Thứ Sáu, 04/10/2024 12:22 CH
Đôi tay “phù thủy” của Z27
Thứ Tư, 03/05/2006 08:37 SA

Bình thản lấy ra một tờ giấy bạc 10.000 đồng Việt Nam, Z27  đưa lên trước mặt tôi thổi phù “hồ biến” một cái thành tờ 10 đô-la Mỹ mới toanh. Đó là một trong nhiều trò của người nghệ sĩ mang biệt danh na ná điệp viên… Z27 đã và đang làm mê mẩn hàng triệu người ở trong lẫn ngoài nước.

 

Z27 tên thật là Nguyễn Đức Trường, sinh tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cha mẹ đều là nông dân, không có ai theo con đường nghệ thuật. Vậy mà cậu con trai thì khác: hết sức say mê những buổi làm xiếc của các gánh Sơn Đông mãi võ về biểu diễn trước cổng trường. Để “chiêu dụ” bọn trẻ, cứ mỗi lần chuẩn bị thu dọn gánh xiếc đi biểu diễn nơi khác, các nghệ sĩ xiếc thường chỉ dẫn cho các cậu bé ở địa phương một vài trò ảo thuật đơn giản. Nguyễn Đức Trường là đứa bé tỏ ra thông minh, nắm bắt nhanh nhạy những trò ảo thuật ấy, về nhà tập luyện thuần thục từng động tác, đem biểu diễn lại cho cha mẹ và bạn bè cùng lớp cùng trường xem.

 

060503-Doi-tay.jpg
Một tiết mục của Z.27

 

Về nhà, anh lấy bìa lịch làm hộp đựng đạo cụ. Vót tre làm gậy. Đứng trước gương tập luyện. Ngoài giờ học, anh mê mải làm xiếc, tập tới khi nào đôi tay rời rã thì thôi. Anh cũng không bỏ qua bất cứ bộ phim nào có màn ảo thuật. Nhờ xem nhiều phim, anh lần mò phát hiện được một số bí quyết làm xiếc của các nhà ảo thuật lừng danh thế giới.

 

Cuối năm 1956, Nguyễn Đức Trường theo gia đình chuyển từ Cai Lậy lên Sài Gòn sinh sống. Ở trong trường học ở thành phố, Nguyễn Đức Trường cũng được bạn bè cùng lớp quí mến nhờ sự hiền lành của cậu bé quê có tài… làm xiếc điệu nghệ. Tình cờ bữa nọ, đọc mẫu rao vặt trên báo thấy nhà ảo thuật nổi tiếng bấy giờ là Nguyễn Thành Long thông báo chiêu sinh, cái máu ảo thuật trong người nổi lên, Nguyễn Đức Trường đi đăng ký học. Nhưng khi thấy bảng học phí phải đóng tới 800 đồng một khóa, anh tá hỏa, số tiền quá lớn so với hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Biết được tình cảnh ấy, bạn bè cùng lớp đã ra sức động viên và hùn tiền cho Nguyễn Đức Trường đi học ảo thuật. Tuy nhiên, tấm lòng của bạn bè không phải “tiền cho không biếu không” mà có điều kiện hẳn hoi: học được trò xiếc nào, anh phải về dạy lại cho họ trò ấy! Cho tới bây giờ, khi “công đã thành, danh đã toại”, Nguyễn Đức Trường không bao giờ quên nghĩa cử ấy, mà còn luôn cố gắng không làm phụ lòng tốt của họ.

 

Năm 1968, tại cuộc liên hoan ảo thuật toàn miền Nam, có 23 “cao thủ” ở Sài Gòn đã quyết “tranh hùng” cao thấp. Những màn ảo thuật đã được “tung” ra làm ngất ngây người xem. Dù vậy, chỉ có một chiếc huy chương vàng duy nhất được trao cho một nghệ sĩ trẻ tài năng, đó chính là Z27. Kể từ giây phút vinh quang đó,  biệt danh rất “điệp viên” Z27 đã trở nên quen thuộc với những khán giả say mê ảo thuật Việt Nam lẫn một số nước trên thế giới mấy mươi năm qua. Ngoài ra, Z27 còn được “gán” cho nhiều biệt danh hấp dẫn khác như “Ông hoàng bồ câu”, “Ông hoàng xòe bài”… Từ những bài học ấu thơ của các nghệ sĩ Sơn Đông mãi võ ở Cai Lậy cho đến các “tuyệt chiêu” của ảo thuật gia Nguyễn Thành Long ở Sài Gòn, kết hợp với tài năng thiên bẩm và công phu tập luyện đã tạo nên cho nền ảo thuật Việt Nam một nghệ sĩ hàng đầu đáng nể phục.

 

Z27 đặc biệt mê bồ câu. Đối với người nghệ sĩ tài hoa này, cái màu trắng của bộ lông bồ câu thật tinh khiết, thật ấn tượng. Còn đôi mắt của chúng thì hiền lành, sống động, pha chút lãng mạn. Ông cũng thích bồ câu vì loài chim này còn là biểu tượng cho tình yêu, cho lòng chung thủy và cho cả hòa bình. Vì vậy, trong nhà Z27 luôn đông đảo bồ câu, và bồ câu cũng trở thành người bạn diễn trong nhiều tiết mục ảo thuật rất thành công của ông. “Biểu diễn với bồ câu, tôi luôn luôn hết sức hứng thú”- Z27 nói. Rồi cũng chính với bồ câu mà ông đã từng gặp “tai nạn”…

 

Ngoài những chương trình nghệ thuật xiếc riêng, thì trong nhiều chương trình biểu diễn còn có ảo thuật xen lẫn với ca nhạc, kịch. Tại một sân khấu ở Sài Gòn, trong một chương trình nghệ thuật, theo sự sắp xếp của ban tổ chức sau khi ca sĩ Thanh Lan hát xong sẽ đến lượt ảo thuật gia Z27 biểu diễn, nên anh bỏ trước bồ câu vào bao chờ vài phút sau bước ra sân khấu. Nhưng rồi bất ngờ có sự thay đổi: vì phải chạy sô, một ca sĩ đã khóc lóc với ông bầu được diễn sớm trước Z27, buộc anh phải chờ thêm một tiết mục nữa. Sau khi trịnh trọng bước ra sân khấu chào khán giả, Z27 bắt đầu biểu diễn, mở bao cho bồ câu bay ra, thì hỡi ơi chú bồ câu… nằm im thin thít vì ngộp thở chết trong bao từ hồi nảo hồi nao! Cái chết oan của chú bồ câu cùng “tai nạn” nghề nghiệp ấy làm Z27 nhớ suốt đời.

 

Với tài nghệ hiếm có và những đóng góp của mình cho nghệ thuật, Z27 đã được kết nạp làm hội viên của Hội Aûo thuật gia quốc tế Hoa Kỳ IBM, Hội Aûo thuật Pháp L’AFAP và hội viên danh dự vĩnh viễn của Câu lạc bộ Aûo thuật Moskva, Nga. Năm 2001, Z27 cũng vinh dự được Nhà nước ta phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Đây là một hạnh phúc!

 

Cho tới nay, Z27 đã đi lưu diễn gần 20 nước từ Châu Á sang Châu Âu, Bắc Mỹ… Có một thời gian, vì nhiều lý do khác nhau Z27 gần như phải lìa xa ảo thuật, sống bằng nghề sản xuất đồ chơi cho trẻ con. Khi cuộc sống gia đình ổn định, xã hội cởi mở hơn, ông liền quay trở lại với cái “nghiệp” của mình. Z27 nói: “Thực ra hiện nay tôi cũng không sống được bằng nghề ảo thuật, mà sống nhờ nghề sản xuất đồ chơi bằng nhựa. Tuy nhiên, được trở lại với sân khấu, với khán giả là đã thấy mãn nguyện, không bỏ phí bao nhiêu năm công phu tập luyện. Aûo thuật đã trở thành máu thịt của cuộc đời tôi. Tôi muốn đem niềm vui, đem nụ cười tới cho mọi người. Tôi cũng sẵn sàng đi biểu diễn miễn phí để phục vụ bà con nghèo vùng sâu vùng xa, trại mồ côi, bệnh viện, trường học…”

 

Z27 tự hào có nhiều học trò tài năng của mình đã vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để trở lại với nghề ảo thuật. Ông nói bộ môn nghệ thuật này cũng là một nghề “bí truyền” mang sâu đậm tính dân tộc. Trước đây có một nhà ảo thuật người Nga theo năn nỉ Z27 truyền nghề, nhưng ông đã từ chối… Theo Z27, muốn trở thành nhà ảo thuật giỏi thì phải học và luyện tập thường xuyên, nghĩ ra nhiều “chiêu thức” mới để khán giả không nhàm chán. Nếu có điều kiện, nghệ sĩ ảo thuật cần ra nước ngoài tu nghiệp, bồi dưỡng thêm.

 

PHAN YÊN YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc hành trình tìm về kỷ niệm
Thứ Tư, 19/04/2006 14:09 CH
Giữ gìn hơi thở cuộc sống xưa
Chủ Nhật, 16/04/2006 10:30 SA
Văn Cao và Suối Mơ
Thứ Bảy, 15/04/2006 09:39 SA
Chuyện "kín" và "hở" trong phim Việt
Thứ Bảy, 15/04/2006 09:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek