Thơ ca chống Mỹ cứu nước được viết từ chiến khu hay vùng giải phóng luôn là dòng cảm xúc dâng trào từ nguồn mạch hiện thực cuộc sống, chiến đấu gian khổ, nhiều hy sinh mất mát của cán bộ và chiến sĩ ta. Song vượt lên tính chất ác liệt và khắc nghiệt của hiện thực ấy, nhiều bài thơ ra đời trong lửa đạn, đã làm sáng lên thêm nét đẹp vĩnh cữu của tình yêu. Cùng với những nội dung ca ngợi cuộc chiến đấu, nói lên lòng yêu quê hương đất nước, tình đồng chí đồng đội… thì viết về tình yêu, cũng chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong thơ ca chống Mỹ cứu nước ở Phú Yên.
Có thể bắt gặp ở hầu khắp các tác giả đều có những vần thơ về tình yêu. Và những bài thơ được nhiều người yêu thích trong giai đoạn này về sau xuất hiện nhiều trong các tuyển thơ của Phú Yên, có những bài thơ tình yêu tiêu biểu như: Cảm xuân năm chín (Văn Công), Lá thư mùa đỏ (Lê Quang Chiểu), Rừng An Lĩnh những ngày (Liên Nam), Em đón anh về (Trần Xuân Quang), Thăm chồng (Thanh Quế)…
![]() |
Hát múa ca ngợi tình yêu trong kháng chiến – Ảnh: HIẾU NGỌC
|
Trong thơ ca chống Mỹ cứu nước ở Phú Yên, cũng như thơ ca chống Mỹ cứu nước nói chung, tình yêu nam nữ được gắn chặt với tình yêu quê hương đất nước, gắn với lý tưởng cách mạng, gắn với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Cảm xuân năm chín của Văn Công đã đem lại cảm nhận rõ ràng nhất về điều đó, khi sự ngăn cách chia xa của tình yêu gần như đồng nhất với sự cách ngăn của hai miền Tổ quốc:
Nhưng vẫn còn mang nặng vết thương…
Em ơi! Từ đó suốt đêm trường
Trái tim Tổ quốc đau chia cắt
Nhức nhối lòng ta mãi vấn vương
Đức hy sinh, lòng chung thủy, niềm tin lạc quan về ngày mai tất thắng là những nét đẹp được đề cao của tình yêu trong chiến tranh, và thơ Văn Công đã thể hiện điều đó với một niềm cảm xúc thật dạt dào:
Ta hẹn mai ngày ta gặp nhau
Quê hương còn đó có quên đâu
Hiền Lương bảy nhịp cầu thông suốt
Đào thắm hương lồng tỏa khóm dâu
Ở một góc độ khác, tình yêu trong chiến tranh, trong hoàn cảnh ít được gần nhau, càng nhân lên nỗi nhớ mong da diết. Lá thư mùa đỏ của Lê Quang Chiểu có thể nói là một bài thơ tình yêu khá hay lột tả được điều đó. Mùa trái dâu rừng chín, người Phú Yên gọi là mùa đỏ, được tác giả xây dựng như là một “hình tượng nhân chứng” cho mối tình của anh bộ đội với người yêu. Bối cảnh mùa đỏ tạo một nét riêng cho bài thơ, lại tăng thêm phần gần gũi và chân thực:
Em ơi, thu đến đó!
Trên này năm nay mùa đỏ trĩu cành
….
Gửi cả cho em chùm hoa đỏ
Mùa đỏ năm nay chín đỏ rừng
Diễn tả nỗi nhớ mong của hai người yêu nhau, bài thơ có những câu thơ mộc mạc nhưng thật giàu hình ảnh:
Nay ta ở hai đầu mặt trận
Một mảnh trăng nghiêng giữa núi rừng
Mỗi lá thư về lòng ta mỗi bận
Sao bồi hồi da diết bâng khuâng
Anh nhớ em nhiều đêm không ngủ
Cả trời sao cũng thức cùng anh
Mỗi cơn gió về rừng cây trăn trở
Như nhớ biển xa thao thức ân tình
Nhớ đến Liên Nam là người ta nhớ đến Chiều An Ninh nổi tiếng, song cũng có những người, khi nhớ đến nhà thơ này là nhớ đến Rừng An Lĩnh những ngày với những vần thơ nói về gian khó mà thật hào sảng nhờ sự chắp cánh của tình yêu. Tình yêu trong Rừng An Lĩnh những ngày là sự tiếp thêm sức mạnh chiến đấu, là lời nguyện ước thủy chung đi cùng với sự tuyên thệ của chính lòng mình chiến đấu không ngừng cho xứ sở:
Cách mạng miền Nam không tuần không thứ
Có khi làm quên ngủ quên ăn
Nghe tiếng chim kêu lòng tự hào biết mấy
Suốt đêm ngày “khắc phục khó khăn”
Anh sống với em những ngày gian khổ nhất
Em thương ơi anh sẽ bước lên đường
Anh sẽ mang tình em vào trăm sông ngàn núi
Chiến đấu không ngừng cho xứ sở quê hương
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều chàng trai là cán bộ dân chính, là bộ đội quê từ ngoài Bắc vào chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Sự gắn bó máu thịt với mảnh đất này, khiến họ xem đây là quê hương thứ hai. Trong những tháng ngày gian nguy ấy, đã nảy nở những mối tình đẹp đẽ giữa các cô gái ở địa phương với các anh bộ đội miền Bắc. Tác giả Trần Xuân Quang quê Thanh Hóa, có sự đồng cảm rất sâu sắc về điều ấy khi viết bài thơ Em đón anh về, lấy tâm sự của một cô gái (tác giả ghi rõ dưới tên bài thơ là Lời của một cô gái Tuy Hòa 1) để nói với các anh bộ đội miền Bắc:
Anh về quê em nếu mùa khô tới
Lá dang nhiều anh nhớ hái nấu canh
Mùa mưa về măng mọc đầy ven suối
Bát cơm thơm thêm sức hành quân
Tình cảm của cô gái và anh bộ đội là biểu hiện cụ thể của mối tình Bắc- Nam bền chặt. Sự yêu thương ở đó còn gắn cả với tình đồng đội, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng và hẹn gặp nhau giữa mùa chiến thắng:
Ta hẹn nhau đón mùa thắng lợi
Khi quê hương mở hội mừng công
Anh đẹp lắm- ơi anh bộ đội
Bóng hình anh, em ghi mãi trong lòng
Tương tự như vậy, trong bài thơ Bến sông nói về bến sông với tình đất tình người trong chiến tranh của tác giả Trần Thiện Lục, đã có những câu thơ đẹp khi phác họa hình ảnh cô gái cầm súng gác giữ làng hoa rơi trên mái tóc, trong lòng cô gái tình cảm lứa đôi gắn với nhiệm vụ công tác:
Hoa tím thầu đâu níu ngọn gió đông
Em đứng gác giữ làng hoa rơi trên mái tóc
Việc nước việc nhà đã thành nỗi nhớ mong
Lòng gái vẫn mát trong như nước lọc
Tình yêu trong thời chiến tranh, với những xa cách, hy sinh, mất mát… rất dễ đem đến sự đau khổ cho người phụ nữ. Vì thế người phụ nữ trong bối cảnh ấy, không thể yếu đuối ủy mị mà phải vượt lên trên hoàn cảnh, khắc phục mọi khó khăn trở ngại. Bài thơ Thăm chồng của nhà thơ Thanh Quế kể chuyện một chị cán bộ binh vận ở xã Hòa Định Đông đi thăm chồng mới lập được công, đã cho thấy chiến tranh dù khắc nghiệt đến mấy vẫn không ngăn nổi những thời khắc tình yêu thật đẹp với net đẹp thật hồn nhiên:
Chị cán bộ xã Hòa Định Đông
Lặn lội trèo non đi thăm chồng
Hai tay chị bồng con trước ngực
Sau lưng mang nặng gùi bánh ngọt
….
Chú Ba huyện ủy kêu lên thưởng
Cho phép đi thăm chồng năm hôm
Giây phút hai vợ chồng xa cách gặp nhau, giữa khoảnh khắc tạm yên của đạn bom ngắn ngủi, càng cho thấy phút giây ấy hạnh phúc quý đến chừng nào, được tác giả mô tả thật hóm hỉnh, đã tạo nên sự vui vẻ lạc quan:
Anh chồng ôm con hôn chùn chụt
Chị vợ lóng ngóng hai bàn tay
Mới đến mà trông như bà chủ
Pha trà, sắp bánh bưng ra mời
Lính ta vui bữa liên hoan ngọt
Thơm má thằng cu kêu chút chút
Khi ngoảnh lại nhìn hai vợ chồng
Họ đã biến đi đường nào mất
Tình yêu trong thơ ca chống Mỹ cứu nước ở Phú Yên đã góp phần làm đẹp hơn hình tượng người cán bộ chiến sĩ trong thơ ca, đồng thời góp phần tôn thêm giá trị nhân văn của văn chương thời chống Mỹ khi phản ánh hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh.q
NGUYÊN NHẬT