Thứ Ba, 01/10/2024 06:46 SA
Chuyện một người nước ngoài mang họ Trịnh
Chủ Nhật, 30/11/2008 07:00 SA

Trong hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng hồi cuối tháng 7 năm nay, có một tham luận đặc biệt của một ông Tây, tiến sĩ văn học Frank Garke, tên tiếng Việt là Trịnh Công Long. Tham luận này đặc biệt ở chỗ được tác giả trình bày bằng giọng đọc tiếng Việt rất rành rọt và đã nhận xét đúng về văn phong Nguyễn Quang Sáng: người kể chuyện.

 

tcl-081129.jpg

Tiến sĩ Frank Gerke Trịnh Công Long (phải) cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.       

 

ĐƯỢC NHC SĨ TRNH CÔNG SƠN CHO H

 

Trịnh Công Long sinh năm 1964 tại TP Bremen, miền Tây nước Đức. Anh biết đến Việt Nam như một đất nước chiến tranh qua lời kể của cha mình. Khoảng năm 1993, Frank Garke lần đầu sang TP Hồ Chí Minh để học tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội - nhân văn và nghiên cứu văn học Việt đương đại. Trước đó, sau khi hoàn thành bậc trung học, Frank Garke đã theo học ngành Hán học và Đông Nam Á học. Cái tên Long của Frank Garke do một ông thầy dạy chữ Hán ở Hồng Kông đặt cho vì anh sinh năm Giáp Thìn (1964).

 

Sau nhiều năm đi, về Việt Nam để học tập và làm việc, năm 2005, Frank Garke hoàn thành luận án tiến sĩ là công trình nghiên cứu so sánh văn học Việt Nam và Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Năm 2006, anh chính thức định cư tại Việt Nam, cưới vợ người Việt. Hiện tại, Frank Garke làm giám đốc phát triển kinh doanh của một công ty chuyên kinh doanh vận tải Đức tại văn phòng Hà Nội.

 

Frank Garke là bạn văn của nhiều nghệ sĩ tài danh như: Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Bảo Phúc… Tại sao Frank Garke lại mang họ Trịnh Công của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Anh kể, khoảng năm 1995, khi đang làm hội chợ sách Frankurt tại TP Hồ Chí Minh, anh muốn mời vài nghệ sĩ tham gia giao lưu nên đã tìm đến tận nhà Trịnh Công Sơn. Frank Garke biết đến nhạc Trịnh sau khi được một người bạn tặng cuộn băng cassette Sơn ca 7 để rồi từ đó anh thành một “tín đồ” của nhạc Trịnh. Sau một thời gian quen thân với Trịnh Công Sơn, Frank Garke nói với nhạc sĩ họ Trịnh: Em tên Việt đã có rồi nhưng chưa có họ, em lấy họ của anh nhé! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đồng ý và tên Việt Trịnh Công Long của ông Tây Frank Garke ra đời từ đó.

 

 Frank Gerke - Trịnh Công Long mê ca từ của nhạc Trịnh hơn giai điệu. Anh phân tích: Giai điệu của nhạc Trịnh như những bài hát của trẻ con nhưng ca từ thì kinh khủng lắm. Khi hiểu tiếng Việt, tôi thấy rằng trong anh Sơn có một sự xung đột rất lớn, dễ nhận ra nhất là xung đột giữa giai điệu và ca từ của anh. Giai điệu nhạc Trịnh ai cũng có thể nhớ, thuộc nhưng hiểu được ca từ thì vô cùng nan giải. Chẳng hạn trong bài Biển nhớ có câu Trời cao níu bước sơn khê, bao nhiêu người Việt hiểu câu này nói gì dù ai cũng hát được? Anh Trịnh Công Sơn kể với tôi khi anh học ĐH Sư Phạm Quy Nhơn có yêu một cô gái người Huế nhưng giữa chừng gia đình cô bắt về quê lấy chồng. Anh Sơn viết bài Biển nhớ về cuộc tình ấy, Trời cao níu bước sơn khê là níu bước của anh Sơn và chị tên Khê. Trong cuộc sống có nhiều điều cực kỳ đơn giản nhưng lại hóa ra phức tạp (cười).

 

Hơn 10 năm ở Việt Nam, Frank Garke nhận xét như thế nào về người Việt? Anh cho rằng câu hỏi này quá khó, không thể trả lời ngắn gọn nhưng có thể nói đơn giản: Nếu người Việt không phù hợp với tôi thì tôi đã không ở Việt Nam lâu đến vậy. Hơn 10 năm tôi đã là người Việt Nam rồi.

 

HC TING VIT TRONG...QUÁN THT CHÓ

 

Khi được hỏi anh học và luyện tập như thế nào để nói tiếng Việt sõi như thế, Trịnh Công Long hóm hỉnh: Nhà thơ Lữ Huy Nguyên (nguyên Giám đốc NXB Văn học) lúc còn sống có làm thơ hỏi tôi chuyện này: “Anh bạn mến thân ơi/ Tiếng Việt anh giỏi quá/ Hỏi anh học ở đâu?”. Bài thơ của anh Lữ có ba câu nên tôi trả lời một câu ngắn gọn và đúng cách gieo vần: Học trong quán thịt chó. Tính cách hóm hỉnh là thế nhưng Frank Garke rất nghiêm túc trong học tập và công việc. Nói cho chính xác, Trịnh Công Long đã học tiếng Việt bằng cách đọc và dịch những tác phẩm Việt Nam sang tiếng Đức. Tác phẩm của hai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh được anh nghiên cứu nhiều nhất để làm luận án tiến sĩ, so sánh với văn học Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Trịnh Công Long đã dịch, in trên tạp chí chuyên về văn học tại Đức các tác phẩm của Nguyễn Duy, thơ Hồ Xuân Hương và ca từ của Trịnh Công Sơn. Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Long đang bắt tay hoàn thành bản dịch tiểu thuyết Đất lửa, hiện đã dịch được 1/3. Anh cho biết: “Dịch một truyện ngắn của anh Năm (tên gọi thân mật của Nguyễn Quang Sáng) hay của Phan Thị Vàng Anh chỉ mất một ngày là xong, còn dịch tiểu thuyết khó vô cùng”. Sở dĩ anh chọn tiểu thuyết này của Nguyễn Quang Sáng vì cho rằng đây là tiểu thuyết viết một cách công bằng và nhân văn về chiến tranh. Frank Garke lý giải thêm: Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc mà còn tinh vi “phủ sóng” khắp nơi. Khủng bố hiện nay là một dạng chiến tranh toàn cầu. Vì sao vậy? Thật không đơn giản chút nào để trả lời ai đúng ai sai khi ai cũng cố gắng bảo vệ quan điểm của mình một cách cực đoan. Tiểu thuyết Đất lửa của anh Năm đã công bằng ghi lại nội tâm của một ngôi làng, mỗi con người trong bối cảnh hỗn độn. “Rất tiếc, các nhà văn trẻ hiện nay ít viết về chiến tranh, chúng ta sống cho hiện tại nhưng không nên quên quá khứ. Nếu các nhà văn trẻ viết về chiến tranh thì sẽ có nhiều góc nhìn mới lạ” - Frank Garke chia sẻ.

 

DƯ ÂM

 

Buổi sáng hôm hẹn gặp Frank Gaker, tôi đến khách sạn chở anh đi uống cà phê. Việc đầu tiên anh nhờ tôi là chở đi mua báo. Vào quán, anh tranh thủ đọc các tin tức thời sự diễn ra hôm qua. Trong lúc đọc, gặp một từ khó hiểu anh liền nhờ giải thích và ồ lên thích thú. Phải chăng ông Tây này học tiếng Việt và am hiểu văn hóa Việt bằng con đường cơ bản nhất là đọc? Khi biết băn khoăn của nhiều trí thức người Việt về tình trạng văn hóa đọc đang giật lùi, Frank Garke nói: Ở châu Âu cũng có một thời như thế vì con người mải lo những việc thiết thực trước mắt để mưu sinh. Đến lúc nào đó tạm ổn về kinh tế thì người ta lao vào khám phá đời sống tinh thần mà lâu nay bỏ dở. Nhưng những người làm văn hóa hay sáng tạo nghệ thuật phải chuẩn bị từ bây giờ để lúc đó có cái cho dân tộc mình dùng. Còn với giới trẻ, vấn đề chính nằm ở phương pháp giáo dục. Tại sao giới trẻ thích chơi game hơn lên net đọc sách? Giáo dục phải có phương pháp hướng niềm ham thích đọc sách cho giới trẻ và cách đọc như thế nào cho khoa học.

 

  

HÒA AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek