Chủ Nhật, 06/10/2024 22:21 CH
Một vài cảm nghĩ khi đọc ghi chép “Cảm nhận Trường Sa” của tác giả Vũ Văn Thoại(Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008)
Thứ Ba, 05/05/2009 14:01 CH

Tập sách có 127 trang, mỗi trang văn là một bông hoa ngôn ngữ đẹp. Có thể nói văn nguyên chất, văn nguyên chất rút ra từ máu, huyết. Văn trong suốt và có hạt nhân du lý.

 

sach.gif
Văn của ông Vũ Văn Thoại như nước của những dòng sông không bao giờ ngừng chảy, mùa nắng cái trong suốt của nó chứa biết bao nhiêu mặt trời và cái lặng của nó chứa biết bao hoà điệu giữa bầu trời và mặt đất. Cứ thế, qua mỗi ngày, cả niềm vui, nỗi buồn, cả khổ đau, hạnh phúc… lặng thầm thấm sâu vào máu thịt của chính tác giả.

 

Tác giả viết: “… Đang tận hưởng phút giây lãng mạn đó của cảnh chiều tà trên đại dương thì nghe phía mũi tàu những tiếng ồ ồ, la lớn. Mình chạy vội đến để xem chuyện gì, thì ngay lập tức cảnh tượng bất ngờ xuất hiện. Một đàn cá heo thi nhau phóng lên khỏi mặt nước, nhào lộn, từng 5, 6 chú một bay lên rồi nhủi xuống, theo hướng tiến về con tàu. Hình như đàn cá cũng mừng, cũng vui khi thấy có tàu, có bạn. Một, hai con lao rất nhanh men theo mạn tàu, chốc chốc lại phóng lên khỏi mặt nước rồi nhủi xuống! Đẹp lạ lùng!!!” .

 

Và rồi từ cái hình ảnh tươi rói ấy, tác giả đã cảm khái: “Sự sống bao giờ cũng  hiện hữu chung quanh ta mà có lúc con người cũng không hình dung nổi. Nó vẫn sống, vẫn sinh sôi, nảy nở, cái này là niềm hy vọng cho cái kia và ngược lại. Thì ra tạo hoá thật vô cùng. Trời đất thật vô cùng!!!”.

 

Rõ ràng, ngoài tấm lòng yêu quê hương đất nước, ông Vũ Văn Thoại còn yêu văn chương đến cuồng nhiệt, ông viết: “Ôi cái đảo Đá Tây trơ trụi nhưng thấm đẫm tình người”.

 

Lời văn thô phác, nguyên sơ mộc mạc, chân quê nhưng biểu hiện một tình yêu thuần khiết.

Nhờ sử dụng sự tương ứng giữa các giác quan, mà biên giới văn của ông Vũ Văn Thoại mở rộng đến không ngờ, cho phép người viết đi vào cõi tận cùng vô hình để từ đó đem về những âm thanh, màu sắc diễm ảo của một thế giới hài hoà giữa trời- đất. Tác giả dẫn dắt độc giả đi vào nền văn minh biển đảo.

 

Nếu nguyên tắc của văn lãng mạn miêu tả trực tiếp sự vật và bộc lộ trực tiếp mọi nỗi niềm, đem lại một thế giới nội tâm tràn đầy cảm xúc, suy tưởng mang bản sắc cá tính, thì ông Vũ Văn Thoại đạt đến độ chín về nghệ thuật văn chương này.

 

Tác giả dẫn:

“Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”.

Vũ Văn Thoại đã chọn biểu tượng làm phương tiện biểu hiện đắc lực cho văn của mình, biểu tượng trong tập “Cảm nhận Trường Sa” là một phức thể đầy ấn tượng, làm sống lại một cách mạnh mẽ và đẹp đẽ qua những hồi tưởng, tiềm thức, bao trùm lên không gian và thời gian. Với những biểu tượng trên, ông Vũ Văn Thoại đã góp phần làm trong sáng thêm ngôn từ vốn có và vì vậy đã cung cấp cho chúng ta những tầng nghĩa mới.

 

Không dừng lại ở đó, âm hưởng du dương, trầm bổng cũng được ông khai thác đến tận cùng:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Ghi chép “Cảm nhận Trường Sa” của tác giả Vũ Văn Thoại theo tôi, đây là tập trần thuật Trường Sa có nhiều ý nghĩa, bởi chính sự ra đời của nó đã góp phần làm thay đổi diện mạo của đời sống văn học tỉnh nhà. Đó là sự đổi mới về câu từ, giọng điệu, cấu trúc thể loại để từ đó nó giao thoa, cộng hưởng, lan toả đến người đọc.

Đối với Vũ Văn Thoại, văn không chỉ là nghệ thuật cao quý, thanh khiết, tinh tuý của tâm hồn,  mà nó còn là một đặc chủng nghệ thuật tổng hợp và như một quy luật, bản thân các nhà văn tự tìm kiếm cái tôi trữ tình trên từng tác phẩm để toả sáng tư duy.

 

Sẽ là khiếm khuyết nếu tôi không đề cập đến 57 bức ảnh tư liệu mà mỗi bức ảnh là một ngôn ngữ riêng, mỗi bức ảnh là một sự biểu đạt đến vô cùng lòng khoan dung, chất bản ngã, bản thể và nhân văn… mà hội tụ chính là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Hải quân vừa bao dung, vừa nhân hậu, vừa hiền từ, vừa gần gũi, nhưng nhìn kỹ, ai cũng nhận ra nơi Bác toả ngời chất thép, hiện thân cho ý chí quật cường của dân tộc.

 

Đêm đã về khuya, đọc tập “Cảm nhận Trường Sa”  trong tôi trào dâng niềm kiêu hãnh, tự hào về một vùng biển, đảo thân thương.

 

HUỲNH VĂN NHỰ  

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek