Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21/2/1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An. Anh lớn hơn tôi 3 tuổi, hồi còn học ở trường trung học địa phương, anh học trên tôi 2 lớp, rồi xung phong nhập ngũ vào quân đội trước tôi 1 năm. Trong chiến dịch Át-lăng đầu năm 1954 chống thực dân Pháp xâm lược, anh và tôi cùng chiến đấu ở chiến trường tỉnh Phú Yên.
Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ
Sau Hiệp định đình chiến Giơnevơ, chúng tôi cùng tập kết ra miền Bắc. Năm 1959 anh và tôi cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) để giúp bạn. Những năm tháng chiến đấu ấy tôi bị thương, anh có đến Trạm xá mặt trận thăm tôi và tặng tôi nửa ký đường cát trắng để bồi dưỡng sức khỏe. Hoàn thành xong nhiệm vụ giúp bạn, đơn vị về nước đóng quân ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tôi ở Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 đóng quân ở Đồi Hao; anh ở Trung đoàn 14, Sư đoàn 324 đóng quân ở Đồi Si, cách nhau chừng 4km. Tuy vậy thỉnh thoảng những ngày chủ nhật chúng tôi vẫn thường gặp nhau khi đi dạo phố Chợ Rạng, hoặc những lần được Phòng Chính trị sư đoàn triệu tập về để viết bài, viết tin cho tờ tin của sư đoàn trong một đợt tuyên truyền nào đó.
Năm 1960, cấp trên cho tôi đi học lớp bồi dưỡng văn hóa của Bộ Tư lệnh Pháo binh, rồi sau đó được đi đào tạo lớp sĩ quan ở Trường Sĩ quan pháo binh trong thời gian hơn 3 năm. Tốt nghiệp, tôi về làm phóng viên Báo Quân Khu 3, rồi về Tổng Cục Chính trị làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Lúc ở chiến trường miền Nam, tôi được tin anh Nguyễn Mỹ cũng đã vào chiến trường Liên khu V và đang làm phóng viên mặt trận của báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ. Nhưng vì lúc đó tôi và anh Nguyễn Mỹ mỗi người đang làm nhiệm vụ ở mỗi chiến trường khác nhau nên không gặp nhau được.
Sau này tôi mới biết tin anh Nguyễn Mỹ đã hy sinh ngày 16/5/1971 trên bờ sông Đăk Tun huyện Trà My, tỉnh Quảng
Anh Nguyễn Mỹ bắt đầu có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1957. Mặc dù tác phẩm của anh để lại không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” (năm 1964), Nguyễn Mỹ đã được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, ngưỡng mộ. Đó là một bài thơ dù viết về chuyện chia tay ra trận giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang đến hồi ác liệt, nhưng vẫn nhuần nhị tinh tế tình yêu quê hương, đất nước rất thuần khiết, lãng mạn và cảm xúc tự tin dạt dào. Màu đỏ của cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ đã trở thành cao cả, thiêng liêng mà một thời có hàng vạn, hàng vạn người trẻ tuổi đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang – chiến đấu để giành lại độc lập cho non sông đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn...
Ba mươi sáu năm sau ngày Nguyễn Mỹ hy sinh, sự mất mát đau thương của những người yêu quý ông phần nào được bồi đắp bởi Nguyễn Mỹ là một trong những người được truy tặng đợt đầu “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật”.
Nhân dịp về thăm lại căn cứ của Khu ủy V, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và thắp nén hương trên phần mộ của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ tại nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My – giữa núi rừng Trà My xanh thẳm, phần mộ của nhà thơ vẫn luôn thắm tươi sắc đỏ của những đóa hoa.
TÔ PHƯƠNG