Sách Đại
Cọp chỉ còn trong sở thú - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Người dân Phú Yên kiêng sợ ác thú nên gọi tất cả là “ông” : ông cọp, ông beo, ông sói, ông cà-đõ…Lại theo màu sắc lông cọp mà gọi: ông mun, ông bạch, ông vằn vắt khăn, ông vằn tàu cau…Từ đầu thế kỉ 20 về trước, những nơi nổi tiếng nhiều cọp ở Phú Yên là núi Lá, truông Bà Viên. Ở làng Phú Xuân, (huyện Đồng Xuân) có bãi Gáo Quào, người dân Phú Xuân bảo rằng đây là nơi cọp lớn tập luyện cọp con vồ mồi, cây gáo là cái đích, thân bị đầy vết sướt do móng vuốt cọp quào.
Năm 1839, vua Minh Mạng giao cho Bộ Binh tuyển chọn một số biền binh thiện xạ đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận phối hợp với lực lượng địa phương thành các đội diệt trừ ác thú. Giết 1 con cọp được thưởng 15 quan, sau tăng lên 30 quan. (Giết voi, bò tót, tê giác…đều có thưởng). Năm 1879, vua Tự Đức cho các tỉnh trên chọn trong dân dõng lập các đội giết cọp, được hưởng lương tháng.
Đến năm 1881 do việc làm không có kết quả (“hư ứng vô ích”), các đội này bị bãi bỏ.
Năm 1943, ông Nguyễn Xu ở Bàn Nham, nay thuộc xã Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa) can đảm cứu người bị cọp tấn công, được thưởng Médaille d’honneur en argent de 2è classe (huy chương danh dự hạng nhì) (Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian TRẦN SĨ HUỆ)