Chủ Nhật, 06/10/2024 18:21 CH
Đọc “Cảm nhận Trường Sa” của tác giả Vũ Văn Thoại như được đọc một bản tình ca trên Biển - Đảo
Thứ Tư, 13/05/2009 07:05 SA

Biển - đảo - một cụm từ vừa quen, vừa lạ. Quen với những ai đã biết về biển đảo. Lạ với ai chưa biết về biển, đảo.

 

sach.jpg
Dù quen hay lạ thì biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa vẫn là một phần máu thịt của mỗi chúng ta. Và “Cảm nhận Trường Sa” của ông Vũ Văn Thoại đang hiện hữu trên từng trang viết thực sự đưa bạn đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tác giả viết: “ Mình nghĩ, ai có thể đoán biết được bên dưới đại dương kia đang ẩn chứa điều gì…”.

 

Một câu hỏi vừa hàm chứa cái vô hạn nhưng cũng đồng thời hàm chứa cái hữu hạn. Và tác giả tự khám phá theo cách riêng của mình.

 

Có thể hiểu cái vô hạn và cái hữu hạn trong câu hỏi này chính là bên dưới đại dương kia đang tồn tại biết bao sự sống, biết bao sinh vật biển với biết bao sắc màu, vừa lung linh, vừa huyền ảo và điều đó phải chăng cũng đặt ra bao thách thức đối với khả năng vươn tới của con người… và cũng như thế, dưới đáy đại dương kia đang lưu giữ biết bao mảnh sành, mảnh sứ của cha – ông hàng ngàn năm đang vọng về da diết…

 

Tác giả viết: “Đèn chiếu sáng”sân khấu mặt đất”bật lên, hệ thống loa công suất lớn bắt đầu hoạt động và thế là “Đêm Trường Sa Lớn - Ầm vang tiếng đàn, tiếng hát, ầm vang tiếng vỗ tay hoà cùng âm vang tiếng sóng”. Lính ta hát, lính ta nhảy múa, lính ta nâng niu từng nhành hoa dại mến tặng các nữ văn công xinh đẹp và đáp lại các cô cũng hát hết mình, múa hết mình, hoà nhập, chia sẻ hết mình với các anh, những người lính đảo…”.

 Những bông hoa dại giờ đây không còn dại nữa. Ngôn ngữ của hoa là sắc, là hương hoà quyện vào tâm hồn trong sáng của các cô thiếu nữ văn công với những nụ cười trên đôi mắt lung linh, lúng liếng.

 

Nếu như nụ cười trong “Mùa thu toả nắng” cười mở ánh sáng “muôn lòng xuân xanh” của cô gái quan họ Bắc Ninh trong thơ Hoàng Cầm gợi lên sự ấm áp, tươi sáng đến choáng ngợp, thì nụ cười trong “Cảm nhận Trường Sa” của  Vũ Văn Thoại là sự kết tinh những hương vị sắc màu tuyệt vời nhất trên cõi đời này. Nụ cười mở ra một thế giới huyền ảo.

 

Đọc “Cảm nhận Trường Sa” của Vũ Văn Thoại thấy dáng dấp của Baudelaize về thuyết tương giao. Thuyết tương giao là nguyên tắc mỹ học chủ đạo của Baudelaize, Ông quan niệm vũ trụ là một thể thống nhất, trong đó tất cả đều là sự tương ứng với nhau.  Sự tương ứng đó diễn ra nhiều mặt, giữa ý niệm  hư- thực, giữa cảm giác ánh sáng và bóng tối, giữa không gian ngang dọc, giữa tự nhiên và siêu nhiên, giữa con người với con người.

 

Đặc biệt, trong “Cảm nhận Trường Sa” ông Vũ Văn Thoại luôn nhấn mạnh đến các giác quan. Ông sử dụng sự tương giao, tương ứng giữa các giác quan như một công cụ để bộc lộ nội dung trữ tình. Tác giả viết: “An Bang đẹp, đẹp thật. Cái duyên dáng của An Bang khó có đảo nào mà mình đã đi qua sánh được”.

 

Cũng như các nhà văn Nguyên Ngọc: “Đất nước đứng lên”; Nguyễn Minh Châu: “Cỏ lau”… Văn trong “Cảm nhận Trường Sa” của Vũ Văn Thoại cũng vậy, nó là tiếng nói đa nghĩa, siêu nghĩa. Các từ được dùng trong cấu trúc văn bao giờ cũng tương ứng với tâm trạng có sức biểu hiện cao độ, vừa hoài niệm, vừa suy tưởng, vừa hồi tưởng. Từ nghĩa của một từ, có thể gợi lên nghĩa của từ khác. Đó là một thế giới ngôn từ huyền diệu. Nhờ vậy mà văn luôn được chuyển tải, giao thoa giữa sự sáng tạo (nhà văn) sang đối tượng tiếp nhận sự sáng tạo đó (công chúng) tạo thành một phức hệ cảm xúc có sức neo lại bền lâu trong lòng bạn đọc.

 

Tác giả viết tiếp: “Xin được ôm hôn tất cả những người anh em thân thiết, những khúc ruột không bao giờ chia cắt nơi xa thẳm vô bờ trên quần đảo Trường Sa”.

 

Như vậy, những biểu tượng trong “Cảm nhận Trường Sa” đều là “mã hoá”, là “chìa khoá” góp phần lập lại ngôn từ, nghĩa là không thể dựa trên  những locgic thông thường để khám phá vũ trụ, đại dương, khám phá ra bí ẩn của con người. Văn trong “Cảm nhận Trường Sa” đã vượt qua địa hạt lãng mạn để bước vào địa hạt trừu tượng.

 

Đọc “Cảm nhận Trường Sa” như được đọc một bản tình ca về biển đảo. Văn của Vũ Văn Thoại mang đậm dấu ấn hương đồng, cỏ nội, đưa người đọc thưởng thức các cung bậc, gam màu về tình yêu cuộc sống. Ông viết: “Ngoài cái màu xanh lý tưởng ấy, toàn đảo còn được phủ bởi một màu xanh khác, màu xanh của bí, của bầu, cải xanh, cải bẹ, hành, ớt…”. Lời văn  hiền hậu và thật như hạt thóc, củ khoai. Cái đáng quý là tác giả đã có cái nhìn đậm tính nhân văn, trân trọng, nâng niu từng nhân tố, từng thành phần tạo nên cuộc sống.

 

Theo Baudelaize: Cái đẹp không phải tồn tại trong thế giới riêng mà nằm ngay trong những điều bình thường. Cũng như vậy, Vũ Văn Thoại lấy cái bình thường làm lẽ sống và từ cái bình thường ấy sáng tạo, dẫn dắt, hướng tới cái phi thường.

 

Đọc “Cảm nhận Trường Sa” không thể cảm nhận, phân tích, bình phẩm đánh giá theo những quy chuẩn thông thường. Văn trong “Cảm nhận Trường Sa” là văn trác việt, nó khái quát được tầm cao, bề rộng, chiều sâu về tâm thức của con người. Cấu trúc từ chặt chẽ, đa dạng, phong phú, có sức biểu thị, biểu hiện khoa học, giúp cho bạn đọc một trường liên tưởng dù bạn đọc đó ở trình độ nào. Phải chăng đó là sự độc đáo về nghệ thuật sử dụng ngôn từ?

 

Rõ ràng “Cảm nhận Trường Sa “ dưới con mắt của bạn đọc và những ai yêu văn của Vũ Văn Thoại, thì đây là tác phẩm có giá trị về mặt văn chương và có xu hướng cách tân. Ông nắm bắt nhanh nhạy các sự kiện diễn ra bằng bộ nhớ mẫn tiệp. Ông phân tích, gạt bỏ những từ ngữ, thanh điệu, màu sắc không tương thích để giữ lại những giai điệu ngọt ngào sâu lắng. Tác giả hồi tưởng: “…Viết đến đây tôi cũng lại nhớ, cũng lại cảm, cũng lại như sống lại trong tôi cái câu chuyện quá sâu sắc về cái ý tưởng, về quyết định của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong thời kỳ chiến tranh, là lấy các địa danh, các sự kiện đã có tên, có tuổi của người anh em Phú Yên kết nghĩa để đặt tên cho các con phố, các công trình kinh tế, văn hoá trên đất Hải Dương mà cho đến nay nó không chỉ được hiểu như một dấu ấn mà trên thực tế nó đã trở thành máu thịt trong lớp lớp những người con trên quê hương Hải Dương kết nghĩa. Phú Yên trong lòng Hải Dương và Hải Dương trong lòng Phú Yên là vậy”.

 

Có thể nói, nhờ kết hợp hài hoà giữa âm thanh, màu sắc, đường nét tạo hình cho ngôn ngữ nên văn của Vũ Văn Thoại trong “Cảm nhận Trường Sa” mang đậm chất trữ tình mà trục chính của nó như một hằng số hướng vào chân - thiện - mỹ.

 

 Tác giả viết: “ Và rồi dù có chạnh lòng đến đâu đi nữa thì cũng đã đến lúc phải nói lời chia tay, nói lời tạm biệt”.

 

Vũ Văn Thoại - Một hồn văn giàu sức biểu hiện - bởi sự tài hoa của Anh trong quá trình kiến tạo ngôn ngữ, nhạc điệu tạo nên tính biểu cảm dâng trào.

 

Bản chất văn là sáng tạo. Bật lên những cảm xúc thật từ những bất ngờ  sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đẩy tần suất cảm thụ văn lên cao, không có điểm dừng. Vì vậy, những nhân vật trong “Cảm nhận Trường Sa” xuất hiện không lâu nhưng vô cùng sống động, tự nó hoà vào ánh hào quang rực rỡ làm tôn thêm vẻ đẹp cho con người.

 

Văn không phải là bão, là giông, là cơn gió lốc. Văn chính là dòng sông lớn chứa đầy tình cảm. Nói như Gruski: “Rễ của văn là tâm hồn của con người, lá của văn là ngàn lời nói”.

 

Văn trong “Cảm nhận Trường sa” hẳn là vậy.

 

HUỲNH VĂN NHỰ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đọng lại hồn thơ
Thứ Ba, 12/05/2009 06:45 SA
Đêm thơ Văn Công dạt dào cảm xúc
Thứ Hai, 11/05/2009 11:12 SA
Kristen Stewart - ngôi sao mới của Hollywood
Thứ Bảy, 09/05/2009 19:00 CH
Lan Phương và hành trình chinh phục khán giả
Thứ Bảy, 09/05/2009 14:00 CH
Sân chơi mới cho người yêu khiêu vũ
Thứ Bảy, 09/05/2009 07:24 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek