Đầu năm 1930, thực dân Pháp xâm lược, đã cho xây dựng ngục Kon Tum để giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Ngay trong ngục tù, tháng 9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư.
Khách tham quan xem mô hình nhà Ngục Kon Tum - Ảnh: T.QUỚI
Nhà ngục là nơi giam giữ hơn 500 tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về đây, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Tại đây, đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản. Các cuộc “đấu tranh lưu huyết” và “đấu tranh tuyệt thực” của những người tù chính trị tại ngục Kon Tum chính là sự phản kháng mãnh liệt chống lại bộ máy cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng trung kiên đã phải nằm lại giữa rừng xanh. Đỉnh điểm của sự đàn áp dã man là vào ngày 12/12/1931, thực dân Pháp đã xả súng vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao gầy nhom ốm yếu. Nhưng sự đàn áp dã man của những kẻ xâm lược không thể dập tắt được tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước của những chiến sĩ cách mạng.
Sau năm 1975, ngục Kon Tum trở thành di tích lịch sử cách mạng, là biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cộng sản. Tháng 11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ra quyết định công nhận ngục Kon Tum là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Quần thể di tích Ngục Kon Tum bao gồm: nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài Bất khuất...
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum là nơi để các thế hệ con cháu tri ân và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bền vững.
QUỲNH MAI