Thứ Ba, 01/10/2024 22:36 CH
Ngàn năm Thăng Long qua chứng tích khảo cổ học
Chủ Nhật, 21/02/2010 13:00 CH

Năm 2010, thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Để tiến tới đại lễ long trọng này nhiều nội dung công việc đã được triển khai, trong đó có nội dung nghiên cứu về các chứng tích của thủ đô qua các thời kỳ lịch sử.

 

Thang-Long.jpg
Dấu tích kiến trúc khu Hoàng thành Thăng Long

 

Trên góc độ này các cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp thêm các nguồn sử liệu quan trọng. Đặc biệt cuộc khai quật tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình đã thu được kết quả có nhiều ý nghĩa nhất. Với diện tích khai quật lên đến 19.000 mét vuông và hàng triệu hiện vật thu được, đây được xem là cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên những di tích từ các triều đại kế tiếp nhau được tìm thấy, lớp này chồng lên lớp kia trong cùng một chỗ. Kết quả của cuộc khai quật được xác định có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử và tư liệu về sự phát triển nội sinh của kinh đô Thăng Long cũng như chính thể nhà nước qua các triều đại.

 

Sự ra đời của kinh đô Thăng Long được tính từ khi vua Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên của nhà Lý, với đế hiệu là Lý Thái Tổ- quyết định dời đô từ Hoa Lư đến vùng đất mới. Chiếu dời đô của nhà vua nêu rõ “thành Đại La ở giữa trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện thể núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng và bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Tương truyền, khi đoàn thuyền của nhà vua đến địa điểm mới để định đô tự nhiên có rồng vàng xuất hiện và bay lên trời, do đó nhà vua đã đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”.

 

Dưới thời Lý, kinh đô mới được xây dựng trên nền tảng của các công trình kiến trúc cũ gồm thành Đại La có từ thời Bắc thuộc nằm ở vòng ngoài với ngoại hào thiên nhiên là sông Tô Lịch, vòng thành mới đắp gọi là kinh thành Thăng Long nằm giữa và một vòng thành trong cùng gọi là Long Thành hay Phượng Thành. Về kiến trúc trong kinh thành, các nguồn sử liệu cho biết từ tháng 7 (1010) cho đến cuối năm nhà vua đã cho xây dựng nhiều công trình, trong đó “Phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ... Lại mở cửa Phi Long, cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng, cửa Uy Viễn, điện Cao Minh, điện Long An và Long Thụy, điện Nhật Quang và Nguyệt Minh, cung Thuý Hoa... dựng kho tàng, làm chùa... xung quanh đắp thành, đào hào, mở 4 cửa Đông – Tây – Nam - Bắc”. Sau đó lại cho xây các điện Thiên An, Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ, Phụng Thiên, Trường Xuân... Về cơ bản các công trình kiến trúc của kinh thành được xây dựng trên một đường trục Bắc – Nam mà qua nhiều lần khảo sát các nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay là trục từ Cửa Bắc - điện Kính Thiên – Đoan Môn - Cột Cờ. Đây được xem là đường “thần đạo” để xây dựng kinh đô không chỉ của nhà Lý mà còn của các triều đại về sau.

 

Nhà Trần thay thế nhà Lý vào năm 1225 bằng một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Do vậy các công trình kiến trúc trong kinh thành hầu như không bị ảnh hưởng. Nhà Trần đã tiếp thu toàn bộ kinh đô có từ thời nhà Lý rồi tu bổ, xây dựng theo yêu cầu của tình hình triều chính. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì có thêm 17 cung điện mới được xây dưới thời nhà Trần. Tuy vậy dưới thời nhà Trần, kinh thành Thăng Long cũng bị hủy hoại nặng nề bởi các biến động của lịch sử. Nhất là ba lần quân Nguyên tấn công xâm phạm kinh thành vào các năm 1258, 1285, 1288 và các lần xâm chiếm kinh thành của quân Chiêm Thành vào các năm 1371, 1378 và 1383.

 

Sau khi đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua và lập nên triều Lê. Dưới thời Lê kinh đô có tên gọi là Đông Kinh và được tiếp tục tu bổ và xây dựng mới, trong đó quan trọng nhất là xây các điện Kính Thiên và điện Cần Chánh. Dưới thời vua Lê Thánh Tông kinh thành được lập bản đồ gọi là bản đồ Hồng Đức. Đây được xem là một trong những bản đồ cổ nhất của kinh thành Thăng Long.

 

Dưới thời nhà Nguyễn, sau khi lên ngôi vào năm 1802, vua Gia Long đã định đô ở Phú Xuân (Huế). Nhưng vào năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây một tòa thành mới theo kiểu kiến trúc Vauban với chiều cao thấp hơn và kích thước nhỏ hơn so với Hoàng Thành Thăng Long của các triều đại trước, song trục “thần đạo” cũng không thay đổi, trên trục này nhà Nguyễn đã cho xây dựng hai công trình đáng chú ý còn tồn tại cho đến ngày nay là Cột Cờ và Bắc Môn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử các công trình kiến trúc hoành tráng của kinh thành xưa phần lớn đã bị sụp đổ và biến mất khỏi mặt đất. Vì thế trong một thời gian dài đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về khu vực trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã giải đáp được câu hỏi trên bằng số liệu của địa tầng cũng như dấu tích vật chất.

 

Tại cuộc khai quật ở 18 Hoàng Diệu, đã xuất lộ dấu tích nền móng của một số công trình kiến trúc quan trọng. Trong khu A của hiện trường khai quật có dấu vết của một công trình kiến trúc rộng ít nhất là 9 gian, với nhiều chân cột nhà làm bằng đá tảng, dưới nền móng của công trình triến trúc này có nhiều hiện vật mang các đặc trưng của thời nhà Đinh (968 – 980) và thời nhà Tiền Lê (980 – 1009). Qua tính toán chiều rộng của mỗi gian nhà này xấp xỉ 17m. Tại phía tây nền móng của công trình này lại phát hiện thêm 11 nền móng nhà có hình lục giác nằm cách nhau từ 8 – 12m. Có thể đây là dấu tích của các ngôi nhà thủy tạ hình lục giác mà theo mô tả trong Việt sử lược thì đây là trà thất công cộng được xây dựng cho mục đích giải trí. Ở phía nam của khu A, các nhà khảo cổ còn phát hiện 9 chân đá táng hình vuông được trang trí hoa văn hình cánh sen, xếp thành 4 hàng. Cũng trong hố khai quật đã phát hiện những con đường lát gạch nối từ nền móng của tòa nhà nhiều gian với nền móng của các tòa nhà lục giác. Căn cứ vào vật liệu, kỹ thuật xây dựng và các loại hiện vật phát hiện ở đây đã cho thấy toàn bộ các công trình kiến trúc trên có cùng niên đại vào thời Lý - Trần. Kết quả khai quật cũng đã cho thấy về một quần thể kiến trúc lớn đã từng được xây dựng trên địa điểm này.

 

Ngoài các dấu tích về nền móng kiến trúc cuộc khai quật còn phát hiện được dấu tích của hệ thống thoát nước, ao hồ, sông ngòi ... Đặc biệt trong khu vực khai quật đã phát hiện được 11 giếng cổ. Căn cứ vào vật liệu sử dụng và kỹ thuật xây dựng các nhà khảo cổ xác định niên đại của những chiếc giếng trải dài qua các triều đại khác nhau, từ những giếng có từ thời kỳ Bắc thuộc, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê cho đến những giếng được đào từ thời Nguyễn. Mặc dầu bị vùi lấp hàng thế kỷ nhưng sau khi được khai quật nguồn nước trong một số giếng đã khai thông trở lại và sử dụng tốt.

 

Phuong.jpg

Đầu chim phượng bằng đất nung thời Lý Trần

 

Chiếm một số lượng lớn trong tổng số hiện vật thu được qua cuộc khai quật là vật liệu xây dựng... Những loại vật liệu xây dựng này góp phần quan trọng tạo nên diện mạo của các công trình kiến trúc. Trong đó có các hiện vật bằng đất nung trang trí trên bộ mái của công trình kiến trúc như đầu rồng, đầu chim phượng, các đầu ngói hình lá đề có kích thước lớn, trang trí công phu, tinh xảo đã cho thấy phần nào về sự hoành tráng của các cung điện trong kinh thành. Một số viên gạch có đóng dấu hoặc khắc chữ là yếu tố quan trọng để tìm hiểu niên đại cũng như nguồn gốc xuất xứ của chúng. Chẳng hạn như những viên gạch có đề chữ “Giang Tây quân” được xác định là gạch có từ thời Bắc thuộc. Một số viên gạch khắc chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” có niên đại từ thời Đinh - Tiền Lê trước đây, mới chỉ tìm thấy ở vùng Hoa Lư (Ninh Bình) nay được phát hiện tại kinh thành Thăng Long, đã cho thấy kỹ thuật sản xuất gạch ngói đem từ Hoa Lư để xây dựng kinh đô mới. Chữ khắc trên viên gạch này cũng đã cho thấy Đại Việt là tên gọi của nước ta có từ thời Đinh chứ không phải đến thời Lê Sơ mới có như các nguồn thư tịch cổ đề cập. Trong khi đó một số viên gạch có những thông tin chi tiết hơn như những viên gạch có đề “Lý Gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” nghĩa là “được làm vào năm thứ tư niên hiệu Long Thụy Thái Bình bởi vị vua thứ ba của nhà Lý”. Niên đại này được xác định là năm 1057. Gạch xây dựng thời Trần cũng có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng xây dựng kinh thành đã được huy động từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng lại kinh thành qua các lần bị chiến tranh tàn phá. Trong khi đó những viên gạch lát nền trang trí hoa chanh được xác định là những hiện vật mang đặc trưng của mỹ thuật thời Trần.

 

Hiện vật gia dụng trong đó phần lớn là đồ gốm sứ cũng chiếm một phần lớn trong tổng số hiện vật thu được trong đợt khai quật. Đồ gốm phát hiện ở đây bên cạnh các loại đồ gốm men ngọc từ thời Lý, gốm men nâu từ thời Trần, gốm men lam thời Lê còn có các loại đồ gốm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Tây Á. Những hiện vật này đã xác nhận về sự giàu có, thịnh vượng và hoạt động giao thương nhộn nhịp của kinh thành Thăng Long. Rất nhiều đồ gia dụng tìm thấy trong cuộc khai quật không những có hình dáng đẹp mà phần lớn được trang trí hoa văn hình rồng, phượng đã cho thấy đây là những đồ ngự dụng hoặc đồ dùng trong các vương phủ. Ví dụ như tại vị trí khai quật ở cung Trường Lạc đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm sứ trang trí tinh xảo có hiệu đề Trường Lạc khố hay Trường Lạc cung, chứng tỏ những món đồ này được làm riêng cho cung Trường Lạc là nơi ở của Hoàng hậu vợ của vua Lê Thánh Tông.

 

Với một nguồn tư liệu đồ sộ thu được từ cuộc khai quật, công việc nghiên cứu vẫn đang còn tiếp diễn, nhưng có một điều được các nhà nghiên cứu nhất trí cao là các dấu tích vật chất của kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử cần được bảo tồn như là một trong những chứng tích của thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

NGUYỄN DANH HẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek