* Thành Hồ có thể được xây dựng trong thế kỷ II-III
Sáng 29/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật hai di tích Thành Hồ (huyện Phú Hòa) và Thành An Thổ (huyện Tuy An).
Xem trưng bày hiện vật được phát hiện qua đợt khai quật Thành Hồ và Thành An Thổ |
Sau gần 3 tháng tiến hành khai quật (từ tháng 9 đến tháng 11), đoàn khai quật do tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, cùng Bảo tàng Phú Yên đã đào 10 hố tại di tích Thành Hồ và 8 hố tại di tích Thành An Thổ. Kết quả bước đầu, tại di tích Thành Hồ, đoàn đã thu được hơn 100.000 hiện vật có giá trị như: bàn mài bằng đá, đồ gốm với nhiều biểu tượng như linga, đinh gốm, gốm trang trí, hạt chuỗi, và rất nhiều loại gạch, ngói hình mặt hề nam, nữ, hình sư tử, hoa sen…
Nhiều loại kiến trúc được xây dựng trong Thành Hồ cũng đã được xác định trong lần khai quật này như đường đi trong thành, nơi chuẩn bị lễ vật, hồ nước phục vụ cho nghi lễ… Qua các hiện vật đã được tìm thấy, đoàn khai quật nhận định, Thành Hồ được xây dựng với kỹ thuật khá cao, bằng cách sử dụng đá vôi, gạch, trộn lẫn nhau để giữ tường thành vững chắc và rất có thể thành được đắp vào thế kỷ thứ II-III; đến thế kỷ thứ XV, thành được đắp gia cố nâng cao hơn. Đây là một kết luận mới đáng lưu ý, bởi trong 3 lần khai quật trước đó, các kết luận sơ bộ cho biết Thành Hồ được xây dựng từ thế kỷ V- VII.
Tại di tích Thành An Thổ, đoàn đã đào 8 hố chính với gần 600m2. Kết quả cũng đã thu được nhiều hiện vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như: đá xây thành, ngói ống, ngói trang trí, gốm Trung Quốc, gốm Việt
Đoàn khai quật kiến nghị tỉnh Phú Yên nên tiếp tục khai quật Thành Hồ, Thành An Thổ để tìm hiểu thêm về cách dựng thành; có kế hoạch bảo tồn và phát huy tác dụng của các di tích nhằm giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; mở tuyến du lịch đến các di tích này...
KIM CHI