước vẻ đẹp trữ tình, trước cái màu đỏ rực cháy suốt 48 năm kể từ khi bài thơ ra đời trong bối cảnh miền Bắc cồn cào những cuộc chia ly, tiễn người thân ra trận.
NHẬT LAI: NHẠC SĨ ĐA TÀI
Nếu nhà thơ Nguyễn Mỹ để lại cho đời một Cuộc chia ly màu đỏ thì anh trai ông, nhạc sĩ Nhật Lai, để lại những tác phẩm nghệ thuật khác, vô cùng giá trị đối với Tây Nguyên nói riêng, âm nhạc Việt Nam nói chung. Ông đã đưa “cái hừng hực sôi động, cái trữ tình, mượt mà của âm nhạc Tây Nguyên lên sân khấu ca múa”. Nhạc sĩ K’Pá Y Lăng, một chuyên gia về âm nhạc Tây Nguyên, người học trò, người em thân thiết với nhạc sĩ Nhật Lai, đã từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa tham dự đêm thơ nhạc, chia sẻ cùng khán giả những kỷ niệm về người thầy, đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Nhật Lai.
Giao lưu với bà Nguyễn Thị Tô Huệ, em gái nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ - Ảnh: M.NGUYỆT
Bên cạnh nguồn cảm hứng bất tận về Tây Nguyên, nhạc sĩ Nhật Lai còn sáng tác một số ca khúc về những nơi mà ông đã đến, đã gắn bó, như Chiều trên cầu Bồng Sơn, Bài ca sông Nhật Lệ, Về miền Hải Hậu… và đặc biệt là Hà Tây quê lụa - ca khúc một thời là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây. Trong đêm thơ nhạc, khán giả không chỉ nghe Hà Tây quê lụa qua tiếng hát Quang Thơm mà còn nghe tốp nữ Chi hội Âm nhạc hát ca khúc Căm thù thằng Tây cướp mùa lúa đen. Ca khúc này được Nhật Lai sáng tác sau thời điểm giặc Pháp ném bom phá hỏng kênh mương đập Đồng Cam, làm cho cả cánh đồng Tuy Hòa màu mỡ bị khô hạn, mùa lúa đen tăng vụ năm đó mất trắng…
Không chỉ sáng tác ca khúc, nhạc sĩ đa tài Nhật Lai còn viết rất nhiều ca kịch - ca cảnh, nhạc kịch, nhạc múa và khí nhạc. Đó là kết quả của những năm tháng lao động, sáng tạo nghệ thuật không ngừng trước khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/1/1987.
Tham dự Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai có những khách mời rất đặc biệt. Đó là hơn 30 người trong đại gia đình, họ hàng nội ngoại hai anh em văn nghệ sĩ tài hoa. Có người đến từ xã An Nghiệp (Tuy An), có người đến từ Đồng Xuân, có những người trở về từ Khánh Hòa, từ TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Tô Huệ, em gái nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ, xúc động chia sẻ: “Bao nhiêu năm mong chờ, hôm nay cả gia đình chúng tôi rất vui, cảm thấy tự hào không thể diễn tả thành lời. Con tôi từ TP Hồ Chí Minh cũng tranh thủ về Tuy Hòa tham dự đêm thơ nhạc. Đây là một niềm vinh dự lớn đối với họ hàng nội ngoại chúng tôi”.
Tri ân những đóng góp to lớn của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ và nhạc sĩ Nhật Lai đối với hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà, UBND tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tặng quà cho gia đình hai anh em văn nghệ sĩ đặc biệt này. Trước đó, ngày 25/7, Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai đã được tổ chức tại Tuy An - quê hương của hai ông, tạo niềm xúc động sâu sắc.
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên: “Tổ chức Đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ - Nhật Lai là một nghĩa cử rất nhỏ so với những hy sinh, đóng góp to lớn của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ và nhạc sĩ Nhật Lai. Tôi rất vui vì đã thực hiện được tâm nguyện của mình, tri ân và tôn vinh hai anh em văn nghệ sĩ tài hoa. Đêm thơ nhạc tại Bảo tàng Phú Yên và tại Tuy An trước đó đều thành công”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất: “Đêm thơ nhạc rất xúc động. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, các đơn vị phối hợp tổ chức một chương trình như thế này để tri ân những người đã có công trong kháng chiến, có nhiều đóng góp cho hoạt động văn học nghệ thuật. Đêm thơ nhạc khơi dậy sức mạnh cho văn nghệ sĩ hiện nay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tốt hơn”. |
NAM PHƯƠNG