Bài chòi là trò chơi dân gian phổ biến của người dân các tỉnh miền Trung trong các dịp lễ hội và Tết cổ truyền. Sau nhiều năm hồi phục yếu ớt, dịp Canh Dần năm nay, trò chơi bài chòi nở rộ hơn, được tái hiện rất sinh động tại nhiều làng quê trong tỉnh.
Ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), hội bài chòi được khai mạc từ sáng mùng một Tết tại thôn Cảnh Phước. 11 chòi bằng tranh, tre được dựng lên từ nhiều ngày trước, trong đó “chòi cái” được đặt ở vị trí trung tâm với chữ “Trung”; các “chòi con” nằm dọc hai bên đối mặt vào nhau lần lượt mang các tên gọi: Giáp, Ất, Bính, Đinh. Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Giữa sân, đối diện với “chòi cái” đặt một ống đựng thẻ và bài cái. Bộ bài có 30 cặp gồm 3 cặp yêu là Ông Ầm, Thế Tử, Bạch Huê và 27 cặp của 3 pho (văn, vạn, sách - mỗi pho có 9 cặp). Sau khi những người dự chơi đóng một khoản tiền chỉ 5.000 đồng, mỗi chòi được phát 3 quân bài nọc trên đó có in tên quân bài và hình vẽ cách điệu với những cái tên Nôm rất ngộ, như: Ba Gà, Chín Gối, Nhứt Nọc, Ông Ầm, Lá Liễu.. Anh Hiệu (người hô bài chòi) trong trang phục truyền thống giữ nguyên bộ bài và bắt đầu điều khiển cuộc chơi.
Hội bài chòi ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa) thu hút nhiều người chơi. Ảnh: LAN VY
Sau một hồi trống cái thúc dục, mở đầu cuộc chơi, anh Hiệu hát rao một câu lục bát trong tiếng đờn cò và nhịp trống con: “Gió Xuân phảng phất ngọn tre/Bà con cô bác lắng nghe bài chòi”...Rồi anh xóc ống thẻ, rút quân bài, trúng tên con nào, hô tên con đó. Những người chơi hưởng ứng bằng cách hễ dò có quân bài vừa được xướng tên trùng với một trong ba quân bài của mình hiện có thì gõ lốc cốc ba tiếng vào cái mõ được gắn sẵn ở trên chòi và hô to “có đây, có đây”. Lập tức anh Hiệu sẽ cho người đem quân bài vừa hô tới để giao cho chòi có tiếng mõ. Chòi nào đủ 3 đôi trước thì hô “tới, tới” và xổ một hồi mõ thật dài để được nhận tiền thưởng và những lời chúc xuân may mắn. Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác, hội bài chòi càng lúc càng cuốn hút người chơi, tưởng như không thể dứt. Không chỉ có người già, người lớn tuổi mà thanh thiếu niên cũng rất thích trò chơi dân gian độc đáo này. Nó đặc biệt thú vị ở chỗ, tên quân bài được anh Hiệu hát bằng thơ theo các làn điệu bài chòi quen thuộc của liên khu 5, như Xuân Nữ, Xàng Xê, Cổ Bản, Hò Quảng... và bằng tài ứng tác tại chỗ của anh Hiệu. Ví dụ như rút trúng quân Nhứt Trò thì anh sẽ hát: “Đi đâu ôm tráp đi hoài/Cử nhân chẳng thấy tú tài cũng không”; trúng quân Đổ Ruột thì: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để cho con khóc đến lòi ruột ra”. Gặp con Bạch Huê thì câu hô “tục mà thanh”, như “Đàn bà sao quá vô duyên/Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa...”
Em Nguyễn Thành Quân (14 tuổi) đến từ xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: “Tết các năm trước cháu thường theo mẹ về thăm ngoại, xem và nghe bài chòi riết rồi đâm ghiền trò chơi này”. Còn chị Tuyết, mẹ của Quân thì bảo: “Trò chơi truyền thống này không mang tính cờ bạc nên cần duy trì vào mỗi dịp lễ, tết để mọi người cùng tham gia. Không cần phải là người được chơi, chỉ nghe hát và xem người khác chơi thôi cũng đã rất thú vị. Tranh thủ ba ngày tết tôi cho cháu chơi vài ván để…giải trí và lấy cái hên đầu năm”.
LAN VY