Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương là người nhiều duyên nợ với thi ca và gặp không ít sóng gió trong cuộc đời. Dường như những điều đó khiến thơ chị hay hơn, mặn mà hơn. Tập thơ Trà nguội của chị đã vào vòng chung khảo giải thưởng thơ năm 2009 của Hội Nhà văn Hà Nội.
* Thưa chị, chị có hài lòng với Trà nguội, tập thơ đã vào vòng chung khảo giải thưởng thơ năm 2009 của Hội Nhà văn Hà Nội 2009?
Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương
- Sau tập thơ Những con ốc chờn ren ra mắt vào năm 2003, tôi đã không xuất bản tập thơ nào cho mãi đến năm ngoái, 2008, tôi mới quyết định in tập thơ thứ năm của mình với cái tên Trà nguội. Tập thơ gồm 40 bài, hầu hết viết từ năm 2006 tới năm 2008. Hai năm này cha tôi bị bệnh hiểm nghèo, căn bệnh ung thư phổi sẽ mang cha tôi ra đi vào một ngày không xa. Nhìn cha hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với bệnh tật, tôi cảm thấy cuộc sống thật ngắn ngủi biết bao. Tôi thấy thời gian thật khắc nghiệt, nó mang theo tất cả: tuổi trẻ, nhan sắc, tình yêu và sức khỏe. Đến một ngày chúng ta đều rời bỏ cái thế giới này. Mọi tham vọng, tiền tài, nhà cửa đều hóa thành hư vô và ta không thể nào mang theo được. Trà nguội là những tâm trạng ấy, là những chiêm nghiệm, là nỗi nuối tiếc, là tình yêu đã một đi không trở lại. Như từ mùa xuân đến mùa thu của cuộc đời. Đó cũng là món quà tôi muốn dành tặng cha tôi trước ngày cha vĩnh viễn rời xa thế giới này: “Cuộc đời tưởng như gần thế/ Đơn sơ cơn gió của trời/ Tưởng chạm tay là nắm được/ Kẽ tay lọt hết người ơi…”. Với tôi Trà nguội là những xúc cảm chân thành mà không bị kỹ thuật viết lách đôi khi do áp lực nghề nghiệp làm cho “lên gân” hay gò bó trong những câu chữ xủng xoảng. Tôi đã viết từ chính trái tim mình.
* Tập thơ của chị được bà Đoàn Thị Lam Luyến, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao. Theo chị, tác phẩm đó còn thiếu điều gì để chưa được trao giải thưởng?
- Tôi cũng rất bất ngờ khi đọc những bài phỏng vấn nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến trên các báo, khi chị nhận xét tập thơ của tôi khá về chất lượng. Sau đó là một số ý kiến xung quanh giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và tập thơ của tôi được Hội đồng Thơ đưa vào chung khảo. Điều đó đã làm tôi rất vui, vì thực ra trong đời sống hôm nay, để có được người đọc thơ đã khó, việc thích một bài thơ hay một tập thơ của nhà thơ nào đó thì thật là hiếm hoi. Nhất là lại được một đàn chị nổi tiếng trong giới khen thì quả là hãnh diện. Tôi vốn ngưỡng mộ thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, từ thuở Chồng chị - chồng em cho đến bài Chiến tranh… Thơ của chị luôn làm nhói lòng người đọc về cảm xúc, gây bất ngờ với đồng nghiệp về câu chữ và ý tứ. Tôi hạnh phúc vì chị đã đồng cảm với tiếng lòng của tôi trong Trà nguội. Tuy không đoạt giải nhưng đó cũng là sự động viên lớn lao với tôi trên con đường sáng tạo văn học mà mình đã đi.
Còn vì sao Trà nguội không đoạt giải, tôi nghĩ sự cảm nhận về cái hay mỗi người mỗi khác. Trà nguội chưa thể là một tác phẩm xuất sắc khiến tất cả thành viên trong Ban chấp hành đều rung động khi đọc nó. Tức là tôi còn phải cố gắng thật nhiều hơn nữa nếu như tôi đã là một thi sĩ đích thực.
* Chị có ý kiến thế nào về việc Hội Nhà văn Hà Nội bỏ trống giải thưởng thơ năm nay?
- Về điều này tôi thấy nhiều ý kiến trên báo nói qua nói lại, nhưng tôi nghĩ rằng chắc chắn Hội đồng Thơ phải có chủ kiến khi đưa ra đề xuất không trao giải thơ năm nay. Không phải cứ không trao giải thì thơ năm nay mất mùa như một số người nói, tôi thấy nếu thực sự không có tác phẩm xuất sắc thì không nên trao. Bởi nếu chỉ trao giải mang tính chất phong trào hay động viên thì giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội không còn mang ý nghĩa giá trị học thuật nữa. Hãy để tự thân thơ ca làm vai trò của nó, toát lên sức mạnh nội tại của mỗi bài thơ hay mỗi tập thơ. Không có giải thơ không có nghĩa làm các nhà thơ nản chí và không muốn sáng tác. Quan trọng là hãy cứ viết cho thật hay đã. Giải thưởng là một sự phấn đấu cho một đời người cầm bút, nó đầy vinh quang và nhọc nhằn - lúc đó giải thưởng mới thực sự có giá trị với người sáng tạo.
* Chị có quan tâm đến việc tư nhân thành lập giải Lá trầu? Chị nghĩ thế nào về giải thưởng này và việc “xã hội hóa” giải thưởng?
- Tôi cho rằng các giải thưởng tư nhân hiện nay vẫn chưa thực sự đề cao giá trị đích thực của nghệ thuật. Bằng cứ là các tác phẩm đoạt giải cũng chỉ làng nhàng ở tầm đọc được chứ không phải xuất chúng. Chính vì vậy giải thưởng này cũng không hấp dẫn các tác giả lắm để họ gửi tác phẩm dự giải. Nếu giải thưởng thơ sau này cũng nhiều như các giải dành cho doanh nghiệp hiện nay thì thật không nên… Xã hội hóa giải thưởng có thể vẫn làm được nếu như do một ban giám khảo thực sự có tài năng về chuyên môn đánh giá và phải được chấm trên một hệ quy chiếu đặc biệt. Làm được như vậy thì hãy nên xã hội hóa giải thưởng văn chương.
* Xin cảm ơn chị!
NGUYỄN VĂN HỌC (thực hiện)