Thứ Tư, 02/10/2024 07:20 SA
Chuyện cọp
Thứ Hai, 15/02/2010 15:02 CH

Trong họ hàng nhà mèo, có lẽ cọp là con thú được nhắc đến nhiều nhất với danh hiệu “Chúa sơn lâm” vì nó là vua của núi rừng, vua của các loài muông thú. Châu Á là vương quốc của loài thú hung dữ này. Chúa sơn lâm có mặt ở các đảo Java- Sumatra, Bali cho đến các nước trên bán đảo Đông Dương, kéo dài sang phía Tây đến các nước Ấn Độ, Iran và lên tận Bắc Á bao gồm Triều Tiên, Mãn Châu Lý (Trung Quốc) và vùng cực đông của Liên Xô (cũ)

 

Cọp chuyên săn bắn nai, mển, sơn dương, heo rừng… để ăn thịt. Khó lòng có con vật nào có thể tẩu thoát được một khi vị chúa tể đã ra tay săn đuổi với tốc độ 80km/ giờ, và nhảy xa tới… 10m. Đôi khi liều lĩnh nó có thể tấn công bò tót, trâu rừng và gấu ngựa, kể cả họ hàng như beo, chó sói, báo nó cũng không tha.

 

Mặc dù là một con thú mạnh mẽ và táo bạo như vậy nhưng tính khí của cọp lại ưa thích sự trầm lặng, sống một mình và tung hoành khắp núi rừng. Trong lúc ăn mồi cọp thường phát ra những tiếng kêu “gầm gừ” dù không một vật nào tranh giành của nó. Cọp không chỉ là vận động viên chạy nhanh và nhảy xa mà còn là vận động viên bơi lội rất giỏi. Nó có thể vượt qua những con sông và suối lớn cả ngay trong mùa nước lũ chảy xiết.

 

Con người bao giờ cũng là địch thủ đáng sợ của cọp. Chính vì vậy, cọp ít tấn công người. Song, dẫu sao cũng có những con cọp liều lĩnh nên mới có chuyện “cọp ăn thịt người”.

 

Chính vì những tai họa khủng khiếp đó mà cọp đã trở thành một con vật được sùng bái ở nhiều nơi dưới những cái tên gọi khác nhau: cọp, hổ, hùm, ông ba mươi, ông thầy… Và có lẽ không có gì quá đáng khi người ta gọi nó là “vị chúa tể của rừng xanh”.

 

Song có phải vì vậy con người nhìn cọp như là một kẻ thù nguy hiểm cần phải tiêu diệt hay không? Trong một thời gian dài, người ta đã ra sức săn bắn cọp trước hết là để bảo vệ sự  sinh tồn của mình và đàn gia súc họ nuôi và sau đó là bộ da vằn vện đầy sức hấp dẫn với bộ xương hổ cốt” nổi tiếng trong giới Đông y. Chẳng bao lâu loài cọp trên thế giới đã bị tiêu diệt gần hết. Đến lúc đó con người mới phát hiện ra là loài vật này không đến nổi nguy hiểm, độc ác và tệ hại như  loài người đã tưởng.

 

Trước hết, các nhà động vật học khẳng định rằng: thịt người không phải là món ăn hạp khẩu vị của cọp. Thức ăn chủ yếu của nó là các loài thú có guốc như nai, mển, sơn dương, heo rừng… đôi khi bắt cả chim, bò sát, ếch nhái và cá để ăn. Song cũng có những con cọp do bị thương tích (bị bắn hay bẫy) nên khả năng săn  đuổi mồi bị giảm xuống, nên nó phải chuyển sang tìm một loại vật khác - thịt người. Và một khi đã nếm thử sẽ trở thành thói quen. Hơn thế nữa, đối với các con cọp bị tàn phế thì tính khí bao giờ cũng trở nên liều lĩnh nhưng cũng lại thận trọng và khôn ngoan hơn.

 

Trong tự nhiên, thông qua các hoạt động săn mồi cọp đã giữ được cán cân quân bình giúp cho các loài thú ăn thực vật phát triển, tránh  được sự phá hoại to lớn đối với rừng, mùa màng, đồng cỏ và tránh cả sự diệt vọng của chính bản thân các loài động vật đó nếu chúng phát triển quá nhanh.

 

Một vai trò khá quan trọng của cọp mà ít khi chúng ta để ý đó là một “nhà chọn giống” tài tình và một “vệ sinh viên” gương mẫu vì khi săn  mồi sống, các thú già yếu, bệnh tật thường là những miếng mồi ngon, ít có khả năng chống cự và vận động chậm chạp nên thường bị tiêu diệt. Khi thiếu mồi sống, cọp ăn cả xúc động vật chết. Điều này đã giúp cho môi trường sống của chúng ta trong sạch hơn, chặn đứng được sự lan tràn của dịch bệnh cũng như góp phần tạo ra những thế hệ động vật tương lai có sức sống cao hơn.

 

Trong văn hoá nghệ thuật, cọp cũng trở nên gần gũi với con người, là đối tượng không thể thiếu trong các vườn bách thú và còn là diễn viên  xuất sắc, thu hút nhiều khán giả trên màn bạc hoặc sân khấu xiếc. Trong nền điêu khắc cổ Việt Nam mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trong trăng” “hổ và đại bàng”… thường được dùng để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và khai thác chất thơ trong cái hùng của loài thú sơn lâm. Nhưng ở đây, ngay từ sự khởi tứ, tạo dáng, người nghệ sĩ đã tránh được đường mòn trong nghệ thuật cổ nước ta khi mượn hình tượng hổ. Họ không dùng cái “nhu”, cái “mềm” để biểu hiện chất “hùng”, chất “thép”, khai thác nó ở ngay những hình ảnh bình thường nhất nhưng mang đầy ý vị của trí tuệ đã trải đời.

 

Đề tài cọp còn thấy trong nghệ thuật gốm xưa Việt Nam và nhất là trong tranh dân gian, nếu gạt bỏ cái vỏ tôn giáo đi sẽ trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như các tranh ngũ hổ, bạch hổ hay hắc hổ… do sự phối hợp đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ sĩ đã tạo nên những bức tranh hổ tuyệt diệu, đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng dội của cọp. Nhất là thế ngồi của cọp, với thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ ngồi nghiêng trên thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm tăng thêm sức mạnh của cọp.

 

Ngày nay, chuyện cọp ăn thịt người tuy chưa đi vào dĩ vãng nhưng ngày càng ít ỏi và xa lạ hơn. Chúng ta cần phải có thái độ đúng đắn và công bằng hơn đối với loài thú ăn thịt này. Đó  là bảo vệ vì sự sinh tồn  của một động vật đang có nguy cơ bị tiêu diệt và vì cả lợi ích chung của chúng ta.

 

THIỆN MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lục Bát Xuân
Thứ Năm, 18/02/2010 15:00 CH
4 văn nghệ sĩ tuổi Dần mà tôi biết
Thứ Ba, 16/02/2010 11:00 SA
Theo dấu lan hài...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:00 SA
Cọp ở “truông Bà Viên”
Thứ Hai, 15/02/2010 19:05 CH
Gặp chúa sơn lâm trên đường công tác
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
Tết ở vùng đồng bào Tày, Nùng
Thứ Hai, 15/02/2010 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek