Thứ Tư, 02/10/2024 23:34 CH
Ngàn năm nguyên khí
Thứ Bảy, 02/01/2010 07:30 SA

Năm 2010, chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với mốc sự kiện lịch sử năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, xây dựng kinh đô hoàn chỉnh của nước Đại Việt độc lập, mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc. Từ thời đại Lý Công Uẩn đến thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử đất nước trải qua biết bao thăng trầm dâu bể song hào kiệt hiền tài đời nào cũng có, hun đúc mạch ngầm nguyên khí quốc gia.

 

Van-mieu-Quoc-tu-giam.jpg

Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh: MINH NGUYỆT

Hào kiệt, hiền tài được gọi chung là kẻ sĩ, tức người có học, toàn vẹn đức, tài. Kẻ sĩ không nhất thiết phải ra làm quan nhưng đã tham gia quan trường giúp vua giúp nước thì phải là người có học, được đào tạo tử tế và đỗ đạt bậc cử nhân mới được triều đình bổ nhiệm.

 

Nhìn lại ngàn năm nguyên khí để thấm sâu hơn phương sách đào tạo hiền tài của ông cha.

 

Năm 1021, vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) cho làm nhà Bát giác chứa kinh, năm 1023 cho phép ba tạng kinh để ở kho Đại Hưng, năm 1042 ban Hình thư (luật pháp) và cho đúc tiền.

 

Năm 1070 vua Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu tỏ lòng tôn kính đạo Khổng, thờ các ông tổ Nho giáo Khổng tử, Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử và 72 vị tiền hiền đạo Nho (những học trò giỏi nhất của Khổng Tử). Năm 1075, nhà Lý mở khoa Nho học đầu tiên gọi là “Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường”.

 

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông xây dựng Quốc Tử Giám (đại học đầu tiên của Việt Nam), năm 1077 tổ chức thi tuyển viên lại (như thi tuyển công chức ngày nay) bằng thi viết, phép tính và hình luật để chọn người phục vụ cho triều đình.

 

Năm 1232, vua Trần Thái Tông mở khoa thi đầu tiên của triều đại mình, chia những người trúng tuyển làm ba hạng (tam giáp).

 

Năm 1236 nhà Trần đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử Viện, mở rộng cho con em quan văn trong triều vào học. Năm 1247, nhà Trần đặt lệ lấy Tam khôi (ba người đỗ đầu kỳ thi là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) và quy định 7 năm mở một khoa thi. Năm 1253, Quốc Tử Viện mở rộng cửa đón các Nho sĩ trong cả nước. Năm 1281, để đáp ứng nhu cầu học tập của muôn dân, nhà Trần mở thêm nhà học ở phủ Thiên Trường.

 

Năm 1325, nhà giáo Chu Văn An được nhà vua mời vào cung dạy các hoàng tử, nhận chức Tế Tửu nhà Thái học (Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám). Ông là người đầu tiên viết sách “Tứ thư thuyết ước” như giáo trình đại học ngày nay, tóm tắt nội dung chủ yếu của Tứ thư dùng để giảng dạy trong trường.

 

Đến Triều Lê, trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi cũng đã tổ chức kỳ thi ở thành Đông Quan để chọn nhân tài.

 

Vua Lê Thánh Tôn đã từng hạ chiếu: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phải chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ khi trải qua binh lửa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sáng. Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chí tiên đế, muốn cầu được hiền tài để thỏa lòng mong đợi. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” tư tưởng lớn ấy của triều Lê được khắc ghi trên bia số 1 ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao; nguyên khí thấp thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên”.

 

Trong kỳ thi năm 1463, có 1400 người dự thi Hội nhưng chỉ chấm được 44 tiến sĩ, đứng đầu là trạng nguyên Lương Thế Vinh.

 

Thời Tây Sơn, song song với “chiếu khuyến nông” vua Quang Trung ban “chiếu lập học”: “Trẫm từ khi mới bình định đã có ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia”.

 

Năm 1789, vua Quang Trung mở khoa thi hương đầu tiên ở Nghệ An. Riêng các “sinh đồ ba quan” thời vua Lê Chúa Trịnh đều bị khảo hạch lại để thải hồi những kẻ dốt nát. Vua Quang Trung chủ trương dùng chữ Nôm làm văn tự chính thức trong ngôn ngữ hành chính, cũng như thi cử. Cuối năm 1791, vua Quang Trung lập Viện Sùng Chính và cử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Vâng mệnh vua, Nguyễn Thiếp tập hợp sĩ phu tài đức dịch các loại sách chữ Hán ra chữ Nôm để làm tài liệu học tập.

 

Triều Nguyễn cũng rất coi trọng hiền tài và có chế độ thi cử nghiêm ngặt. Vừa lên ngôi được một năm, năm 1803 vua Gia Long chuyển Quốc Tử Giám từ Thăng Long vào kinh đô Huế, năm 1807 nhà vua ban hành quy chế thi Hương. Năm 1021, vua Minh Mạng mở rộng Quốc Tử Giám, xây dựng Di luân đường, Giảng đường, trú xá cho Giám sinh. Khắp các tỉnh, phủ, huyện đều có trường học. Năm 1825, Minh Mạng ban hành chế độ thi cử, ba năm mở một khoa thi. Khoa thi Hội đầu tiên (1822) chỉ lấy 8 tiến sĩ, khoa thứ hai (1826) cũng chỉ có 10 tiến sĩ. Triều Nguyễn có lệ tứ bất (bốn điều không): không phong vương cho người ngoại tộc, không lập hoàng hậu, không đặt Tể tướng, không lấy Trạng nguyên...

 

Trải qua gần ngàn năm tạo dựng hiền tài, từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), ông cha ta tổ chức 183 khoa thi tiến sĩ, đào tạo được 2898 người có học vị tiến sĩ; trong đó có 47 vị Trạng nguyên, 48 vị Bảng nhãn, 75 vị Thám hoa.

 

Riêng triều Nguyễn, từ khoa thi đầu tiên (1807) đến khoa thi cuối cùng (1918), tổ chức được 39 khoa thi tiến sĩ đào tạo được 558 người có học vị tiến sĩ. Đồng thời tổ chức được 47 khoa thi Hương với 6165 người thi đỗ cử nhân, tú tài.

 

Hiện nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội có 82 bia tiến sĩ. Bia Văn Miếu ở Huế (xây dựng năm 1822) có 32 bia ghi tên các tiến sĩ (bà con cố đô quen gọi là Văn Thánh).

 

Gần ngàn năm đào tạo hiền tài, ông cha ta cũng chỉ đào tạo được chừng ấy tiến sĩ. Và cũng chỉ những người đỗ cử nhân trở lên mới được bổ nhiệm làm quan. Điều đặc biệt là con vua, cháu chúa, cậu ấm cô chiêu con quan lại các cấp không có mấy người đỗ đạt cao. Tài hoa như Trần Tế Xương mà cũng chỉ đỗ Tú Tài, 8 khoa không đỗ nổi cử nhân, đành ngao ngán tự kiểm:

 

Rõ thật văn hay mà chữ dốt

 

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy

 

Ông cha ta tuyển chọn kẻ sĩ tham gia bộ máy chính quyền rất chặt chẽ. Triều đại nào cũng lập đô sát viện với các ngự sử để giám sát bộ máy quan lại. Triều đại cuối cùng là Triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã đặt nhiều điều lệ để chế tài quan lại: không được thụ nhiệm ở quê nhà, mà phải làm quan cách quê 500 dặm trở lên, để cho bạn bè thân thích không cậy thế làm điều ngang ngược; quan lại không được mua đất đai nhà cửa nơi làm quan vì sợ ức hiếp dân để mua rẻ; quan lại không được lấy vợ nơi trấn nhậm vì sợ gia đình nhà vợ cậy thế nhũng nhiễu; quan lại hồi hưu không được lui tới nha môn để cầu cạnh. Năm 1837, vua Minh Mạng còn có dụ cho các quan không được nhận nhiệm sở tại quê ở ngụ, quê mẹ, quê vợ và địa phương lúc bé đi học. Đại Nam Thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 180) có ghi một trường hợp cụ thể: Bố chính Định Tường là Trần Tuyên có tang xin nghỉ việc. Đình thần cử Lang trung bộ Hộ Nguyễn Song Thanh vào thay. Nhà vua đã chuẩn tấu, rồi nghĩ lại Nguyễn Song Thanh từ lúc bé học ở Nam Kỳ, quen biết nhiều, nên đổi đến Bình Định. Đặng Huy Trứ còn dâng vua Tự Đức “Từ Thụ yếu quy” (những quy định chủ yếu về chối và nhận quà) để các quan biết món quà nào là tình cảm, món quà nào là trên mức tình cảm để biết chối hoặc có thể nhận theo đúng quy định triều đình.

 

Ngàn năm nguyên khí rất dài, ông cha ta cũng chỉ đào tạo hiền tài ở con số ngàn.

 

Ngày nay, trước yêu cầu phát triển đất nước, cả tầm quốc gia và từng địa phương đều có chương trình chiêu hiền đãi sĩ, đào tạo nhân tài và có cả một chương trình đầy tham vọng “đào tạo hai vạn tiến sĩ”. Quý hồ tinh bất quý hồ đa; cách tuyển, cách thi, cách đào tạo, cách sử dụng nếu không có quy định nghiêm ngặt thì hãy soi vào gương ngàn năm nguyên khí.

 

BA ĐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những món quà của văn nghệ sĩ Phú Yên
Chủ Nhật, 03/01/2010 19:00 CH
Những điều đọng lại
Thứ Sáu, 01/01/2010 19:00 CH
Năm của những ngày lễ lớn
Thứ Sáu, 01/01/2010 09:30 SA
Tôi còn phải cố gắng
Thứ Năm, 31/12/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek