Thứ Năm, 03/10/2024 20:25 CH
Cuộc thi thơ năm 2008:
Các cây bút trẻ tự khẳng định mình
Chủ Nhật, 01/02/2009 14:37 CH

Cuộc thi Thơ 2008 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Cựu học sinh trung học Phú Yên phối hợp tổ chức được phát động từ tháng 12/2007 cho đến hết tháng 12/2008 đã thu hút sự tham gia của gần 150 tác giả trong và ngoài tỉnh, từ thủ đô Hà Nội cho tới TP Hồ Chí Minh.

 

tho-090131.jpg

Đọc thơ trong đêm Nguyên tiêu  - Ảnh: LÊ MINH

 

Trong tổng số 276 tác phẩm gửi đến tham dự, Ban Sơ khảo đã chọn được 83 tác phẩm của 66 tác giả để đăng trên tạp chí Văn Nghệ Phú Yên và đưa vào chấm chung khảo. Để giúp cho việc chấm giải được khách quan, chính xác, Ban Tổ chức đã mời một số nhà văn, nhà thơ trong và ngoài tỉnh tham gia Ban Chung khảo, đó là nhà văn Đào Minh Hiệp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên làm Trưởng ban cùng các thành viên là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, nhà thơ Lê Khánh Mai - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo và biên tập viên Huỳnh Văn Quốc - tạp chí Văn Nghệ Phú Yên.

 

Điều đặc biệt nhất trong cuộc thi năm nay là số lượng tác giả trẻ tham gia khá đông và chính họ đã góp phần quan trọng làm nên thành công của cuộc thi. Trong số 66 tác giả vào chung khảo thì có đến 22 tác giả trẻ, tuổi đời trên dưới 30, trẻ nhất là các sinh viên của Phú Yên, xấp xỉ tuổi 20 đang học tại TP Hồ Chí Minh và Nha Trang. Trong số 11 tác giả đoạt giải của cuộc thi thì có 4 tác giả trẻ và đều đoạt giải cao. Đó là thầy giáo Đào Tấn Trực (Trường THPT Lê Thành Phương, huyện Tuy An) giải nhất; thầy giáo Nguyễn Văn Giác (bút danh Ma Joan) (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa) cùng cô sinh viên Hà Kiều My (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đồng giải nhì; Nguyễn Văn Học (Hà Nội) đoạt giải ba. Một điều khá lý thú nữa là cuộc thi năm nay có một số cây bút lần đầu tiên xuất hiện và một người trong số họ đã đoạt giải. Đó là tác giả Hoài Niệm ở huyện Tây Hòa - đoạt giải khuyến khích. Cũng như ở các cuộc thi văn học khác được tổ chức ở Phú Yên, lực lượng giáo viên hoặc nguyên là giáo viên chiếm khá đông đảo. Trong số các tác giả lọt vào vòng chung khảo có đến 11 người là giáo viên.

Đề tài các tác phẩm tham dự cuộc thi thơ tập trung chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, công ơn cha mẹ, thầy cô và tình yêu đôi lứa. Mảng đề tài về chiến tranh cách mạng cũng có một số tác giả đề cập đến, chủ yếu là những người cao tuổi đã kinh qua chiến tranh.

 

Trong số những tác phẩm đoạt giải, có đến 7 tác phẩm về tình yêu quê hương. Đó là Vọng làng (giải nhất) của Đào Tấn Trực: “Nằm nghe con sóng quê nhà/ Một vùng ký ức khói là là bay/ Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy/ Ra rơm sương khói quyện đầy lời ru “. Còn nguyễn Văn Học (giải ba) nhớ về quê hương bằng những sự việc rất cụ thể: “Biết bao ngày cha mang cày cày vào sương sớm/ người già nuôi ước mơ trẻ con/ Tiếng dế lại gọi đêm về yên ả gió/ Và giọt sương lại cõng buổi mai lên “. Đào Đức Tuấn (giải ba) nhớ về quê hương miền Trung nắng gió nhọc nhằn: “Miền Trung trong tôi tảo tần dáng mẹ/ mẹ gũi gần, mẹ thăm thẳm bao dung”. Còn Hoàng Ngọc Anh (giải khuyến khích) nhớ về quê hương qua tiếng tiếng xe ngựa lóc cóc đường xa, Lê Anh (giải khuyến khích) nhớ quê là nhớ về Tuy Hòa phố, Hoài Niệm (giải khuyến khích) nhớ về ngôi làng Phú Thứ của mình, Đặng Văn Thơm (giải khuyến khích) thì nhớ con sông quê “trong xanh tháng ba, tháng bảy/ Vằng vặc ca dao có mưa nguồn chớp biển”.

 

Trong cuộc hành trình tìm về với cội nguồn dân tộc, tác giả Trần Văn Lan (giải khuyến khích) đã nhận ra: “Ta về hỏi đất tin lời núi/ Con dao cắt rốn đá sông Hồng/ Bếp lửa Hùng Vương tro còn nóng/ Nghìn năm sương cũ mũi tên đồng”.

 

Cô sinh viên Hà Kiều My đang học trong TP Hồ Chí Minh thương người mẹ đã phải “Gồng gánh” (tác phẩm đoạt giải nhì) để cho con đi học bằng những câu thơ chân thành và giàu hình ảnh: “Người mẹ gánh gồng cuộc mưu sinh/lang thang trên từng hẻm vắng/ Con phố ngoái đầu theo bóng mẹ”.

 

Đề tài tình yêu đôi lứa chiếm tỷ lệ khá cao trong cuộc thi, tuy nhiên những tác phẩm đứng được trong lòng bạn đọc lại không nhiều. Kỳ thạch của Ma Joan (giải nhì) là một trong số đó. “Tặng em chỗi kỳ thạch/ Ta vừa tìm được dưới lòng sâu/ Chiều trên sông Ba Hạ/ Em khỏa chân-con nước hóa nhiệm màu”. Lê Đình Hiệp (giải ba) nhớ người yêu qua hình ảnh những cơn gió “Anh về muộn mùa gió/ Sóng tiễn thuyền biệt tăm/ Cúc vàng em để ngỏ/ Bên anh khuyết chỗ nằm”.

 

Một cuộc thi văn học nữa đã khép lại và các tác giả đã có dịp giãi bày tâm sự qua những bài thơ gửi đến dự thi. Ban Tổ chức cuộc thi không ngờ rằng, chỉ vẻn vẹn có một năm mà đã nhận được gần ba trăm tác phẩm. Điều đó đã lý giải tại sao đất Phú Yên này lại có Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống đã tồn tại gần 30 năm, thu hút bạn yêu thơ không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực và cả nước. Những người chủ trì cuộc thi không mong gì hơn là tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho mọi người, và thành công nhất là đã phát hiện thêm những cây bút trẻ để giữ cho ngọn lửa thơ vẫn sáng mãi trong mái nhà chung văn học-nghệ thuật.

ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rộn ràng lễ hội đầu xuân
Thứ Bảy, 31/01/2009 07:30 SA
Lễ hội và hoạt động du lịch ở Phú Yên
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
Ông Cống làm trâu
Thứ Năm, 29/01/2009 18:30 CH
Con trâu trong ngôn ngữ dân gian
Thứ Năm, 29/01/2009 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek