Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2010 sẽ là một ngày hội của ngành Điện ảnh bởi nó không còn đơn thuần là một ngày hội nghề nghiệp với các giải thưởng được trao thường niên.
Cảnh trong phim “Chơi vơi” – ứng viên của giải Cánh diều Vàng |
Điểm nhấn của Ngày Điện ảnh Việt
Theo công bố của ban tổ chức, năm nay có 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 6 phim tài liệu khoa học nhựa, 12 phim truyền hình dài tập, 10 phim hoạt hình, 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình và 8 phim truyện nhựa dự tranh các hạng mục khác nhau của giải Cánh diều Vàng.
Thể loại phim truyện nhựa vừa trải qua hai mùa “vàng”. Năm nay, hai bộ phim Đừng đốt của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh và Chơi vơi của đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên được đánh giá cao. Chơi vơi từng đoạt giải của Liên đoàn Các nhà phê bình phim quốc tế (FIPRESCI). Trong khi đó, Đừng đốt giành giải tại Liên hoan phim
Cũng như nhiều lễ trao giải khác, thành phần ban giám khảo cuộc thi được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, ban tổ chức mới chỉ công bố danh sách chủ tịch hội đồng giám khảo của mỗi thể loại phim chứ chưa thống nhất thành phần ban giám khảo gồm những ai.
Điểm mới của Cánh diều Vàng 2010, nếu mọi năm chỉ trao giải Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho thể loại phim truyện nhựa thì năm nay sẽ trao cả cho thể loại phim truyện video và phim truyền hình dài tập. Đồng thời, sẽ có cả giải Diễn viên triển vọng cho thể loại phim truyện nhựa.
Cũng theo Ban tổ chức, cơ cấu giải thưởng Cánh diều Vàng hằng năm luôn có thay đổi để đáp ứng nhu cầu sản xuất phim hiện nay. Ví dụ, những năm trước không có giải cho phim hợp tác với nước ngoài, nhưng vài năm gần đây, do các nhà làm phim quốc tế, kiều bào về nước làm phim rất đông, nên trong cơ cấu giải có thêm hạng mục phim hợp tác quốc tế.
Nhân sự kiện Ngày Điện ảnh Việt Nam đầu tiên, những bộ phim vang bóng một thời như: Chung một dòng sông, Thương nhớ đồng quê, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Vợ chồng A Phủ, Cánh đồng hoang được chiếu tại Hà Nội và TP HCM từ 12-15/3. Dịp này, ban tổ chức cũng phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim Truyện Kiều nhằm tôn vinh và giữ gìn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế của văn hóa Việt trong xu thế hội nhập quốc tế. Kịch bản phim đoạt giải cao nhất sẽ được chọn để xây dựng phim Truyện Kiều (thể loại phim nhựa).
(VOV)