Ngày đầu xuân vào website lucbat.com,tôi thấy số lượng bạn đọc lên đến con số hàng triệu. Quả là thời @, tiện lợi, nhanh nhạy, và hiệu quả. Vô số các nhà thơ với nhiều chủ đề khác nhau, song đều chung một cách thể hiện đó là dùng thể thơ sáu tám, thể quen gọi là lục bát mà theo dân gian gọi là “lộc phát”, ngày xuân lộc phát quả là thú vị. Đó cũng là câu chúc đầu năm, phát lộc, phát tài.
Sông nước Đầm Cù Mông - Ảnh: LÊ MINH |
Thơ lục bát là thể thơ chân phương, là thể thơ xuất hiện lâu đời nhất Việt
Như một rừng hoa lục bát nở giữa ngày xuân ngạt ngào hương sắc, tôi chọn ra đây ít bài thơ xuân được các tác giả sáng tạo trên nền của lời thơ dân tộc và cảm nghĩ lục bát xuân cũng như lộc phát xuân cùng chia vui với bạn bè.
“Tàn đông lá đã thôi rơi
Chồi non lộc biếc nắng khơi nỗi niềm
Sáng ai lấp lánh bên thềm
Câu thơ bay bổng trên nền trời vương”
Đặng Hồng Thiệp (Nghệ An)
Mùa xuân đã về, lộc biếc, chồi non, xua đi băng giá lạnh lẽo của mùa đông, ẩn hiện thấp thoáng bóng dáng mỹ nữ, câu thơ nhẹ nhàng, dễ nhớ…
Dương Phượng Toại, một nhà thơ ở vùng mỏ Quảng Ninh – Nơi có Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới nhiều mùa xuân qua sắc “Hoa đào”.
“Vắng em xuân sẽ ngẩn ngơ
Chiều trong đáy chén bơ phờ cuộc say
Bù cho vất vả tháng ngày
Em đem sắc thắm phô bày thanh tân”
Hoa đào ngày Tết, chén rượu xuân nồng, làn môi em đã làm cho thi sĩ say đắm hồn mình. Ở một góc nhìn khác tác giả Hồ Anh Tuấn (Hải Phòng) lại ví von “Mùa xuân như gái chưa chồng”. Sự so sánh thật lãng mạn, độc đáo vô cùng song chỉ có thơ mới nói lên được và nói theo kiểu “lộc phát”.
“Mùa xuân như gái chưa chồng
Thảo thơm, sung mãn, mặn nồng hồn nhiên
Mùa xuân đáo để là em
Trái tim có lúc sóng nghiêng lệch trời”
Còn với nữ thi sĩ trẻ thế hệ 7X, Phạm Tâm An, quê ở cố đô Hoa Lư – Ninh Bình lại nhìn mùa xuân qua con phố - bài thơ “Phố xuân” như một nốt nhạc xuân, ngân vọng tình yêu, với cách nhìn sáng tạo của lớp trẻ thời @, qua thể thơ lục bát:
“Em xinh cho mắt ai tìm
Cho ngơ ngẩn phố chết chìm dưới mưa
Lộc non tự phút giao mùa
Phố xuân xanh ngắt như vừa chớm yêu”
Tình yêu là chất men say, làm cho vật vô tri vô giác cũng “ngơ ngẩn” cho cái cũ thành cái mới, tất cả vì em, vì tình yêu với thiên nhiên trong phút giao mùa mùa xuân và em và tình yêu…Đôi mắt buồn của thi sĩ Đinh Tùy Thanh bằng thể thơ lục bát cũng đã thổ lộ tâm tình:
“Câu thơ lỡ dại vì yêu
Vỡ tan sương khói dặt dìu bão giông
Người đi mờ mịt rêu phong
Lá thưa thớt lá má hồng tàn phai”
Đinh Tùy Thanh (Phú Yên)
Trong ánh nắng xuân hiếm hoi nơi đất khách quê người, Trần Kim Lan – một việt kiều ở Cộng hòa liên bang Đức nhìn mùa xuân như một niềm ước vọng vô bờ, chất men say cuộc sống vô tình đánh thức nàng thơ:
“Nắng xuân nắng cả cõi lòng
Tiếng chim hòa với hương nồng cỏ hoa
Nàng thơ lại hát tình ca
Đem men xuân nhắp mặn mà bờ môi!”
Mùa xuân, mùa lễ hội, mùa hái lộc non, chồi biếc, mùa khởi đầu cho bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, tác giả Trần Hồng Giang (Nam Định) nhìn mùa xuân nơi cửa thiền lại thấy:
“Mải mê chao liệng tầng không
Bầy chim én giấu mùa đông nơi nào
Nhuộm thêm cho sắc hoa đào
Một màu tươi thắm lối vào trần ai.
…Sư thầy khép vạt áo thâm
Bần thần ngắm cảnh dương trần vào xuân…”
Mùa xuân nơi cao nguyên lại khác, hầu như mỗi độ xuân về tiết trời mát mẻ, mưa bay giăng giăng cho khách thập phương trẩy hội. Song nơi cao nguyên lộng gió, lại thiếu không khí xuân nơi quê nhà. Tác giả NGUYÊN CÔNG THANH (Đắc Lắc) viết:
“Xuân về vắng giọt mưa phùn
Bầu trời xanh ngắt nắng vàng đượm phơi”
Xuân của đất trời, xuân lòng người cảm nhận mùa xuân qua thơ lục bát đa dạng, phong phú, sinh động không chỉ thấm đẫm sắc xuân mà lòng người cũng “nao nao” khi tuổi xuân thì, cái khoảng trời xuân ấy đang đến và rồi sẽ đi qua.
“Tặng người một khoảng trời xuân
Một đa mang một muộn màng chút duyên
…Cái thuở xưa ấy qua rồi
Cho nhau…cả một khoảng trời hồi xuân”
Đấy là cái nhìn của Lê Tín – Quảng Ninh với chút duyên muộn.
Cái ngõ quê chật hẹp, song đong đầy kỉ niệm. Kỉ niệm tuổi thơ chơi bi, đánh đáo, kỉ niệm tuổi biết yêu hẹn hò đầu ngõ trăng lên… song ngày đi xa về người yêu cũ đi lấy chồng còn đâu? Một mùa xuân le loi, đơn độc trong lòng.
“Tôi về tìm lại mùa trăng
Sầu đông rụng xuống tím giăng ngõ gầy
Năm xưa cũng lối nhỏ này
Em đi biền biệt cái ngày bồng bênh”
Đào Tấn Trực (Phú Yên)
Núi Nhạn Sông Đà - Ảnh: D.T.X |
Mùa xuân gắn liền với thi ca, nhạc họa, tiếng của mùa xuân rạo rực, náo nức, như tuổi dậy thì, một mùa xuân nho nhỏ của ai đó, hòa ca cùng dân tộc, đất nước sẽ là mùa xuân lớn của dân tộc. Tiếng thơ nguyên tiêu vọng về mùa xuân thăng hoa, bay bổng, diệu kỳ.
“Xuân về - lại đến nguyên tiêu
Tiếng thơ trầm bổng phiêu diêu chào mời
Nhanh lên thi hữu mình ơi!
Đầy trời là nguyệt, đầy trời là thơ”
Trần Đình Thư (Vũng Tàu)
Ngày xuân miên man với những dòng thơ xuân trên website lucbat.com, có cơ man nào là thơ hay, tôi chỉ xin hầu bạn đọc báo xuân đôi bài thơ xuân với tấm lòng xuân Canh Dần - xuân của lộc phát và xin tạm dừng ở đây với tâm tình của nhà thơ Đặng Vương Hưng – một tín đồ của lucbat.com: “Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam! Ngay từ thuở mới lọt lòng, còn nằm trong nôi, ta đã được nghe thơ lục bát qua lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Lục bát đã góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn Việt được trong sáng hơn. Lục bát là điểm tựa tinh thần, giúp ta lớn lên và tự hào với thế giới bao la. Lục bát luôn gợi ta nhớ tới những gì thân thương và thiêng liêng nhất của quê hương yêu dấu…”.
HỮU BÌNH