Thứ Tư, 02/10/2024 02:24 SA
4 văn nghệ sĩ tuổi Dần mà tôi biết
Thứ Ba, 16/02/2010 11:00 SA

NHÀ VĂN TRẦN THỊ TRƯỜNG - SINH NĂM 1950 - CANH DẦN

 

Tran-thi-truonga.jpgHơn hai mươi năm trước, tôi gặp Trần Thị Trường tại nhà nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng ở hẻm phố Sinh Từ. Một cô gái xuất khẩu lao động làm thông dịch ở Bulgarie về nước. Không ai trong chúng tôi lúc ấy có thể nghĩ rằng chỉ vài năm sau, cô đã trở thành nhà văn, nhà báo có hạng của hôm nay.

 

Trần Thị Trường tuổi vậy là mang mệnh Mộc - Dương Tùng Bách Mộc. Nghĩa là gổ cây tùng, cây bách. Bướng ra trò. Nhưng cũng khổ lâm li. Ai đó nói “canh cô, mậu quả” chả sai mấy đâu. Nhưng nếu hiểu sống là nếm đủ vị đắng cay ở đời, thì tuổi Canh Dần có thể xếp vào hàng đầu. Nhất là “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

 

Ngày ấy, thời thiếu nữ “áo bông xanh”, Trần Thị Trường đã sớm xe duyên với một họa sĩ vẽ đẹp “vật vã” và cũng kiêu “vật vã” luôn. Yêu chàng, nàng cũng theo học hội họa ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhưng trong tình cảnh “đói cả nước thời bao cấp”, dù đã là họa sĩ, Trường vẫn quyết dấn thân qua “lỗ thủng” xuất khẩu lao động để mưu sinh.

 

Sau lần đầu tiên gặp Trần Thị Trường, vài năm sau, khi gặp lại, đã thấy Trường trở thành phóng viên báo “Tuổi trẻ Thủ Đô”. Vừa làm báo, Trường vừa mở quán cơm nhỏ bình dân. Chúng tôi hay tụ ở đó vào buổi trưa. Giữa các câu chuyện về trải nghiệm, tôi khuyên Trường: Cô cứ viết đúng như những gì cô kể là sẽ có cuốn tiểu thuyết hay. Khuyên là khuyên vậy, mà Trường làm thật. Cuốn tiểu thuyết Lời cuối cho em ấn hành 1989 ngay lập tức đã có dư luận. Và thế là Trường đã “bước chân đi cấm kỳ trở lại” để trở thành một nhà văn nữ nổi tiếng như bây giờ.

Qua nhiều tác phẩm được ấn hành như Kẻ mắc chứng điên, Bâng khuâng, Thời gian ngoảnh mặt… văn chương Trần Thị Trường trong thời kỳ hội nhập đã “tự nhiên hương” được biết đến ở nước ngoài. Năm Canh Dần 2010 này, Trường vừa tuổi lục tuần, mà vẫn mạnh mẽ, xốc vác và ý chí lạ thường.

 

NGHỆ SĨ  MINH PHƯƠNG -SINH 1974 - GIÁP DẦN

 

anh-trong-1.jpgCuối năm 1992, trong hội diễn Chèo, Tuồng toàn quốc, người mến mộ nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thật cảm động khi nghe một giọng chèo rất trẻ của nữ diễn viên Minh Phương (đoàn chèo Hải Hưng lúc đó - đoàn chèo Hải Dương hôm nay) mới tròn 17 tuổi, trong vai cô Tấm ở đoạn hát xót thương con cá bống bị hại. Làm sống lại một thân phận thiếu nữ thuở xưa bị ganh ghét, hắt hủi, Minh Phương còn bắt đầu đặt chân vào bước đường sự nghiệp của một nghệ sĩ lưu giữ cho cuộc đời nghệ thuật chèo tinh tế của tổ tiên.

 

Minh Phương tuổi vậy là mang mệnh Thủy - Dương Đại Khê Thủy. Nghĩa là nước của dòng suối lớn. Dòng suối ấy bắt đầu róc rách từ hội diễn cuối năm 1992 và càng ngày càng vượt ghềnh thác, đổ vào đời sống một nguồn âm thanh tinh khiết của một nghệ sĩ đắm mình trong nghệ thuật dân gian.

 

Minh Phương là con gái nghệ sĩ chèo Thúy Mơ. Con nhà nòi nên tuy không qua trường lớp, Minh Phương vẫn đủ bản lĩnh thấm nhuần những bài học của nghề chèo mà người mẹ yêu quý trao cho và để rồi khi lần đầu tiên bước lên sân khấu đã đủ sức chinh phục người nghe. Minh Phương có tạng thể hiện bi kịch. Ngày ấy, sau đoạn xót thương trong vai Tấm, Minh Phương lại nhập thân vào nàng Cúc Hoa. Ngay từ đó, đã nhận ra một Minh Phương đầm đìa, chín chắn, có vẻ già trước tuổi trong bi kịch mà cô thể hiện. Giọng chèo Minh Phương thật hợp với bi kịch. Nó cứ lan tỏa, thấm thía vào những suy tư ngổn ngang. Nó tự sắp xếp những lối đi bí mật dẫn tới thẩm mỹ cho người nghe mê đắm.

 

Lớn lên từ đoàn chèo quê hương, khi Hải Hưng tách tỉnh trở lại Hải Dương và Hưng Yên thì Minh Phương ở đoàn chèo Hải Dương. Cô còn trúng cử Ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh. Sự phát triển đã đưa Minh Phương lên với Hà Nội. Cô trở thành nghệ sĩ chèo thuộc Nhà hát Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Không chỉ hát chèo, Minh Phương còn thể nghiệm mình trong các bài hát mang âm hưởng dân gian. Hai album Khúc hát sông quê của Minh Phương đã được ấn hành và chiếm được cảm tình của người nghe. Minh Phương còn đoạt nhiều giải thưởng và được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú.

 

NHẠC SĨ HUY DU - SINH 1926 - BÍNH DẦN

 

ns-huy-du-2.jpgHuy Du sinh ở Bắc Ninh nhưng gia đình về cư ngụ ở Hà Nội từ lâu. Tuổi ông, vậy là mang mệnh hỏa - Dương Lô Trung Hỏa. Nghĩa là lửa trong lò. Hình như ngọn lửa này ấp ủ trong trái tim nồng nhiệt của Huy Du để tạo ra một sự nghiệp âm nhạc đáng kính nể.

 

Khi Huy Du vào thanh xuân, ông đã biết kéo vĩ cầm kha khá, cùng các bạn làm nhóm nhạc đi biểu diễn ở rạp Chuông Vàng. Cách mạng Tháng Tám đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời Huy Du. Ông tham gia Vệ Quốc Đoàn ngay chính ngày 19/8/1945 tại Trại Bảo An Binh. Từ đó, Huy Du trở thành một nhạc sĩ - chiến sĩ. Trong trường kỳ kháng chiến Huy Du ở khu 3, đấy là những năm tháng giai điệu Huy Du bắt đầu ngấm vào đời sống đầy khói lửa như Sóng nước ngọc tuyền, Sẽ về Thủ đô… và đặc biệt là bài hát ngắn Tôi yêu hòa bình. Kháng chiến thành công, Huy Du được cử đi học Nhạc viện Bắc Kinh. Kiến thức âm nhạc đã nâng sáng tạo Huy Du lên một tầm cao mới với Hoa mộc miên, Bế Văn Đàn sống mãi (thơ Trinh Đường). Tôi sẽ ca mãi đời anh… và da diết nhất là Tình em (thơ Ngọc Sơn). Huy Du bước vào cuộc chống Mỹ với một tầm vóc đáng trân trọng. Khởi đầu từ Anh vẫn hành quân (thơ Trần Hữu Thung) và Chưa hết giặc là ta chưa về. Đến với đảo Bạch Long Vĩ, ông đã để lại Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Đến với mặt trận đường 9 là Bài ca đường 9. Ông nhiều lần đến Trường Sơn để dâng hiến cho người lính những Đêm Trường Sơn, Nổi lửa lên em (thơ Giang Nam) và Trên đỉnh Trường Sơn ta hát

 

Từ khi thống nhất đất nước, Huy Du đảm nhiệm vị trí tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 (1983-1989). Trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này, Huy Du đã cùng anh em nhạc sĩ dùng âm nhạc kêu gọi đổi mới. Huy Du đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Ông mất cuối 2007. Thọ 82 tuổi.

 

ĐẠO DIỄN ĐẶNG NHẬT MINH-SINH 1938 - MẬU DẦN

 

dang-nhat-minh.jpgGặp đạo diễn Đặng Nhật Minh, ít ai nghĩa ông đã qua tuổi “nhân sinh thất thập”. Ông Minh trẻ lâu. Gương mặt sau cặp kính có gì phảng phất chất Nhật Bản - nơi mà xưa kia cha thân sinh ông - Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã từng tu nghiệp để khi về với kháng chiến đã sản xuất kháng sinh penicilin cho Việt Nam.

 

Ông Minh tuổi vậy là mang mệnh Thổ - Dương Thành Đầu Thổ. Nghĩa là đất trên tường thành. Thảo nào phong trần nhận nắng mưa cuộc đời bao phen.

 

Khởi sự, ông Minh là thông dịch viên tiếng Nga. Vậy mà niềm đam mê điện ảnh đã khiến ông chìm đắm vào nghệ thuật thứ bảy. Cứ thế, ông mò mẫm để tìm ra mình. Có lúc bí bách, ông đã viết truyện ngắn. Truyện đăng báo không ít nhưng máu điện ảnh vẫn buộc ông phải vượt qua mọi trở ngại để khẳng định mình. 25 năm trước, ông đã cùng đồng nghiệp tạo ra Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông được xem như một dòng chảy phim truyện ấn tượng bên dòng chảy của những Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Đến hẹn lại lên của nền điện ảnh non trẻ Việt Nam.

 

Ngay cả khi là “nghị sĩ”, ông vẫn vừa đến với dân bằng những cuộc gặp gỡ trực tiếp, vừa đến bằng những thước phim. Bộ ba phim truyện Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội - mùa đông 1946 của ông gây ra nhiều tranh luận thú vị. Nhưng nó vẫn tự khẳng định là những phim truyện Việt Nam có giá trị không chỉ bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế, không chỉ bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà bằng chính sự thuyết phục của những thước phim.

 

Sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo Hội Điện ảnh, sang thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, Đặng Nhật Minh vừa làm Tổng Biên tập tạp chí “Nhịp cầu”, vừa tiếp tục tạo ra Mùa ổi và gần đây nhất là Đừng đốt vừa đoạt giải nhất trong liên hoan phim 2009. Đừng đốt còn là ứng cử viên vào giải thưởng quốc tế Oscar danh giá của thế giới.

 

NGUYỄN THỤY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lục Bát Xuân
Thứ Năm, 18/02/2010 15:00 CH
Theo dấu lan hài...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:00 SA
Cọp ở “truông Bà Viên”
Thứ Hai, 15/02/2010 19:05 CH
Gặp chúa sơn lâm trên đường công tác
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
Tết ở vùng đồng bào Tày, Nùng
Thứ Hai, 15/02/2010 15:00 CH
Vũ Quốc Việt và “Xuân nhan sắc”
Thứ Hai, 15/02/2010 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek