Thứ Sáu, 29/11/2024 06:42 SA
Theo dấu lan hài...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:00 SA

Tôi là người ngoại đạo về lan. Nhưng công việc làm phim tài liệu truyền hình đã giúp tôi có cơ may tiếp xúc với nhiều người chơi lan nổi tiếng, nghe được những chuyện kể thú vị về các loài lan. Có một nhà quay phim từ những năm tháng còn chiến tranh, yêu lan hài, ông từ bỏ cuộc sống nơi phố thị, lên rừng, tiếp tục câu chuyện thú vị về một loài lan rừng được cả thế giới đặc biệt lưu ý. Còn tại Việt Nam, nhiều người cứ ngỡ nó đã tuyệt chủng từ lâu…

 

lan-hai.jpg

Lan hài đỏ tuyền mặt sau lá  - Ảnh: DƯƠNG CÔNG TRẠNG

 

Dran, một thị trấn nhỏ của huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng nằm phía trên đèo Sông Pha, cửa ngõ lên Đà Lạt từ hướng Phan Rang. Căn nhà như một trang trại trên đồi cao từ nhiều năm nay đã là địa chỉ tìm đến của nhiều nhà nghiên cứu hoa lan trong và ngoài nước.

 

Chủ nhân ngôi nhà là nhà quay phim Dương Công Trạng. Trong những năm tháng ở rừng tại khu vực miền Tây Nam bộ, khi được xem những bức ảnh về lan rừng do cố đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Vương Hồng Sến chụp, một tình yêu trong ông dành cho loài hoa này đã chớm nở.

 

Năm 1990, ông từ bỏ cuộc sống sôi động ở Tp.HCM lên lập nghiệp tại Dran. Chỉ một năm sau, ông bắt đầu dành cả thời gian và công sức cho việc sưu tầm các loại lan rừng. Bước chân ông in dấu khắp các cánh rừng từ miền Tây Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng cho đến Đồng Nai.

 

Kết quả của những chuyến đi đó là hàng trăm loại địa lan và phong lan. Trong đó có loài lan hài hồng P. Delenatti mà sau này, khi các nhà khoa học Việt Nam công bố, cả thế giới đều sửng sốt bởi từ lâu, nhiều người đều cho rằng, loài hoa này đã tuyệt chủng. Sau khi biết được giá trị hết sức lớn lao về nhiều mặt của lan hài, ông Trạng đã cung cấp hạt giống cho Trung tâm Giống cây trồng và Cấy mô thuộc trường đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Ông cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình thụ phấn loài hoa quí hiếm này cho nhiều nhà khoa học. Toàn bộ những mẫu lan hài nhân giống được, ông Trạng đã cung ứng cho nhiều người chơi lan tại các tỉnh phía Nam.

 

Vì ông hiểu rằng, ai đã có một tình yêu dành cho hoa lan Việt Nam, đều khát khao được một lần nhìn thấy lan hài nở. Nhất là loại lan hài đỏ tuyền mặt sau lá, được các nhà sưu tập lan của Pháp đồng ý mua với giá 2 ngàn đô-la một cây lúc bấy giờ. Toàn bộ bản đồ về sự hiện diện của lan hài tại các tỉnh Nam Trung bộ, có nhà sưu tập lan người Nhật đã hỏi mua ông với một giá rất cao nhưng ông không bán.

 

*

*   *

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ sinh học, chỉ cần một tế bào là người ta có thể cho ra đời nhiều chậu lan hài. Nhưng nhiều thập kỷ trước, đưa một cây lan hài từ rừng về nuôi dưỡng trưởng thành là cả một vấn đề.

 

Theo một tài liệu của Mỹ thì năm 1913, một đại úy Hải quân Pháp tên là Delenat có phát hiện ở vùng thượng du Bắc Việt một số cây lan hài. Ông đưa về Pháp và lúc đầu, các nhà thực vật học đặt tên là Cympripedilum delenatti-theo tên của người lấy. Sau đó được chỉnh lại cho đúng là Paphiopedilum delenatti. Rất tiếc, những cây lan này không cây nào sống sót, chỉ có một mẫu cây khô lưu giữ ở Viện bảo tàng thực vật Pháp.

 

Năm 1922, các nhà vườn Pháp tổ chức chuyến đi sưu tầm lan P.delenatti, cũng tại vùng thượng du Việt Bắc, và mang về Pháp được một số cây. Từ những cây này, nhà vườn Pháp đã nhân giống và bán ra thế giới cho đến hôm nay. Những cây lan hài đầu tiên họ bán đến vài ngàn Bảng Anh. Khi nhân giống được nhiều, giá khoảng 50 đô-la Mỹ/cây.

 

Suốt từ 1945-1975, do chiến sự nên việc sưu tầm loài lan quí này chưa thực hiện. Nhưng qua nhiều tài liệu, giới chơi lan Việt Nam đều khẳng định loài lan hài Việt Nam đều có chung một vùng với loài lan hài mà người Pháp phát hiện. Đó là vùng biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc.

 

Không phải ngẫu nhiên mà Hội hoa lan-cây cảnh TP.HCM đã chọn lan hài P.delenatti làm biểu tượng cho hội. Một loài hoa lan đặc sắc của Việt Nam có một giá trị kinh tế hết sức to lớn.

 

Xuân này, ngôi nhà lộng gió nhìn xuống hồ thủy điện Sông Pha của nhà quay phim Dương Công Trạng chắc chắn lan hài đã đua nhau khoe sắc hương. Người yêu lan, hay chỉ là một chân khách lãng du, hãy một lần ghé thăm ngôi nhà ấy để được chiêm ngưỡng một loài hoa quí của núi rừng Việt Nam

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cọp ở “truông Bà Viên”
Thứ Hai, 15/02/2010 19:05 CH
Gặp chúa sơn lâm trên đường công tác
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
Tết ở vùng đồng bào Tày, Nùng
Thứ Hai, 15/02/2010 15:00 CH
Vũ Quốc Việt và “Xuân nhan sắc”
Thứ Hai, 15/02/2010 07:30 SA
Tranh tết của Văn Dương Thành
Thứ Hai, 15/02/2010 07:00 SA
Đá cảnh Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek