Trong biết bao hành trình đưa tiếng hát, điệu múa... đến với đồng bào, đến với bạn bè quốc tế, các ca sĩ, diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển có không ít kỷ niệm khó quên. Có kỷ niệm sưởi ấm lòng, có kỷ niệm làm họ trăn trở...
Đoàn Sao Biển biểu diễn tại Hà Nội - Ảnh: M.NGUYỆT |
Sau khi mùa mưa kết thúc, Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển bắt đầu đợt biểu diễn phục vụ đồng bào các xã miền núi, vùng sâu vùng xa ở Phú Yên. Hôm đoàn lên xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) biểu diễn, tôi tháp tùng họ. Chiếc xe chở ca sĩ, diễn viên và nhạc công chuyển bánh lúc mặt trời đã chêch chếch ở phía tây. Đến Ea Trol, nhân viên hậu đài lo dựng sân khấu, chuẩn bị âm thanh ánh sáng… Mọi việc xong xuôi thì trời đã tắt nắng tự lúc nào, ai nấy đều thấy đói bụng. Tôi theo cả đoàn vào một ngôi quán bé tẹo bên đường. Do có dặn trước nên chủ quán đã chuẩn bị sẵn một nồi cơm. Mỗi người một tô cơm còn bốc khói, có hạt đã chín còn những hạt khác mới… “tám rưỡi”, ăn cùng cá cơm khô rang với một chút dầu. Vậy mà vẫn thấy ngon mới lạ!
Cuối năm, đêm ở miền núi rét ngọt. Trong chiếc áo khoác, tôi vẫn cảm nhận rõ hơi thở run rẩy của rừng. Vậy mà các diễn viên múa phong phanh trong những bộ trang phục cách điệu của người Chăm, lưng trần, chân trần, chuẩn bị biểu diễn tiết mục múa Trăng tháp Nhạn.
Các diễn viên kể rằng những chuyến biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa bao giờ cũng ắp đầy tình cảm. Khán giả nô nức đến, say mê xem. Có lẽ điều đó làm cho diễn viên, ca sĩ cảm thấy ấm lòng, ngay cả khi biểu diễn trong tiết trời lạnh buốt.
Hôm sau tôi theo đoàn lên Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Xe vừa đến nơi, đã thấy khán giả nhí tụ tập ở sân bãi, nơi đoàn sẽ dựng sân khấu. Và khi tiếng loa vang lên thì thanh niên và cả những người lớn tuổi cũng đến. Những người bán bánh kẹo với thúng, mẹt… xuất hiện, ngồi dọc lối đi dẫn vào sân bãi. Buổi chiều trở nên xôn xao.
Biểu diễn và được khán giả đón nhận, đó là niềm vui. Biểu diễn ngay tại làng quê mình và được đón nhận, đó là niềm hạnh phúc. Ca sĩ Thanh Huệ kể: “Cách đây gần hai năm, Huệ về quê ở Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, để hát phục vụ bà con trong dịp lễ cầu ngư. Sau chương trình hát bội thì đến phần biểu diễn ca nhạc tại bãi biển của thôn. Huệ hát, ba má, anh chị em ngồi ngay bên cạnh sân khấu để xem. Đó là lần đầu tiên Huệ hát có ba má làm khán giả. Đầu năm 2009, ba mất”. Trong lần biểu diễn tại quê nhà, những bài hát về quê hương được cất lên với niềm xúc động của một đứa con trở về nơi ấm áp, thân thương nhất. Và đó là buổi diễn mà ca sĩ sinh năm 1976 này không thể nào quên.
Lần khác, về Phú Thọ 3 hát phục vụ ban lạch, Thanh Huệ gặp sự cố. Sân khấu dựng khá cao, được lót bằng tole trắng. Sau khi hát xong hai bài, Thanh Huệ tiến ra phía trước và bước nhầm lên mái tole. Từ trên cao, cô rơi xuống trúng ngay… cái giường của ai đó trong đoàn tô lô. May thật!
17 năm gắn bó với đoàn Sao Biển, ca sĩ Nhật Tân có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm làm anh day dứt. Giọng ca sinh năm 1970 này nhớ lại: “Năm 1998, có lần đoàn Sao Biển biểu diễn ở nhà hát Phú Lâm. Sau khi tôi hát xong, một anh bộ đội bước lên sân khấu, mượn micrô và hỏi: “Anh Nhật Tân có thể hát một bài về người lính được không?”. Trước đề nghị bất ngờ, tôi không nghĩ ra bài nào để hát. Tối hôm đó về tôi day dứt, tự hỏi sao mình không hát bài Nhánh lan rừng? Tôi cảm thấy có lỗi và mong được gặp lại anh, tôi sẽ hát cho anh nghe bài hát về người lính. Đến giờ tôi vẫn chưa quên hình ảnh của anh”.
Một trong những kỷ niệm của ca sĩ Quỳnh Như là chuyến giao lưu, biểu diễn ở Hàn Quốc cách đây mấy năm. Trong số khán giả đến xem chương trình của đoàn có những cô gái người Việt lấy chồng Hàn. Được nghe những bài hát về quê hương đất nước bằng tiếng mẹ đẻ trên đất Hàn, họ đã khóc. Nước mắt của họ làm các ca sĩ cũng rưng rưng.
Cùng với những hành trình đưa tiếng hát tiếng đàn, điệu múa đến với công chúng, kỷ niệm cũng đầy thêm, động viên các ca sĩ, diễn viên, nhạc công… vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường, phục vụ đồng bào tốt hơn.
LÂM VY