Cô gái trẻ này hội đủ các yếu tố để thành công trên sân khấu ca nhạc: giọng hát ngọt ngào làm người nghe đôi lúc ngẩn ngơ, gương mặt xinh xắn điểm thêm nét duyên là chiếc răng khểnh, và cả sự khôn ngoan trong giao tiếp. Những ai đã nghe Bùi Lê Mận hát, đã tiếp xúc với cô hẳn sẽ cảm nhận được điều này.
Không nổi trội ở giải Sao Mai 2007 nhưng hai năm sau, Mận đã làm cho những người yêu nhạc phải chú ý đến cô, ngay từ đêm chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dường như bên trong cô gái trẻ đến từ xứ Nghệ này, bên trong giọng hát ngọt lịm và đắm say này là ý chí, là quyết tâm giành chiến thắng ở sân chơi lớn: Sao Mai 2009. Với hai ca khúc Lời quê và Câu đợi câu chờ của nhạc sĩ Ngọc Thịnh, Mận vượt qua những cuộc tranh tài có tính chất quyết định để thong thả bước vào đêm chung kết xếp hạng. Thế rồi tại nhà hát Sao Mai (Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo, TP Tuy Hòa), sau khi nghe Mận hát Khúc hát sông quê (nhạc: Nguyễn Trọng Tạo, thơ: Lê Huy Mậu) và Tình làng quê, một ca khúc mới toanh của nhạc sĩ An Thuyên, khán giả không hề ngạc nhiên khi giải nhất phong cách dân gian được trao cho cô. Họ cũng không ngạc nhiên khi giọng ca sinh năm 1987 này là thí sinh được bình chọn nhiều nhất. Cô hát hay như thế, duyên dáng như thế…
Sẽ còn rất nhiều việc mà Mận phải làm, phải học hỏi để thành công trên con đường ca hát. Song, ngôi quán quân và những trải nghiệm đầy bổ ích ở giải Sao Mai 2009 là một “bệ phóng” tuyệt vời.
* Ở dòng dân gian, Mận được đánh giá cao từ cuộc thi khu vực cho đến vòng chung kết toàn quốc. Như vậy, giải nhất không phải là điều bất ngờ, nhỉ?
- Kết quả do ban giám khảo quyết định. Mận chỉ biết khi lên sân khấu thì thể hiện hết sức mình. Mận cũng sẽ không dừng lại ở kết quả vừa rồi mà sẽ cố gắng hết sức để ngày càng tiến xa hơn nữa.
* Tham gia giải Sao Mai 2009, tâm trạng của Mận có gì khác với lần thi cách đây hai năm?
- Lần thi này Mận tập luyện tốt hơn, phát huy nhiều ưu điểm hơn nên thấy tự tin hơn. Hai năm trước, Mận chưa có kinh nghiệm và chưa được đào tạo về thanh nhạc. Qua hai năm học ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Mận thấy mình lớn lên hẳn.
* Những phần thi diễn của Mận đã chinh phục cả ban giám khảo lẫn khán giả Sao Mai. Ai là người tư vấn Mận cách chọn và xử lý những Lời quê, Câu đợi câu chờ, Tình làng quê…?
- Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa dựng bài cho Mận, còn cô giáo dạy Mận là Nghệ sĩ ưu tú Hà Thủy.
* Bí quyết nào giúp Mận thi diễn tốt như vậy?
- Mận đã suy nghĩ về cách xử lý ca khúc và được sự hướng dẫn của cô giáo. Mận nghĩ xem câu này, đoạn này thì phải xử lý như thế nào, thể hiện như thế nào để người nghe cảm nhận được điều tác giả muốn nói.
* Vì sao Mận chọn dòng nhạc dân gian?
- Các ca khúc dân gian đòi hỏi sự tinh tế, tình cảm khi thể hiện và cũng có yêu cầu về kỹ thuật. Nhạc nhẹ có cái khó của nhạc nhẹ, thính phòng thì đòi hỏi kỹ thuật tinh hơn và cao hơn, còn dân gian mềm mại hơn. Đây cũng là một dòng nhạc khó thể hiện thành công.
Chiến thắng ở giải Sao Mai 2009, Bùi Lê Mận đã nghĩ tới việc ra mắt một album nhạc, đưa giọng hát của mình đến với công chúng. Đó là kế hoạch trước mắt. Còn những kế hoạch “dài hơi” mà cô sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội chưa tiết lộ. Mận mới 23 tuổi, chặng đường phía trước còn rất dài. Sẽ nhiều khó khăn đấy, nhưng Mận sẽ tự tin vượt qua. Vì cô có giọng ca trời phú, được đào tạo trong một môi trường rất tốt, và có những hành trang mà không phải ai cũng có được khi chập chững bước vào con đường nghệ thuật.
LÂM VY (thực hiện)